"Bao" tiền taxi cho công nhân đi làm sau sập cầu Phong Châu

Hoa Lê

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc đã hỗ trợ thiết thực đến những người lao động bị ảnh hưởng do bão Yagi gây ra.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, trong những ngày vừa qua, mưa lũ do ảnh hưởng của bão Yagi gây ngập lụt khiến việc đi lại của một số công nhân làm việc ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn.

Báo cáo nhanh của 100 đơn vị, các doanh nghiệp đã xây dựng phương án, chuẩn bị các phương tiện, điều kiện về nhân lực, vật lực và nguồn lực để phòng, chống mưa lũ và đảm bảo cho sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, 15 doanh nghiệp cho biết, 1.118 người lao động (739 trong tỉnh, 379 tỉnh ngoài) không đến làm việc do ảnh hưởng của mưa lũ, ngập lụt.

Theo đó, hầu hết các doanh nghiệp dự kiến cắt phép năm (người lao động được hưởng nguyên lương) đối với những ngày người lao động nghỉ do không thể đi từ chỗ ở đến nơi làm việc được.

Đặc biệt, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam hỗ trợ tiền đi taxi hằng ngày từ nhà đến địa điểm xe đưa đón của Công ty đối với 4 lao động (ở tỉnh Phú Thọ). Do những lao động này phải đi qua cầu Phong Châu.

2 doanh nghiệp bố trí cho người lao động làm việc trực tuyến hoặc nghỉ làm như Công ty Honda Việt Nam, Công ty TNHH Japfacomfeed Việt Nam (Bình Xuyên).

Công ty TNHH Điện tử Boulder (KCN Bình Xuyên 2) có 2 người lao động ở nhà trọ bị ngập. Công ty đã chủ động liên hệ để người lao động chuyển chỗ ở trọ khác cho người lao động.

Một số doanh nghiệp đã chủ động phương án bố trí cho người lao động có nhu cầu ở lại Công ty do ngập lụt như: Công ty Cổ phần Giầy Phúc Yên, Công ty TNHH Jahwa Vina, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vitto Vĩnh Phúc…

 Để đảm bảo ổn định sản xuất, an toàn cho người lao động, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đề xuất với UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, UBND các huyện, thành phố thường xuyên bám nắm tình hình lao động của doanh nghiệp trên địa bàn quản lý bị ảnh hưởng của mưa lũ, ngập lụt.

Từ đó, báo cáo kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có biện pháp hỗ trợ. Liên đoàn Lao động tỉnh thông qua Công đoàn cơ sở các doanh nghiệp nắm bắt tình hình người lao động làm việc tại các doanh nghiệp gặp khó khăn về đi lại, chỗ ở, … cần hỗ trợ để phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và người sử dụng lao động có phương án kịp thời hỗ trợ người lao động.