Bao giờ công nhân được mua nhà 150 triệu đồng?
Báo Giao thông trao đổi với ông Bùi Văn Cường, người vừa tái đắc cử Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam...
Tại Đại hội 12 vừa bế mạc cuối tuần qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, một trong những chỉ tiêu phấn đấu nhiệm kỳ 2018-2023 là triển khai đầu tư xây dựng tối thiểu 50 thiết chế công đoàn, mỗi thiết chế sẽ có khoảng 1.000 căn hộ từ 30-45m2 để bàn giao cho công nhân. Báo Giao thông trao đổi với ông Bùi Văn Cường, người vừa tái đắc cử Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam để làm rõ hơn vấn đề này.
Đáp ứng chỗ ở cho công nhân, người lao động
Ông có thể cho biết, lộ trình thực hiện đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn sẽ được tiến hành thế nào?
Giữa năm 2017, Thủ tướng ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN), (KCX)” với mục tiêu cụ thể là: Từ năm 2017 - 2018 phấn đấu hoàn thành 10 thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Từ năm 2018 - 2020 hoàn thành và đưa vào sử dụng 40 thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX. Đến năm 2030 phấn đấu tất cả các KCN, KCX trên cả nước đều có thiết chế của công đoàn.
Thực hiện các nội dung của Đề án, mỗi KCN, KCX tại địa phương sẽ được Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư xây dựng một thiết chế của công đoàn, đó là một tổ hợp công trình được xây dựng đồng bộ trên diện tích từ 1ha đến trên 5ha gồm: nhà ở (căn hộ), nhà trẻ, siêu thị, công trình văn hóa, thể thao (nhà đa năng) văn phòng tư vấn pháp luật gắn với vườn hoa, cây xanh.
Một thiết chế của công đoàn như trên sẽ có khoảng 1.000 căn hộ (có diện tích từ 30m2/căn đến 45m2/căn, để cho thuê hoặc bán, với giá bán 150 triệu đồng/căn trở lên, giá cho thuê thấp, đáp ứng chỗ ở có chất lượng cho các công nhân, người lao động đang làm việc tại các KCN, KCX khó khăn về nhà ở.
Đến năm 2023, tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ xây dựng 50-70 thiết chế công đoàn tại 50 -70 KCN, phấn đấu đến năm 2030 sẽ xây dựng 340 thiết chế của công đoàn tại 340 KCN, KCX.
Thời gian qua, việc xây nhà giá rẻ cho công nhân đã được triển khai ở một số địa phương. Qua một thời gian, ông đánh giá thế nào về tác động cũng như ý nghĩa của chính sách này?
Trước đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam chưa có dự án nào về nội dung này, mà chỉ kêu gọi, khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, do lợi nhuận thấp nên rất ít doanh nghiệp đầu tư xây dựng, chỉ có một số ít địa phương, doanh nghiệp quan tâm. Từ cuối năm 2016, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất với Đảng và Chính phủ Đề án thì mới chính thức làm những việc cụ thể. Một số dự án đã được triển khai tại các tỉnh Hà Nam, Tiền Giang, Quảng Nam.
Theo ông, việc này có ý nghĩa thế nào đối với đời sống tinh thần, vật chất của công nhân lao động?
Việc xây dựng thiết chế công đoàn giúp người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, góp phần giảm ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm, giúp con công nhân lao động được bố mẹ chăm sóc, tăng mức độ gắn kết trong mỗi gia đình công nhân; giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân, góp phần ổn định an ninh trật tự, giảm tệ nạn xã hội tại các địa phương. Một số dự án đã được triển khai tại các tỉnh Hà Nam, Tiền Giang, Quảng Nam. Điều này cũng góp phần thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở giá rẻ, cân đối cơ cấu hàng hóa bất động sản.
Theo đề án và hết nhiệm kỳ XII, tổ chức Công đoàn sẽ xây dựng hơn 50.000 - 700.000 căn hộ nhà ở tại 50 - 70 khu công nghiệp trong cả nước.
Đảm bảo đủ điều kiện khởi công trong quý II/ 2019
Dựa trên cơ sở nào Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra chính sách xây dựng nhà ở giá 100-200 triệu đồng cho người lao động?
Theo Đề án, nhà ở cho công nhân trong các thiết chế công đoàn gồm có nhà ở cho thuê và nhà ở để bán. Các căn hộ ở có diện tích từ 30m2 trở lên với giá bán từ 150 triệu đồng/căn trở lên; đoàn viên là người lao động ở KCN, KCX được mua căn hộ theo hình thức trả tiền toàn bộ hoặc trả góp tới 15 năm với mức lãi suất ưu đãi.
Chưa chuẩn bị được quỹ đất sạch đầu tư dự án
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết, do triển khai trên quy mô toàn quốc nên sẽ có nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó có việc hạn chế về quỹ đất để triển khai đầu tư. Trong quá trình khảo sát địa điểm đầu tư tại các địa phương nhận thấy các địa phương đều chưa chuẩn bị được quỹ đất sạch để đầu tư dự án hoặc có thì chưa phù hợp về quy mô, địa điểm đầu tư và chưa giải phóng mặt bằng.
Tính chất dự án phức tạp, chịu sự điều chỉnh của nhiều Bộ luật như: Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Doanh nghiệp...
Đây là chương trình hỗ trợ công nhân là đoàn viên công đoàn, chương trình phi lợi nhuận nên tối giản tất cả các chi phí (ví dụ thiết kế chung 1 mẫu gọi là thiết kế điển hình rồi xây dựng ở khắp nơi nên không phải mất chi phí thiết kế, doanh nghiệp xây dựng không phải đóng thuế cho Nhà nước về xây dựng... nên giảm chi phí).
Thứ hai, Nhà nước mà cụ thể là các địa phương cấp đất không thu tiền và đảm bảo đất sạch, mặt bằng đã được san lấp đáp ứng yêu cầu xây dựng, bố trí hạ tầng (đường giao thông, điện, cấp, thoát nước, thông tin…) đến chân công trình.
Thứ ba, Tổng LĐLĐ Việt Nam hỗ trợ phần chi phí hạ tầng trong công trình, nhà trẻ, siêu thị, các thiết chế văn hóa thể thao, công viên, cây xanh, hạ tầng dịch vụ xã hội khác trong khu thiết chế, không tính vào giá thành căn hộ.
Và do công đoàn kêu gọi sự trợ giúp của các nhà cung cấp vật liệu theo hướng mua nhiều xin giảm giá nên giá thành có thể nói sẽ là thấp nhất trong xây dựng.
Đề án xây nhà giá rẻ cho CNLĐ sẽ được Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai ở những địa phương nào, lộ trình ra sao, thưa ông?
Tổng LĐLĐ Việt Nam có trách nhiệm bằng nguồn vốn tiết kiệm và tích lũy của tổ chức công đoàn, nguồn từ ngân sách Nhà nước, cũng như các nguồn vốn hợp pháp khác sẽ đầu tư từ 300 - 500 tỷ đồng để xây dựng cho một thiết chế tại mỗi dự án ở địa phương.
Đến nay, đã có 22/50 tỉnh, thành đồng ý chủ trương đầu tư và giới thiệu địa điểm đất, đang tích cực chuẩn bị các thủ tục đầu tư, đảm bảo đủ điều kiện khởi công trong quý II/ 2019, tổ chức xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý IV/ 2020. Tuy nhiên, cũng còn những địa phương có nhu cầu về nhà ở rất lớn của công nhân nhưng chưa bố trí được đất đai.
Thời điểm này đã có 3 tỉnh hoàn thành xong thủ tục chuẩn bị đầu tư là: Hà Nam, Quảng Nam, Tiền Giang. Một số tỉnh rất quan tâm nhưng chúng tôi đang phải khảo sát nhu cầu, để đảm bảo đầu tư phải thiết thực, nghĩa là xây xong các căn hộ phải “sáng đèn”.
Tiêu chí lựa chọn để được mua căn hộ sẽ ưu tiên những đối tượng nào, thưa ông?
Đối tượng được thuê, mua là người khó khăn về nhà ở và chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức từ Nhà nước tại nơi sinh sống, làm việc; là đoàn viên, công nhân lao động làm việc tại khu công nghiệp từ một năm trở lên, có hợp đồng lao động đã được ký kết với người sử dụng lao động. Đây cũng là đối tượng không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên. Tới đây sẽ có các tiêu chí cụ thể.
Vấn đề quan trọng nhất trong triển khai thực hiện là kinh phí. Nguồn kinh phí này sẽ được huy động thế nào, thưa ông?
Nguồn vốn đầu tư xây dựng thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX khái toán hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn của tổ chức công đoàn chiếm tỷ lệ hơn 30%, nguồn vốn khác là vốn vay, vốn huy động khách hàng chiếm tỷ lệ gần 70%. Chúng tôi đang kiến nghị Nhà nước quan tâm hỗ trợ về hạ tầng cho công nhân. Về vốn của tổ chức công đoàn là nguồn kinh phí từ việc điều chỉnh giảm tỷ trọng chi hành chính và hoạt động phong trào ở các cấp công đoàn.
Ngoài nguồn vốn tiết kiệm, tích lũy của công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngân hàng chính sách và các ngân hàng thương mại Nhà nước nhằm thu xếp tín dụng cho người mua. Hiện nay, Ngân hàng VietinBank đã đưa phương án lãi suất thương mại 7,5% trong thời hạn 20 năm cho người mua, trong khi vay ngoài cao hơn con số này. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã thông báo nguồn vốn ngân sách năm 2018 được cấp 500 tỷ đồng và nguồn tự huy động là 500 tỷ đồng để cho vay với lãi suất 4,8%.
Ở Hà Nội và TP HCM, số lượng công nhân lao động rất đông nhưng việc tìm được mặt bằng cũng như công tác giải toả đất đai để có mặt bằng xây dựng lại rất phức tạp. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tính đến những điều này và có phương hướng gì, thưa ông?
Nhu cầu xây dựng nhà ở giá rẻ cho công nhân lao động tại Hà Nội và TP HCM là rất lớn. Tuy nhiên, việc lựa chọn địa điểm mặt bằng có đất sạch (đã được đền bù giải phóng mặt bằng) như yêu cầu của Đề án là khó khăn nhưng không phải không thực hiện được. Chúng tôi đã làm việc với các địa phương này và được biết họ đang quyết liệt trong việc chỉ đạo các cấp, ngành địa phương rà soát, tìm phương án tối ưu nhất.
Cảm ơn ông!
Theo Hoài Thu/Báo Giao Thông