Báo động tình trạng thợ lò bỏ việc: Tuyển 1, bỏ 1

Chưa bao giờ các Cty khai thác than của Tâp đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) lại đang đứng trước nguy cơ thiếu thợ lò trầm trọng như hiện nay, trong khi các mỏ than ngày càng phải khai thác sâu hơn dưới lòng đất bởi các mỏ lộ thiên đã cạn kiệt.


Thợ lò Công ty than Vàng Danh. Ảnh: Trần Ngọc Duy

Thợ lò Công ty than Vàng Danh. Ảnh: Trần Ngọc Duy

Chỉ cách đây chưa đến chục năm, phải rất vất vả, chật vật mới có thể thành thợ mỏ; nhưng giờ đây, TKV phải cử quân đi khắp nơi để tìm kiếm, mời chào thanh niên đi làm thợ lò với cơ chế đặc biệt nhưng quân số thợ lò cứ rụng dần, thậm chí có thời điểm, số tuyển vào và số bỏ việc ngang bằng nhau.

Câu chuyện thợ lò bỏ việc và cực kỳ khó khăn trong việc tuyển sinh thợ lò trong ngành than xuất hiện từ nhiều năm trước, nhưng đến nay đã rơi vào tình trạng báo động. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2017, tỉ lệ thợ lò bỏ việc tính trên số tuyển sinh mới tăng đột biến, với tỉ lệ xấp xỉ 100% – nghĩa là tuyển 1, bỏ 1 – khiến ngành than phải triệu tập một hội nghị khẩn cấp nhằm tìm các giải pháp thu hút và giữ chân thợ lò.

Bỏ ào ào, tuyển gặp khó

Theo Công đoàn TKV, nếu như năm 2016, số thợ lò bỏ việc là 1.121 người (chưa tính 297 thợ cơ điện hầm lò bỏ việc) thì chỉ 6 tháng đầu năm nay đã có 1.136 thợ lò bỏ việc, cũng chưa kể hàng trăm thợ cơ điện hầm lò xin thôi việc. Tuy nhiên, con số thực có thể còn lớn hơn bởi theo tìm hiểu của chúng tôi, có những Cty thuộc TKV mỗi năm có tới hàng trăm thợ lò bỏ việc, trong khi TKV có khoảng 17 Cty khai thác hầm lò tại Quảng Ninh.

Ông Trịnh Ngọc Toản - Chủ tịch Công đoàn Cty CP than Hà Lầm - cho biết, năm 2016, số thợ lò của Cty giảm 423 người, trong đó về hưu chỉ vài chục người, còn lại là bỏ việc, trong khi chỉ tuyển dụng được 181 thợ lò. 8 tháng đầu năm 2017, số thợ lò giảm tiếp 334 người, trong đó phần lớn là bỏ việc, trong khi tuyển thêm được 120 thợ lò.

Theo ông Toản, Cty CP than Hà Lầm có nhiều điều kiện hơn các đơn vị khác, mà số lượng bỏ việc lớn đến vậy thì các đơn vị khác khó có thể tránh được tình trạng trên, thậm chí tồi tệ hơn. Vì thế, một số lãnh đạo trong ngành than cho rằng, con số thợ lò bỏ việc từ đầu năm 2017 tới nay phải lên tới vài ngàn người.

Trong khi thợ lò ào ào bỏ việc, thì việc tuyển sinh thợ lò đầu vào vô cùng khó khăn. Cty than Vàng Danh - luôn là “điểm sáng” về thu hút thợ lò - nhưng kế hoạch năm 2016 tuyển 300 thợ lò thì đến nay mới tuyển được 80 thợ lò.

Theo ông Vũ Văn Thịnh - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và giới thiệu việc làm, thuộc trường Cao đẳng nghề than TKV, đơn vị chủ lực tuyển sinh và đào tạo thợ lò cho TKV - mỗi năm các Cty của TKV cần tuyển từ 3.500 - 4.000 thợ lò mới đáp ứng được yêu cầu sản xuất.

“Kế hoạch năm 2017 phải tuyển 3.800 thợ lò, nhưng đến nay mới tuyển được 1.800. Giỏi lắm thì cả năm nay tuyển được 2.000 học viên, nghĩa là vẫn thiếu 1.800 thợ lò cho các Cty của TKV, trong khi đó chưa chắc đã giữ được đủ quân số trên cho tới khi tốt nghiệp” - ông Thịnh than thở.

Theo kế hoạch được Chính phủ giao, đến năm 2020, ngành than phải đạt sản lượng 42 triệu tấn than thương phẩm/năm. Và, để có đủ lực lượng làm ra sản lượng trên, mỗi năm ngành than cần bổ sung từ 7.000 - 9.000 thợ lò, thợ cơ điện hầm lò.

Trèo đèo, lội suối tìm học viên

Ông Vũ Văn Thịnh vừa cùng nhóm cán bộ, nhân viên của trường Cao đẳng nghề than TKV từ huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng trở về sau chuyến đi tuyển sinh gần một tuần. Vài năm trở lại đây, việc tuyển sinh thợ lò ở vùng đồng bằng Bắc Bộ đã trở nên vô cùng khó khăn, buộc trường Cao đẳng nghề than TKV phải lên tận vùng sâu, vùng xa, miền núi và vào tận Quảng Trị, Quảng Bình… để tuyển sinh.


Thợ lò luôn phải làm việc trong môi trường độc hại và nguy hiểm. Ảnh: Trần Ngọc Duy

Thợ lò luôn phải làm việc trong môi trường độc hại và nguy hiểm. Ảnh: Trần Ngọc Duy

Bình quân mỗi tháng, nhóm cán bộ, nhân viên của trường này có 2-3 chuyến đi xa và dài ngày để tuyển sinh, với sự hỗ trợ của mạng lưới tuyển sinh được đặt tại 29 tỉnh, thành từ Quảng Trị trở ra. Theo ông Thịnh, số lượng học viên là dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Bắc càng chiếm số lượng áp đảo.

Năm 2013, số học viên dân tộc thiểu số chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng học viên, nay lên tới 50%; trong khi đó, trước đây, số học viên ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ luôn chiếm trên 60% thì nay giảm xuống dưới 30%. Đặc biệt, trước đây, nguồn cung ứng thợ lò chính cho ngành than là ở Quảng Ninh, với khoảng 1.500 thợ/năm thì nay cố lắm chỉ tuyển sinh được 700 học viên/năm.

Hầu hết các địa danh, mà trước đây có lẽ ngành than chưa bao giờ nghĩ tới, như Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì (Hà Giang), Mù Căng Chải (Yên Bái), Tuần Giáo (Lai Châu), Bát Xát (Lào Cai)… giờ là những điểm đến quen thuộc đối với những nhà tuyển dụng thợ lò.

Dù được miễn phí đào tạo, được nuôi ăn, ở trong suốt quá trình học và có việc ngay sau khi tốt nghiệp, với mức lương không dưới 10 triệu đồng/tháng cùng những cơ chế, chính sách ưu đãi, nhưng việc tìm kiếm, thuyết phục thanh niên ở những vùng thuộc diện nghèo nhất của Tây Bắc ghi danh học vô cùng khó khăn.

“Có những em đang học thì đòi bỏ về vì bố mẹ bắt về… lấy vợ. Vì thế, chúng tôi không chỉ phải thuyết phục các em mà còn phải động viên, khuyên nhủ cả các bậc phụ huynh. Chưa bao giờ tuyển sinh thợ lò, mà lại ở mãi tít vùng rừng núi, lại khó khăn đến thế” - ông Thịnh chia sẻ.

Không những vậy, không ít học viên vừa thực tập được vài ngày đã “chuồn” mất vì sợ… lò, trong khi đó, số bỏ việc trong quá trình làm việc thì nhiều vô kể. “Thanh niên các vùng đồng bào dân tộc, nhất là dân tộc Mông có sức khỏe, làm việc chăm chỉ, tuy nhiên, nếu chỉ vài người bỏ về là kéo theo cả đoàn về.

“Sau này, nếu có quay lại vùng đó để tuyển sinh thì cũng thất bại, bởi họ truyền tai nhau về sự cực khổ, nguy hiểm của nghề mỏ hay môi trường sống không phù hợp nên ai cũng ngán dù biết là đồng lương cao” - lãnh đạo một Cty than tại Cẩm Phả cho biết. Theo hợp đồng lao động ký kết, học viên, thợ lò bỏ việc sẽ phải bồi hoàn chi phí đào tạo, ăn - ở trong quá trình học.

Tuy nhiên, nếu có phạt thì họ cũng chẳng có tiền nộp vì hầu hết các gia đình học viên đều nghèo xác xơ. Hơn nữa, phạt sẽ gây tiếng xấu, khiến những thanh niên khác không dám nộp đơn xin học thợ lò.

Ông Vũ Xuân Nghiệp - Trưởng phòng tuyển sinh, nhân sự, thuộc Ban quản lý dự án, Cty CP than Núi Béo - cho biết, Cty sắp mở lớp tập huấn về phong tục, tập quán, văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc cho các cán bộ chủ chốt của Cty. “Muốn giữ chân thợ lò là người dân tộc vùng cao, trước hết phải hiểu văn hóa, phong tục của họ” - ông Nghiệp chia sẻ.

Theo Báo Lao động