Báo động tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động

Trong xã hội ngày nay, không thể phủ nhận vai trò của xuất khẩu lao động (XKLĐ), bởi nó vừa mang lại lợi ích về kinh tế, vừa tận dụng được một lượng lớn lao động dôi dư.

Thế nhưng, có không ít địa phương lao đao, nhiều gia đình khốn đốn, phải bán nhà bán cửa, nợ nần chồng chất vì “sập bẫy” lừa đảo của “cò” XKLĐ.

Muôn dạng của … “cò”

Thời gian qua, tình trạng lừa đảo XKLĐ ngày càng phổ biến, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Một số cá nhân, doanh nghiệp (DN) không hề có chức năng XKLĐ đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động (NLĐ), dùng chiêu bài làm công tác tư vấn và thu tiền bất hợp pháp dưới danh nghĩa đưa đi học và làm việc ở nước ngoài. Những “Trung tâm”, “Công ty cung ứng lao động” mọc lên ngày càng nhiều, mượn danh pháp nhân hoặc mạo danh các DN có chức năng XKLĐ để lừa đảo NLĐ.


Một đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động bị đưa ra xét xử.

Một đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động bị đưa ra xét xử.

Các chiêu bài mà các tổ chức, DN này thường sử dụng để lừa NLĐ như: có thể đưa đi làm việc ở những thị trường, ngành nghề, công việc có thu nhập cao, tiêu chuẩn về tay nghề, ngoại ngữ không cao, thời gian xuất cảnh nhanh. Thậm chí, có những trung tâm còn đưa ra cho NLĐ xem thông báo tuyển dụng (hoặc đơn tuyển dụng) của phía doanh nghiệp bên nước bạn để tăng độ tin cậy.

Nhưng độ tin cậy, phần trăm sự thật trong những tờ thông báo tuyển dụng phô tô này chân thực đến đâu, chỉ có họ mới biết, còn người lao động thì khó mà kiểm chứng. Có những đơn vị còn cử cả cán bộ về làm việc với chính quyền địa phương “nhờ” tuyển giúp, thông báo tuyển lao động còn được đọc ra rả trên loa truyền thanh của xã, phường.

Đã có không ít người lao động do thiếu thông tin, nhẹ dạ cả tin, lại nôn nóng, muốn được sớm ra nước ngoài nên bị “sập bẫy”, bị môi giới và những tổ chức, cá nhân không có chức năng lợi dụng, lừa gạt với những khoản tiền không hề nhỏ. Như trường hợp anh Nguyễn Công Thìn ở Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội. Năm 2014, anh Thìn có quen biết một thanh niên tên Cường khoảng chừng 30 tuổi. Qua vài lần gặp gỡ, Cường tự giới thiệu với anh Thìn, mình có nhà ở Cầu Giấy - Hà Nội và chơi rất thân thiết với con một cán bộ cấp cao làm việc tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có khả năng lo cho anh Thìn đi lao động Hàn Quốc.

Bị vẻ ngoài hào nhoáng, cách tiêu tiền không tiếc tay của Cường, anh Thìn hoàn toàn tin tưởng. Khoảng tháng 3/2015, anh Thìn bàn với vợ, thế chấp căn nhà 115m2 cho ngân hàng để vay số tiền 200.000.000 đồng. Vay được tiền, anh Thìn giao cho Cường 150.000.000 đồng tiền đặt cọc để lo thủ tục, khi nào “bay” thì trả nốt 50.000.000 đồng. Sau đó Cường đưa anh Thìn đi học một khóa tiếng Hàn 4 tháng, với lời hứa “học xong anh sẽ… bay”.

Kết thúc khóa học mãi không thấy Cường đả động gì đến chuyện “bay”, anh Thìn nhiều lần gọi hỏi, mấy lần đầu Cường còn trả lời “trong tháng này sẽ xong", về sau thì tắt hẳn điện thoại. Anh Thìn tìm đến cái địa chỉ trên chứng minh thư mà Cường viết trên Giấy nhận tiền mới ngã ngửa: Ở đúng số nhà đó, cũng có người thanh niên tên Cường, nhưng anh ta bị rơi mất CMT và bằng lái xe đã 2 năm nay! “Bay” đâu chả thấy, chỉ biết giờ đây mỗi tháng, gia đình anh Thìn “bay” mất vài triệu đồng tiền trả lãi ngân hàng.

Những rủi ro không thể lường trước

Đặc biệt trong mấy năm gần đây, tình trạng người lao động ở một số tỉnh biên giới, miền núi phía bắc xuất cảnh trái phép đi làm thuê tại Trung Quốc đang trở thành một vấn đề “nóng” đối với các cấp chính quyền và lực lượng chức năng và bản thân người lao động cũng phải đối mặt với nguy cơ đặt mạng sống và sức lao động của mình vào những rủi ro không thể lường trước.


Đăng ký xuất cảnh bằng giấy thông hành sẽ giúp người dân an toàn hơn khi lao động tại nước ngoài.

Đăng ký xuất cảnh bằng giấy thông hành sẽ giúp người dân an toàn hơn khi lao động tại nước ngoài.

Đối với các tỉnh có đường biên giới giáp với Trung Quốc như Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Lạng Sơn thì tình trạng xuất cảnh trái phép dường như đã trở thành phong trào. NLĐ chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Thu nhập bình quân của họ dao động từ 200 đến 300.000 đồng/ngày. Cá biệt cũng có những công việc được trả tới 500.000 đồng cho một ngày công.

Hồ sơ điều tra cơ bản của Phòng trinh sát, BĐBP Hà Giang ghi nhận, có những thời điểm, chỉ riêng trong vòng một năm, tổng số lao động sang nước bạn làm thuê là trên 1 vạn lượt người. Trong đó có đến 94% là đi theo đường mòn biên giới, không đăng kí xuất nhập cảnh theo quy định. Công việc mà những người lao động nơi đây nhận làm chủ yếu là lao động phổ thông như vận chuyển hàng hóa, làm thuê tại các trang trại, khai thác mỏ, xây dựng…

Điều đáng lo ngại là trào lưu này hiện cũng đang làn dần đến các tỉnh nội địa với những lao động trong độ tuổi từ 20 đến 30, nhất là những địa phương có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, đông đồng bào dân tộc sinh sống như Phú Thọ, Bắc Kạn, Yên Bái... Những người này hi vọng rằng, sau vài năm lao động tại nước ngoài, họ sẽ dành dụm được một khoản tiền kha khá để có thể về quê xây nhà, lập trang trại hoặc kinh doanh , buôn bán nhỏ...

Song những “giấc mơ” đó quá ngắn ngủi đối với hầu hết người lao động xuất cảnh trái phép. Qua môi giới, họ xuất cảnh chủ yếu con đường visa du lịch hoặc vượt biên trái phép qua đường mòn lối tắt. Các chế độ của người lao động như tiền lương, bảo hiểm, nơi ăn nghỉ… là do chủ thuê và người làm thuê tự y thỏa thuận với những thiệt thòi đáng kể mà người lao động vốn không tự chủ được. Không những vậy, do thiếu hiểu biết nên họ đang tự đánh cược tính mạng của mình vì miếng cơm manh áo và đẩy các ngành chức năng vào “thế khó” trong quản lí nhân sự cũng như quản lí hoạt động xuất nhập cảnh.

Đâu phải chỉ bị lợi dụng, chiếm đoạt tiền lương và sức lao động, nguy cơ bị xâm hại và có thể bị thiệt mạng của những lao động này cũng rất cao. Cá biệt cũng xảy ra một vài vụ người lao động bị thương hoặc bị chết do tai nạn lao động không được đền bù, chủ lao động cho xác nạn nhân vào bao tải rồi vứt qua các lối mòn biên giới.

Người đi thấp thỏm trước sự may rủi của vận mệnh đã đành, người ở nhà ngóng đợi dòng tiền từ nước ngoài gửi về cũng không hề thanh thản. Anh Sùng A Nung, ở Đồng Văn, Hà Giang, một người may mắn được thả về vào cuối năm 2015 sau khi gia đình bỏ 20.000.000 đồng ra chuộc, buồn bã nói rằng, lúc bị anh bắt, có người đã gọi điện cho gia đình anh, dọa nếu‎ không chuộc người thì sẽ bị mổ ra lấy nội tạng hoặc sẽ bị đưa đi lao động dưới hầm mỏ… Nhiều gia đình không có tiền chuộc người thì đành nhắm mắt, phó mặc cho số phận.

Những câu chuyện của người trong cuộc cho thấy, việc xuất cảnh trái phép đi lao động tại nước ngoài sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng buồn đối với người lao động cũng như chính quyền cơ sở. Sự nghèo khó cộng với thiếu việc làm đã đẩy nhiều gia đình vào tình cảnh chấp nhận thua thiệt. Cá biệt cũng có một số người bị các đối tượng lạ câu móc, lôi kéo thực hiện những hành vi gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên. Nhiều biện pháp đã được áp dụng, song rất cần có sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền để người dân có thể mưu sinh chính đáng mà vẫn có thể tự bảo vệ mình.

Người lao động cần tỉnh táo, nắm bắt thông tin chính xác

Để có được một biện pháp thực sự hữu hiệu cho vấn đề lao động xuất cảnh trái phép là điều không đơn giản. Nhất là trong bối cảnh điều kiện kinh tế, trình độ nhận thức của người dân ở mỗi địa phương có sự khác biệt. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến trào lưu này là bởi người dân còn thiếu thông tin về lao động, việc làm. Họ không biết tiếp cận với cơ quan, đơn vị nào để làm thủ tục đi làm việc ở nước ngoài, thông tin XKLĐ mà họ nắm được hoàn toàn hạn chế. Đồng thời, họ cũng không biết được quy trình đưa người đi lao động nước ngoài có trình tự như thế nào, và chỉ các doanh nghiệp được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, mới được phép hoạt động trong lĩnh vực này.

Đồng thời, các doanh nghiệp đó, cũng phải đăng ký hợp đồng cung ứng lao động tại Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Sau khi được Cục đồng ý cho phép thực hiện hợp đồng cung ứng lao động, các doanh nghiệp mới tiến hành tuyển lao động để đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cung ứng này. Còn đối với những trường hợp người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân, thì phải đăng ký hợp đồng đó với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi thường trú.

Nếu những trường hợp DN nào vi phạm sẽ bị xử phạt, nặng thì bị thu giấy phép hoạt động, nhẹ thì bị tước giấy phép trong khoảng thời gian nhất định. Trên thực tế, trong mấy năm gần đây, đã có rất nhiều DN bị xử phạt vi phạm xuất khẩu lao động, nhiều đối tượng lừa đảo do Cục phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng khuyến cáo: NLĐ cần tìm hiểu rõ thông tin về thị trường lao động qua các phương tiện thông tin đại chúng, để tránh tình trạng “mù” thông tin, rất dễ dẫn đến bị các đối tượng xấu lừa đảo. Tuy nhiên, phải xem trách nhiệm phòng chống lừa đảo XKLĐ là của toàn xã hội và chính gia đình NLĐ. Khi có nhu cầu đi lao động, NLĐ cần tỉnh táo, nắm bắt thông tin chính xác, thận trọng kiểm tra, đừng vì nôn nóng hay bất chấp để cuối cùng tiền mất tật mang, cả đời mang nợ.

Theo Báo Công Lý