Bản tin tuyển dụng "mốc meo", tìm không ra ứng viên
(Dân trí) - Nhiều nhà tuyển dụng than vãn khi thông báo tuyển người dán khắp nơi và để lâu tới mức "mốc meo" mà không tìm ra ứng viên.
Bản tin tuyển dụng "ế sưng xỉa"
Trên không ít diễn đàn về nhân sự, tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp kêu trời vì không tuyển nổi người. Nhiều bản tin tuyển dụng của doanh nghiệp nằm "treo mỏ" chờ người, "nhặt" được vài ứng viên gửi Sơ lý lịch (CV) không phải là chuyện dễ dàng.
Nhu cầu tuyển dụng rải khắp ở các ngành nghề, vị trí từ bán hàng, sale, marketing, nhân viên tư vấn, thiết kế, giáo viên... Từ lao động phổ thông đến trung cấp, cao cấp.
Nhiều câu từ tìm người thảm thiết như: Có ai ở đây không? Có ai cần việc không? Ứng viên ở đâu hết rồi? Đội mình cần người xài tiền cùng phản ánh rõ nhất tình trạng khát ứng viên.
Chị Nguyễn Ngọc Hồng, phụ trách nhân sự tại một công ty xây dựng ở thành phố Thủ Đức, TPHCM cho biết, bên chị đã áp dụng mọi cách như treo biển ở văn phòng, rải khắp Facebook, các diễn đàn, các nhóm Zalo để tuyển nhân viên nhưng bói không ra người. Rải rác được vài CV gửi đến nhưng không đâu đến đâu.
"Em chán quá rồi cả nhà ơi! Bên em cần tuyển nhân viên lập trình wordpress, nhân viên nhân viên design mà khó khăn quá. Rải khắp nơi chưa được CV nào", một nhà tuyển dụng than thở trong bản tin tuyển người nằm "mốc mỏ" hàng tuần nay của mình.
Chia sẻ với chị, nhiều nhà tuyển dụng cho biết, đây là tình trạng chung, họ cũng đang khóc ròng vì tuyển không ra người. Thiết lập mọi kênh để tìm người mà không có CV nào, chứ chưa nói đến CV chất lượng.
Điều này có thể thấy rõ, trên các diễn đàn tuyển dụng, việc làm, hàng loạt bản tin tuyển người không nhận được tương tác nào từ người tìm việc.
Trái ngược, chỉ cần trạng thái "cần việc làm" của một ứng viên là lập tức hàng trăm nhà tuyển dụng nhảy vào giới thiệu, mời gọi.
Điều này tạo nên một trạng thái mới trên thị trường lao động. Nếu trước đây, người lao động đi "tìm" doanh nghiệp thì hiện nay, doanh nghiệp "bày binh bố trận" tìm ứng viên.
Thất nghiệp nhưng không thiết tha tìm việc?
Theo ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục IRED, thực trạng và cũng là nghịch lý là các doanh nghiệp hiện nay tuyển người vô cùng khó, thậm chí là rơi vào khủng hoảng vì thiếu đối tượng phù hợp một cách trầm trọng.
Dù sinh viên ra trường rất nhiều, thất nghiệp nhưng doanh nghiệp vẫn không thể tuyển nổi người.
Ngoài việc sinh viên ra trường không đáp ứng được nhu cầu thực tế đã được phân tích từ lâu thì còn nhiều nguyên nhân cho thực trạng này.
Anh Nguyễn Quốc Hưng, một nhà tuyển dụng tại TPHCM phân tích, hiện nay, nhiều bạn trẻ ra trường không mặn mà với lộ trình thử việc, học tập, rèn luyện để theo đuổi việc phát triển, thăng tiến tại một công ty với nhiều ràng buộc, thử thách ban đầu.
Vấn đề lương, thu nhập, môi trường công việc... chưa hẳn là mối quan tâm hàng đầu của họ. Nhiều doanh có chế độ, môi trường làm việc ổn nhưng vẫn trong tình trạng khó tìm người.
"Nhiều bạn trẻ thà đi bán hàng online, hay chạy xe ôm công nghệ, thu nhập ổn lại làm chủ thời gian, tự quản lý chính mình hơn là kiếm việc ràng buộc", anh Hưng lý giải cho thực trạng khó tuyển người hiện nay và cho rằng, người lao động thất nghiệp nhiều nhưng lại không quá thiết tha tìm việc.
Bên cạnh đó, theo nhiều ứng viên, không ít doanh nghiệp tuyển người thiếu chuyên nghiệp, mập mờ, thiếu tôn trọng người tìm việc nên họ rất "ngán" trước các bản tin tuyển dụng.
Đặc biệt là tình trạng nhiều nơi tuyển người nhưng thật ra là mô hình biến tướng của đa cấp, lừa lọc người xin việc.
70.000 việc làm chờ ứng viên
Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI), trong quý II/2021 sẽ có khoảng 70.000 chỗ làm chờ người lao động.
Nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trong giai đoạn mới chuyển dịch theo hướng gia tăng lao động có trình độ, tay nghề, tập trung ở các ngành: công nghệ thông tin - điện tử; cơ khí; hóa chất - nhựa - cao su; kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng, vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; dịch vụ cá nhân - chăm sóc sức khỏe và y tế; kế toán - kiểm toán; tài chính - tín dụng - ngân hàng; kinh doanh tài sản - bất động sản; du lịch - nhà hàng - khách sạn.