Bác sĩ mới ra trường làm "căng não" vẫn không lương, áp lực muốn bỏ nghề

Nguyễn Vy

(Dân trí) - "Tuổi 24, tôi chưa thể lo được cho ba mẹ, thậm chí đến tiền sửa điện thoại cũng phải ngửa tay xin. Mọi áp lực chỉ dám giữ riêng mình, không dám kể với ai", B.A., bác sĩ thực tập chia sẻ.

Ra trường vẫn… sống nhờ ba mẹ

Bác sĩ mới ra trường làm căng não vẫn không lương, áp lực muốn bỏ nghề - 1

Không ít bác sĩ vừa ra trường phải đối mặt với áp lực kinh tế lẫn trình độ chuyên môn (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Là một bác sĩ mới ra trường, B.A. cho hay phải trải qua 12 tháng thực tập tại bệnh viện để lấy giấy phép hành nghề và thành bác sĩ chính thức. Trong suốt thời gian thực tập, A. không được trả lương, chỉ trợ cấp một suất ăn trưa.

Mỗi khi hoàn thành ca trực, bác sĩ A. trở về căn phòng trọ ngột ngạt, nóng bức. Lạc lõng ở thành phố lớn, A. lắm lúc trằn trọc không ngủ được, vì vẫn phải "ăn bám ba mẹ". Bạn bè đồng trang lứa đều ra trường từ mấy năm trước và có công việc ổn định, phụ giúp ba mẹ càng khiến A. áp lực hơn. 

Kể cả khi hoàn thành đợt thực tập dài này, A. cũng chỉ có thể tự lo cho bản thân, bởi mức lương của bác sĩ chính thức chỉ vài triệu đồng mỗi tháng.

"Thậm chí điện thoại bị hư, tôi còn phải xin tiền ba mẹ, anh trai để sửa. Hằng tháng, chi phí sinh hoạt của tôi khoảng 6 triệu đồng, mọi thứ đều là do gia đình hỗ trợ, chu cấp.

Dù cả nhà có động viên, khuyên tôi không nên ngại ngùng những chuyện đó, nhưng nói thật lòng, tôi cảm thấy rất có lỗi", bác sĩ A. trải lòng rằng nhiều đêm, anh gác tay lên trán, thoáng nghĩ đến chuyện bỏ nghề.

Thế nhưng, ngẫm lại sự kỳ vọng của gia đình, thời gian, tiền bạc, công sức đầu tư cho nghề suốt thời gian dài, bác sĩ A. lại "đành tiếp tục chạy theo đam mê".

Mất 6 năm đi học, 2 năm đi làm, bác sĩ H.T.K. (công tác tại một bệnh viện đa khoa) quay trở về quê nhà với tấm bằng mà phải "trầy da tróc vảy" lắm mới lấy được. 

"Tháng nào thiếu bác sĩ, cần tôi làm việc tăng cường, trực gấp đôi thì may mới có thu nhập đạt mức 5 triệu đồng. Ngày nào ra quán cà phê ngồi cũng bị hỏi, tôi ngại lắm. Người ta cứ đồn rằng bác sĩ làm lương mấy chục triệu, nhưng khi tôi đưa bảng lương 4 triệu đồng ra, ai cũng im lặng", vị bác sĩ cười trừ.

Áp lực không biết nói với ai

Làm việc tại phòng cấp cứu, bác sĩ H.T.K. luôn cảm thấy căng thẳng vì thường các ca tới viện trong đêm đều bệnh nặng. Không những vậy, vị bác sĩ không ít lần bị tra tấn tinh thần vì người nhà bệnh nhân, thậm chí là bệnh nhân vào viện với tình trạng say xỉn, hành vi hung hãn, thiếu kiểm soát.

"Tôi bị chửi mắng, dọa đánh là thường xuyên. Nhưng cũng phải chịu thôi", bác sĩ K. ngán ngẩm.

Mới ra trường, N.K. (24 tuổi, bác sĩ thực tập tại bệnh viện đa khoa ở TPHCM) được phân công làm việc ở phòng cấp cứu. Bác sĩ K. chia sẻ công việc lúc nào cũng bận rộn. Vì thế, anh luôn phải làm việc trong tâm thế sẵn sàng cho sự hối hả ấy.

Bác sĩ mới ra trường làm căng não vẫn không lương, áp lực muốn bỏ nghề - 2

Các nhân viên y tế phải làm một công việc áp lực, trách nhiệm lớn lao nhưng mức lương lại hạn chế (Ảnh minh họa: Thái Bá).

Đối với K., một bác sĩ phải đối mặt với rất nhiều áp lực và trách nhiệm. Theo đó, áp lực lớn nhất đến từ chuyên môn và đồng nghiệp. Bởi những kiến thức đã học ở trường chưa thật đầy đủ để áp dụng chữa trị cho các bệnh nhân.

"Không giống như lúc còn đi học, khi đã trở thành một bác sĩ, được đứng chung với đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện, trách nhiệm của bản thân càng cao. Phòng cấp cứu là nơi thường xuyên tiếp nhận các ca nguy kịch đến tính mạng, vì thế, không thể để xảy ra bất cứ sai sót gì", bác sĩ K. nói.

Trong những thời khắc cấp bách, anh từng chứng kiến cảnh các nhân viên y tế bị thân nhân của người bệnh mắng chửi, dùng lời lẽ xúc phạm. Thế nhưng, họ chấp nhận bỏ ngoài tai, không thể cãi lại mà ngậm ngùi hoàn thành nhiệm vụ.

Bởi ở thời khắc đó, tính mạng của bệnh nhân là quan trọng nhất. Vậy nên, khi được hỏi về những kỷ niệm không vui, khiến bản thân bị tổn thương, bác sĩ K. cười trừ, nói rằng: "Nhiều lắm, nhưng tôi không nhớ nổi".

N.K. cho hay sau thời gian làm việc ở bệnh viện, những nhân viên y tế mới vào nghề như K. còn phải về nhà ôn lại kiến thức. Vì thế, bác sĩ K. không có ngày nào ngủ đủ giấc. Hơn nữa, làm việc trong môi trường mà sự căng thẳng diễn ra liên tục khiến cho nam bác sĩ luôn trong tâm thế "căng não".

"Đa số đồng nghiệp của tôi đều có thâm niên làm việc lâu năm, từ bác sĩ, hộ lý, điều dưỡng cho tới cô lao công ở viện. Vì còn trẻ, nếu có bày tỏ quan điểm, tôi cũng khó được lắng nghe, công nhận", bác sĩ K. trải lòng.

Dù áp lực từ nhiều phía, nhưng bác sĩ K. bộc bạch rằng anh và đồng nghiệp hiếm khi chia sẻ với nhau. Bản thân anh cũng không biết chia sẻ với ai bởi không ai có thể hiểu rõ tính chất công việc của anh. Vì thế, các bác sĩ như K. chỉ có thể tự "chữa lành" hoặc cứ để mặc cho áp lực dày vò tâm trí.

Theo nghiên cứu về "Hiểu biết và thực trạng sử dụng dịch vụ sức khỏe tâm thần tại TPHCM" do Sở Y tế thực hiện vào tháng 8, trong số 382 nhân viên y tế tham gia khảo sát, có đến gần 20% số người có dấu hiệu trầm cảm, 22,8% lo âu và 14,2% bị căng thẳng.

Khi gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, họ có xu hướng tự giải quyết thay vì tìm kiếm sự hỗ trợ. Nguyên nhân là do phần lớn, các nhân viên y tế không muốn trong hồ sơ của mình có xuất hiện các vấn đề sức khỏe tâm thần. Họ cho rằng bản thân có thể tự giải quyết vấn đề cá nhân.

Nhiều nhân viên y tế cũng không nắm rõ thông tin và cũng không đủ khả năng tài chính đáp ứng cho những sự hỗ trợ chuyên nghiệp về sức khỏe tâm thần.