Nỗi ám ảnh trên đường đi làm với các nhân viên y tế

(Dân trí) - Nhiều nhân viên y tế Anh chia sẻ: Đi lại trên tàu điện ngầm đông đúc khiến họ căng thẳng hơn cả khi phải chăm sóc số bệnh nhân Covid-19 luôn quá tải tại các bệnh viện.

Đi lại trên tàu điện ngầm đông đúc khiến họ căng thẳng hơn cả khi phải chăm bệnh nhân mắc Covid.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đang đối mặt với áp lực đòi gia tăng các quy định hạn chế đi lại với công nhân ngành xây dựng giữa lúc sự lây lan Covid-19 vẫn tiếp tục gia tăng.

Công nhân xây dựng được cho là chiếm tỉ lệ khá lớn trong số những người sử dụng vé tháng, thường tập trung di chuyển bằng mạng lưới tàu điện ngầm của Thủ đô London, đặc biệt hiện tại đang là cao điểm xây dựng trên cả nước.

Tuần trước Thủ tướng Johnson cũng đã nói trước các nghị sĩ rằng hệ thống tàu điện ngầm nên được vận hành tốt hơn.

Nỗi ám ảnh trên đường đi làm với các nhân viên y tế - 1

Những người đi vé tháng tập trung đông trên một chuyến tàu trên tuyến Jubilee hướng tới trung tâm London, sau đó họ sử dụng tàu điện ngầm đi tiếp tới nơi làm việc.

Cũng về vấn đề này, Thị trưởng London Sadiq Khan hôm 1/4 đã lên tiếng trên kênh truyền hình Good Morning Britain, đề nghị Chính phủ giúp giảm nhu cầu sử dụng Dịch vụ giao thông công cộng London (TfL).

Mặc dù được chứng kiến truyền hình trực tiếp cảnh rất đông nhân viên chủ chốt các hãng, công sở… đổ từ tàu điện ngầm xuống sân ga giờ cao điểm đi làm, ông Khan vẫn cho rằng tàu điện ngầm bị quá tải hành khách là do người đi lại bằng vé tháng, đặc biệt là công nhân ngành xây dựng, gây ra.

Nỗi ám ảnh trên đường đi làm với các nhân viên y tế - 2

Thị trưởng London Sadiq Khan chứng kiến truyền hình trực tiếp cảnh nhân viên chủ chốt các hãng, công sở… đi tàu điện ngầm rất đông vào giờ cao điểm hôm 1/4.

Thực tế đó khiến nhiều nhân viên NHS (hệ thống Dịch vụ Y tế Quốc gia của Vương quốc Anh) bày tỏ lo lắng về nguy cơ họ có thể lây nhiễm Covid-19 khi vẫn phải chen chúc đi làm trên tàu điện ngầm. Căng thẳng này khiến một số người nói họ cảm thấy còn đáng sợ hơn cả nỗi lo chăm sóc số bệnh nhân Covid-19 luôn quá tải tại các bệnh viện.

Nỗi ám ảnh trên đường đi làm với các nhân viên y tế - 3

Người đi làm chen chúc trên tàu điện ngầm hôm 24/3, mặc dù đã có những lời kêu gọi triển khai thêm tàu điện ngầm để hành khách có thể tuân thủ quy định ngồi cách xa nhau.

Một y tá NHS chia sẻ rằng anh rất lo ngại bạn gái (cũng là y tá) có thể nhiễm Covid-19 khi di chuyển trên tàu điện ngầm từ ga Newbury Park tới Westminster.

“Thật khó có được chỗ ngồi ngay cả khi đi chuyến tàu lúc 6 giờ sáng. Tôi lo rằng cô ấy có thể bị lây nhiễm hoặc mắc Covid-19 nhưng không biết nên sẽ lây lan tiếp cho các đồng nghiệp hoặc cho tôi” - Y tá này nói và cho biết thêm rằng anh là y tá đã đăng ký làm việc tại khu vực chăm sóc đặc biệt. Nếu nhiễm bệnh anh sẽ phải rời khỏi các bệnh nhân nặng trong thời điểm ngành y tế Anh đang dồn mọi nỗ lực ngăn chặn dịch Covid-19.

Nỗi ám ảnh trên đường đi làm với các nhân viên y tế - 4

Các nhân viên y tế đang làm việc tận lực ngày đêm để cứu mạng sống cho bệnh nhân Covid-19. (Trong ảnh là nhóm nhân viên bệnh viện Northwick Park ở London).

Kênh Sky News hôm 25/3 “đón lõng” bên ngoài nhà ga Tooting Broadway ở phía tây nam London, phỏng vấn một số nhân viên NHS làm việc tại bệnh viện St George’s bước xuống từ những chuyến tàu đông đúc dù nước Anh đang trong tình trạng bán phong toả.

“Tôi có cảm giác như đang ở vùng chiến” – một nữ bác sĩ của NHS đang trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 tại London nói.

Nữ bác sĩ này cũng tiết lộ rằng đã buộc phải cầu Chúa cả trên đường đi làm và tại bệnh viện - nơi tình trạng quá tải trầm trọng bệnh nhân mắc Covid-19 đổ tới không khác gì “sóng thần”, trong khi bệnh viện rất thiếu các trang thiết bị cần thiết để đối phó với dịch bệnh nguy hiểm này.

Nỗi ám ảnh trên đường đi làm với các nhân viên y tế - 5

Một nhân viên NHS kể rằng cô luôn bị căng thẳng trên đường đi làm vì thấy rõ hành khách không thể thực hiện quy định cách nhau 2m.

Nữ bác sĩ này chia sẻ tiếp: “… Tôi đã làm việc với tư cách bác sĩ trong hơn một thập niên qua, nhưng những gì chứng kiến tuần trước không giống như bất kỳ điều gì tôi từng trải qua.

Mới đi làm đầu tuần mà thật kinh khủng, tàu điện ngầm chật cứng. Trên mỗi chuyến tàu có thể có một nhân viên NHS như tôi và cũng có khả năng mang theo virus Covid-19, vì thiết bị bảo hộ dưới tiêu chuẩn PPE mà chúng tôi thường sử dụng khi làm việc.


Quan điểm của NHS là nếu không có triệu chứng mắc Covid-19, bạn phải tiếp tục làm việc. Nhưng tôi rất lo lắng vì khi chen lấn với các hành khách khác trên tàu điện ngầm, tôi có khả năng gây nguy hiểm cho họ và ngược lại cũng có thể bị họ gây nguy hiểm cho mình. Nhưng tôi còn có lựa chọn nào khác?”

Nỗi ám ảnh trên đường đi làm với các nhân viên y tế - 6

Robert Broadbent - quản lý tổng đài tại bệnh viện - nói rằng hành trình đi làm của ông luôn trong tình trạng rất gấp gáp.

Các nhân viên y tế khác của NHS cũng chia sẻ nỗi lo khi phải di chuyển đi làm trên các chuyến tàu chật cứng người “không thiết yếu” nên, không thể giữ khoảng cách 2m theo quy định.

Ông Robert Broadbent – quản lý tổng đài bệnh viện – nêu rõ: “Có quá nhiều người trên tàu điện ngầm rõ ràng không phải là làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu, quần áo họ dính sơn và bụi cho thấy đó là những công nhân xây dựng”.

Một nhân viên NHS khác kể: “Trên đường trở về nhà sau một ngày dài làm việc rất mệt mỏi tại bệnh viện, tôi và một đồng nghiệp khác đã phải đứng hoặc thay nhau người đứng người ngồi trên tàu điện ngầm đông đúc. Là các nhân viên y tế, chúng tôi thực sự rất nghiêm túc với quy định cách nhau 2m, nhưng tôi không cho rằng những người khác cũng nghĩ vậy vì họ ngồi sát cạnh nhau trên tàu điện ngầm. Thật quá gây căng thẳng!”

Nỗi ám ảnh trên đường đi làm với các nhân viên y tế - 7

Y tá khoa Nhi Danny Witham nói anh cũng có chút lo lắng về hành trình đi làm trên những chuyến tàu đông khách.

“Tôi đang chăm sóc các bệnh nhi dễ bị tổn thương, tôi cần giữ an toàn cho bản thân cũng là để giữ an toàn cho bệnh nhân của mình. Nhưng tôi không biết mọi người cùng đi tàu điện ngầm hay thậm chí cả tôi có mang theo mầm bệnh Covid-19 hay không? Thật đáng sợ khi phải cùng nhiều người di chuyển trong không gian hẹp như vậy!” - Y tá khoa Nhi Danny Witham chia sẻ.

Từ phía các công nhân xây dựng, một người cho biết anh cũng “rất lo lắng khi đi làm vì nhiều người tập trung trên tàu”, nên rất mừng khi nghe thông báo được ở nhà từ 25/3.

Nỗi ám ảnh trên đường đi làm với các nhân viên y tế - 8

Hành khách vẫn khá đông tại ga tàu điện ngầm Canning Town hôm 1/4.

TfL đang thực hiện giảm chuyến trên mọi tuyến, dẫn tới tình trạng người sử dụng vé tháng dồn sang tàu hoả khá đông nhưng vẫn chưa đủ giảm tải cho TfL.

Thị trưởng London Sadiq Khan lý giải tình trạng trên là do số nhân viên phải tự cách ly hoặc mắc Covid-19 chiếm tới 1/3 lực lượng lao động, nên TfL không thể huy động thêm tàu được nữa.

Nỗi ám ảnh trên đường đi làm với các nhân viên y tế - 9

Hiện tại thời gian chờ tàu khoảng 20 phút so với trước đây chỉ từ 3-5 phút.

Mặt khác ông Khan cũng nêu rõ thực tế “còn quá nhiều người thực sự không nên đi làm vẫn đang sử dụng phương tiện giao thông công cộng vào giờ cao điểm. Thông điệp chính là: Trừ khi bạn thực sự phải đi làm, còn thì hãy làm việc ở nhà. Nhưng nếu bạn vẫn phải tới nơi làm việc, hãy tránh giờ cao điểm!”

Nỗi ám ảnh trên đường đi làm với các nhân viên y tế - 10

Cảnh sát kiểm tra căn cước và hỏi người dân đi đâu, với lý do gì, tại ga tàu điện ngầm Canada Water ở phía đông nam London hôm 1/4.

Linh Lê

Theo Sky News, Daily Mail