Áp lực đè nặng, 43% công chức TPHCM sẵn sàng bỏ việc khi có cơ hội

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Hơn 75% công chức tại TPHCM đánh giá khối lượng công việc rất nhiều, 43% sẵn sàng rời bỏ công việc hiện tại khi có cơ hội phù hợp.

UBND TPHCM vừa ban hành Quyết định Phê duyệt Đề án xây dựng nền công vụ TPHCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030.

Để có cơ sở đánh giá khách quan thực trạng nền công vụ TPHCM nhằm xây dựng đề án, thành phố đã tổ chức khảo sát với quy mô 12.869 phiếu đối với nhóm công chức và 76.601 phiếu đối với nhóm viên chức trên địa bàn.

Nội dung các phiếu khảo sát nhằm thu thập thông tin về quan điểm, cảm nhận và thái độ của đội ngũ công chức, viên chức đối với nền công vụ thành phố.

Áp lực đè nặng, 43% công chức TPHCM sẵn sàng bỏ việc khi có cơ hội - 1

Áp lực công việc đè nặng lên công chức tuyến cơ sở (Ảnh minh họa: Quốc Anh).

Kết quả khảo sát công chức cho thấy áp lực công việc đang đè nặng lên các công chức, ảnh hưởng đến sự gắn bó và động lực phụng sự cho khu vực công.

Hơn 75% công chức đánh giá khối lượng công việc ở mức nhiều hoặc rất nhiều. Một tỷ lệ khá cao (hơn 43%) các công chức sẵn sàng rời bỏ công việc hiện tại khi có cơ hội phù hợp.

Kết quả khảo sát cho thấy một nghịch lý là dù có tới hơn 74% công chức cho rằng sẽ sẵn sàng thực hiện mọi việc để ở lại cơ quan, đơn vị mình đang công tác nhưng lại có tới hơn 43% công chức sẵn sàng rời bỏ công việc hiện tại khi có cơ hội.

Có 3 lý do nổi bật đối với nhóm công chức lựa chọn rời bỏ công việc, gồm: Thu nhập quá thấp, công việc quá áp lực và không có cơ hội thăng tiến.

Theo khảo sát, gánh nặng quá tải công việc tập trung ở nhóm công chức tại phường, xã, thị trấn. Có đến 80,48% công chức ở nhóm này đánh giá khối lượng công việc ở mức nhiều và rất nhiều.

Từ kết quả khảo sát cho thấy, đây là cấp có mức thu nhập thấp nhất, khối lượng công việc nhiều, có tỷ lệ sẵn sàng thay đổi công việc cao nhất. Vấn đề về thiếu nhân lực cũng thể hiện rõ nét ở cấp cơ sở.

Theo đề án, chế độ tiền lương là một vấn đề lớn, mức thu nhập quá thấp là một trong những lý do hàng đầu cho việc sẵn sàng thay đổi công việc của công chức khi có cơ hội.

Kết quả khảo sát viên chức cũng cho thấy nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn thiếu người. Việc thiếu nhân lực khiến viên chức phải làm việc quá sức, căng thẳng, góp phần làm cho họ không hài lòng hoặc có ý định bỏ việc, chuyển việc.

Thu nhập của viên chức phân bố chủ yếu ở mức trung bình. Chỉ khoảng 50% viên chức cho rằng thu nhập ở khu vực công là hợp lý trên các khía cạnh được xem xét.

11,8% người tham gia khảo sát cho rằng cơ quan, đơn vị đang thiếu kinh phí hoạt động. Nguồn kinh phí hạn chế, các hoạt động của cơ quan, đơn vị có thể phải cắt giảm hoặc thu hẹp lại, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả triển khai nhiệm vụ.

Tuy nhiên, bức tranh về viên chức có gam màu sáng hơn công chức: 70% người trả lời là sẽ không rời bỏ đơn vị dù có nơi khác mời với thu nhập cao hơn, nguyên nhân là họ đang hài lòng với các mối quan hệ ở nơi làm việc hiện tại; 70% ý kiến đồng ý và hoàn toàn đồng ý cảm thấy thoải mái trong môi trường làm việc.