Kiên Giang:

Anh nông dân kể chuyện nghề "ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời"

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Anh Tuấn có kỹ nghệ leo dừa hoàn hảo, những thân dừa cao chót vót chẳng làm khó được anh. 20 năm qua, anh có thu nhập ổn định nhờ "ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời".

Sinh ra và lớn lên ở Cần Thơ, năm 15 tuổi, anh Trần Văn Tuấn phiêu dạt xuống Hòn Nghệ, thuộc xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, Kiên Giang sinh sống. Tại đây anh Tuấn học hỏi dân địa phương làm nhiều nghề từ lặn biển bắt cá, nhặt ốc đến đánh cá, hái dừa... Những cây dừa xanh tốt đã vô tình giúp anh Tuấn có thêm thu nhập tiền triệu mỗi ngày. Người nông dân vùng sông nước đã gắn bó với công việc này gần 20 năm.

"Không giống như đồng bằng, mọc gần biển, chiều cao chỉ tầm 7-8m, những cây dừa mọc trên núi cao chót vót, về gần đỉnh núi, có cây gần 20m, trèo rất khó và nguy hiểm", anh Tuấn cho hay. 

Anh nông dân kể chuyện nghề ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời - 1

Mới 37 tuổi nhưng anh Tuấn đã có gần 20 năm gắn bó với nghề "ăn cơm dưới đất, làm chuyện trên trời" (Ảnh: Bảo Kỳ).

20 năm làm nghề "ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời" (Clip: Bảo Kỳ).

Một tuần, anh Tuấn sẽ dành ra 3-4 ngày đi thu hoạch dừa trên núi. Anh cho biết, mỗi ngày đi leo từ sáng sớm đến gần 4h chiều, được khoảng 40 cây dừa (cao thấp khác nhau). Dừa này anh mua của các chủ vườn để bỏ mối, đồng thời mở một điểm cho vợ anh bán giải khát. Nghề tuy cực, nhiều lúc nguy hiểm nhưng đã giúp vợ chồng anh có nguồn thu để nuôi 3 con ăn học.

Anh nông dân kể chuyện nghề ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời - 2

Đồ nghề bẻ dừa của anh Tuấn vỏn vẹn có con dao và sợi dây thừng (Ảnh: Bảo Kỳ).

Biết bao năm gắn bó với nghề "ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời" có lẽ chẳng có cây dừa nào mà anh Tuấn không thể chinh phục. Buộc con dao yếm vào sợi dây, tay anh Tuấn thuần thục quấn sợi dây thừng (dài 30m) quanh bụng. Sau khi vạch được một lỗ trống quanh bụi rậm anh nhanh chóng leo lên cây.

Thân dừa cao chót vót nhưng thoáng chốc anh Tuấn đã trèo đến ngọn, lấy con dao chặt buồng dừa rồi buộc dây thả xuống đất rất chuyên nghiệp. "Có người dùng dây nài để đi, tránh bị trơn trượt nhưng tôi quen rồi, leo chân không thôi, mang thêm đồ lại vướng víu", anh Tuấn bày tỏ. 

Anh nông dân kể chuyện nghề ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời - 3

Trên ngọn dừa chót vót, thứ anh Tuấn hay đối mặt là kiến cắn, ong đốt và cả rắn độc (Ảnh: Bảo Kỳ).

Cũng theo thợ leo dừa U40, người làm nghề bẻ dừa rất sợ mùa mưa vì lúc này thân cây thường đóng rêu, rất trơn và nguy hiểm. Trong lúc hái trái, thợ leo dừa còn đối mặt với nguy cơ ong đốt, kiến cắn, rắn độc... Nếu không cẩn thận ngã xuống là mất mạng như chơi. 

Tuy một mình nhưng chỉ chưa đầy 10 phút anh Tuấn đã hoàn thành việc đốn toàn bộ các buồng dừa vừa "ăn" trên cây, cột vào dây thừng và chuyển xuống đất. Sau khi hái trái xong, anh thường dọn sạch ngọn cây, còn gọi là "rửa dừa", để cây tiếp tục cho quả sai hơn. 

"Dừa gom về, tôi để ở tiệm bán cho người dân trên Hòn Nghệ và khách du lịch. Hôm nào được nhiều, tôi giao đến các quán nước lân cận. Dù leo trèo cực nhọc nhưng tôi bán chỉ 10.000 đồng/trái, bình dân cho mọi người. Bình thường, dừa mua từ đất liền vận chuyển ra hòn, giá phải từ 15.000 đến 20.000 đồng/trái", anh Tuấn chia sẻ.