1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Về An Giang xem nghề "ăn cơm dưới đất làm việc trên... trời"

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Khi cây thốt nốt đơm hoa, người nông dân ở An Giang trèo lên ngọn cao hàng chục mét cắt mặt vòi hoa rồi hứng nước tiết ra. Mỗi ngày, họ có thể lấy vài trăm lít nước thốt nốt, thu nhập cả triệu đồng.

Thu hàng trăm lít nước mật mỗi ngày

Thốt nốt là loại cây đặc sản của tỉnh An Giang, phân bố chủ yếu ở huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Quá trình sinh trưởng của cây thốt nốt khá dài: Thông thường sau 15 năm, cây mới đạt đến độ trưởng thành và bắt đầu trổ bông. Bông thốt nốt chứa loại nước gọi là mật, được dùng trực tiếp như thứ nước giải khát hoặc nấu thành đường. 

Ông Nguyễn Bá Tòng (58 tuổi, ngụ ấp Phú Hiệp, xã An Phú, huyện Tịnh Biên) cho biết, mùa lấy nước thốt nốt bắt đầu khi thời tiết khô, thông thường rơi vào tháng 11 đến tháng 4 âm lịch năm sau, có thể sớm hoặc trễ hơn tùy vào thời tiết. 

Về An Giang xem nghề ăn cơm dưới đất làm việc trên... trời - 1

Cây thốt nốt là đặc sản, gắn bó mật thiết với người Khmer ở An Giang (Ảnh: Bảo Kỳ).

Công việc lấy nước thốt nốt đa số do nam giới đảm trách vì cần sức khỏe và có khả năng leo trèo giỏi. Dù cây thốt nốt là đặc sản của người Khmer nhưng người thu hoạch nước thốt nốt đại đa số là người Kinh. Những người này nhận thuê khoán với chủ vườn và thu hoa lợi từ đó. 

Để lấy mật từ bông thốt nốt, người dân phải thức dậy từ 3h hàng ngày để chuẩn bị và chạy xe ra cánh đồng. Từ ngày hôm trước khi thu hoạch xong họ đặt can nhựa lại để mật rỉ ra liên tục. Đến sáng hôm sau, người thợ chỉ cần trèo lên cây lấy nước và đặt can vào vòi hoa khác. 

Trèo cây thốt nốt cao hàng chục mét, lấy mật kiếm tiền triệu mỗi ngày (Clip: Bảo Kỳ).

"Thời điểm sau Tết là lúc thốt nốt vào chính vụ nên không khí tươi vui, nhộn nhịp lắm. Người làm ít có thể lấy được 100-200 lít nước/ngày, ai giỏi hơn lấy được 300-400 lít là chuyện thường. Riêng tôi do tuổi tác cũng lớn rồi nên lấy được chừng trăm ngoài lít thôi. Trừ hết chi phí, tôi cũng kiếm được 500.000 đồng/ngày", ông Tòng bày tỏ. 

Muôn trùng hiểm nguy

Cách nơi ông Tòng làm việc không xa là khu vực làm việc ông Nguyễn Văn Út. "Người nhện" này đã khiến chúng tôi giật mình vì tay nghề trèo cây thốt nốt rất "đỉnh". Cột can nhựa vào gốc cây, ông Út nhanh tay bắt lấy nhánh tre rồi trèo lên.

Về An Giang xem nghề ăn cơm dưới đất làm việc trên... trời - 2

Hằng ngày, ông Tòng thức dậy từ 3h để lấy nước thốt nốt (Ảnh: Bảo Kỳ).

Cách leo của ông Út khoan thai, nhẹ nhàng. Chẳng mấy chốc, ông đã leo đến ngọn cây thốt nốt tận 20 m. Lựa được vòi hoa, lão nông rút con dao vắt sẵn bên thắt lưng cắt đi phần đầu của vòi, đặt can nhựa vào hứng mật. Sau đó ông lấy đi những can nước thốt nốt đã hứng được, buộc vào thắt lưng rồi trèo xuống. Thao tác thuần thục từ 5-10 phút, ông Út lại thu hoạch xong một đợt nước mật của cây thốt nốt. 

"Những cây thốt nốt mọc riêng lẻ sẽ cho mật nhiều hơn cây mọc sát nhau. Trèo cây thốt nốt không có bất kỳ vật gì bảo hộ. Chúng tôi chỉ có thể bám vào thanh tre, bước chân trần lên cây. Mới leo chưa quen thì đau lắm, tay chân phồng rộp hết nhưng làm lâu năm rồi, tay chân chai hết không còn cảm thấy đau nữa", ông Út tâm sự. 

Về An Giang xem nghề ăn cơm dưới đất làm việc trên... trời - 3

Người dân dùng nhánh tre già và dài buộc chặt vào thân cây thốt nốt làm chiếc thang để leo lên ngọn cây (Ảnh: Bảo Kỳ).

Gắn bó với nghề lấy nước thốt nốt từ năm 15 tuổi, công việc này đã giúp ông Út nuôi sống cả gia đình. Lúc vào mùa, ông cùng các con tranh thủ lấy mật, thu nhập từ vài trăm đến cả triệu đồng mỗi ngày. Hết vụ, ông lại đổi sang nghề khác như phụ hồ, cắt cỏ, bốc vác...

Dù làm nhiều nghề thuê mướn nhưng đối với lão nông miền sơn cước, thu nhập từ cây thốt nốt luôn hấp dẫn và dễ kiếm hơn hẳn.

Về An Giang xem nghề ăn cơm dưới đất làm việc trên... trời - 4

Người thợ cắt vòi của bông thốt nốt để lấy mật, mỗi ngày cắt mặt bông 2 lần (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Nghề này nguy hiểm lắm, có người từng ngã cây té chết, nhẹ hơn thì gãy tay chân nên số người theo nghề cũng ít dần. Tôi cũng chỉ làm được vài năm nữa, đợi có ít vốn mua bò nuôi bán thịt hoặc bán giống", ông Bé chia sẻ. 

Công việc dẫu có cực nhọc, hiểm nguy nhưng đối với những "người nhện", họ thấy vui khi mỗi ngày được trèo cây lấy những giọt mật rỉ ra từ bông của loài cây đặc hữu. Thứ nước thơm ngon đặc trưng ấy là kết tinh của đất, trời Bảy Núi ban tặng cho những người nông dân vất vả kiếm tiền từ sức lao động của mình.

Một số hình ảnh về nghề "ăn cơm dưới đất làm việc trên... trời" được PV ghi lại:

Về An Giang xem nghề ăn cơm dưới đất làm việc trên... trời - 5

Sau đó đặt chiếc can nhựa để hứng lấy mật hoa (Ảnh: Bảo Kỳ).

Về An Giang xem nghề ăn cơm dưới đất làm việc trên... trời - 6

Con dao dùng để cắt vòi của bông thốt nốt (Ảnh: Bảo Kỳ).

Về An Giang xem nghề ăn cơm dưới đất làm việc trên... trời - 7

Quanh năm ông Tòng sống bằng nghề lấy nước thốt nốt. Lúc vào mùa ông có thể kiếm cả triệu đồng mỗi ngày (Ảnh: Bảo Kỳ).

Về An Giang xem nghề ăn cơm dưới đất làm việc trên... trời - 8

Những cây thốt nốt mọc sát nhau người thợ sẽ di chuyển qua lại bằng "đòn tay" bắc ngang (Ảnh: Bảo Kỳ).

Về An Giang xem nghề ăn cơm dưới đất làm việc trên... trời - 9

Mật thốt nốt khi thu hoạch xong được đóng vào can nhựa giao cho các lò đường. Một số người tự nấu đường ở nhà rồi bán đường thốt nốt thô sẽ có thu nhập cao hơn (Ảnh: Bảo Kỳ).

Về An Giang xem nghề ăn cơm dưới đất làm việc trên... trời - 10

Giá nước thốt nốt khoảng 40.000 đồng/lít, tùy thời điểm (Ảnh: Bảo Kỳ).

Về An Giang xem nghề ăn cơm dưới đất làm việc trên... trời - 11

Đặc thù công việc đòi hỏi người thợ phải trèo ngọn cây cao lên tới hàng chục mét (Ảnh: Bảo Kỳ).

Về An Giang xem nghề ăn cơm dưới đất làm việc trên... trời - 12

"Chiến tích" hơn 20 trèo cây thốt nốt lấy mật của ông Nguyễn Văn Út (Ảnh: Bảo Kỳ).

Về An Giang xem nghề ăn cơm dưới đất làm việc trên... trời - 13

Đứa cháu gái rong ruổi cùng ông ngoại tại cánh đồng thốt nốt (Ảnh: Bảo Kỳ).