1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xe ôm truyền thống gian nan kiếm sống

Phương Nhi Lại Hậu

(Dân trí) - Lao động tự do là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên và "sâu" nhất của đại dịch Covid-19. Câu chuyện mưu sinh giữa mùa dịch của 2 người lái xe ôm truyền thống cùng tên là Nghĩa là ví dụ cụ thể.

Tài xế xe ôm truyền thống gặp nhiều khó khăn trong mùa dịch Covid-19

Cố vượt qua những ngày khó khăn...

Từ ngày thành phố bắt đầu giãn cách xã hội, bến xe buýt Hàm Nghi (Quận 1, TPHCM) vắng vẻ hẳn đi. Cũng tai nơi đây, ông Nguyễn Văn Nghĩa (54 tuổi) đang ngồi thẫn thờ ở nhà chờ xe buýt từ sáng sớm tới chập tối mà chưa có cuốc xe nào.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Nghĩa hiện có 2 con: Cô con gái lớn năm nay 15 tuổi và cậu em trai 13 tuổi đều đang trong tuổi ăn học.

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xe ôm truyền thống gian nan kiếm sống - 1
Ông Nguyễn Văn Nghĩa (54 tuổi) có hơn 16 năm hành nghề chạy xe ôm.

Hơn 16 năm sống với nghề chạy xe ôm, trải qua 3 đợt bùng dịch tại TPHCM trước đó, ông Nguyễn Văn Nghĩa nhận xét đợt dịch lần thứ 4 này là khoảng thời gian khó khăn nhất.

Ông trọ ở quận Bình Thạnh, tiền trọ 2 triệu đồng/tháng là gánh nặng rất lớn đối với gia đình trong những ngày dịch kéo dài thế này, chưa kể đến chi phí sinh hoạt và tiền học cho 2 con.

"Tiền trọ thì làm được bao nhiêu gửi chủ nhà bấy nhiêu, gom góp một tuần đưa khoảng 300.000-500.000 đồng cầm chừng chứ thật sự tôi không có tiền để đưa một lần. Ở lâu năm, chủ nhà cũng hiểu hoàn cảnh nên thông cảm", ông tâm sự.

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xe ôm truyền thống gian nan kiếm sống - 2
Bến xe buýt Hàm Nghi những ngày này vắng vẻ lạ thường.

Bắt đầu từ 7h, ông ra bến xe buýt Hàm Nghi ngồi đợi khách đến 21h mới về nhà. "Hồi trước mỗi ngày chạy được 200.000-300.000 đồng. Giờ giảm xuống còn có 30.000-50.000 đồng", ông Nguyễn Văn Nghĩa nói.

Còn vợ ông thì bán vé số trên đường Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh). Những ngày này hàng quán đóng cửa nên việc bán vé số cũng khó khăn hơn, mỗi ngày "đi rạc cả cẳng" mới bán được một trăm tờ, kiếm được 100.000 đồng.

Thu nhập thì giảm mà tiền trọ, tiền xăng vẫn vậy, hai vợ chồng ông đành "thắt lưng buộc bụng" ở khoản ăn uống để nhường cho 2 đứa con.

Mỗi ngày ông Nguyễn Văn Nghĩa nhịn hẳn ăn sáng, ăn trưa thật rẻ rồi tối về ăn cơm nhà để cắt giảm chi tiêu tối đa. Dù vất vả, 2 vợ chồng ông vẫn cố gắng cho 2 con tiếp tục đi học. Ông bảo: "Không thể để đời con vẫn khổ sở lao động chân tay như mình mãi được".

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xe ôm truyền thống gian nan kiếm sống - 3
Hiếm hoi lắm ông Nguyễn Văn Nghĩa mới có cuốc xe.

Những ngày này dù vắng khách và nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nhưng ông Nguyễn Văn Nghĩa vẫn cố gắng bám trụ với nghề này. Bởi nếu không chạy xe ôm, quả thật ông không biết làm gì ra tiền trong những ngày dịch dã như thế này.

Vừa trò chuyện, ông vừa tỉ mẩn lau từng ngóc ngách nhỏ cho chiếc xe máy cũ. Ông kể, căn nhà trọ của ông nhỏ xíu, vợ và con gái nằm trên gác, ông và cậu con trai ngủ dưới sàn bên cạnh chiếc xe. Vì thế, ông phải thường xuyên lau xe cho thật sạch sẽ, không để bụi bặm ảnh hưởng đến con.

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xe ôm truyền thống gian nan kiếm sống - 4

Cứ rảnh là ông Nguyễn Văn Nghĩa tỉ mẩn lau chùi chiếc xe cũ.

Theo ông, gia đình là động lực để ông kiên nhẫn đợi khách, cố gắng bám trụ với nghề để vượt qua những ngày khó khăn này. Ông hy vọng một ngày không xa, đường phố Sài Gòn lại náo nhiệt, có khách đi xe và thu nhập của ông cũng ổn định trở lại để lo cho vợ con.

Không vì khổ mà làm liều

Tầm 17h chiều 9/6, tại góc đường Hồng Bàng (Quận 6, TPHCM), ông Nguyễn Hữu Nghĩa (63 tuổi) ngồi trên chiếc xe Dream cũ mèm, mắt thẫn thờ nhìn dòng người, xe qua lại lác đác. Chạy xe ôm ngót nghét đã 4 năm nay, ông chưa từng thấy lúc nào ế như lúc này.

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xe ôm truyền thống gian nan kiếm sống - 5
Người ra đường rất ít, khách đi xe ôm càng ít hơn.

Ông quê ở Vũng Tàu, vợ mất, không con cái, không người thân. Ông lên TPHCM phụ hồ kiếm sống. Năm 2017, ông mắc bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính, sức khoẻ yếu dần nên chuyển sang chạy xe ôm.

Mỗi tuần, tiền thuốc men của ông tốn hết khoảng 200.000-300.000 đồng. Tuổi cao sức yếu lại bệnh tật, về quê ông cũng chẳng biết làm gì để mưu sinh. Vì thế, trong những ngày giãn cách xã hội này, ông vẫn tiếp tục ra góc đường quen thuộc ngồi đợi khách, cố gắng kiếm ít tiền mua thuốc, đổ xăng.

"Lúc chưa bùng dịch, mỗi ngày tôi chạy được 50.000-70.000 đồng, có khi được 100.000 đồng. Từ đầu tháng này, mỗi ngày tôi chạy vỏn vẹn được 20.000 đồng, riêng hôm qua với hôm nay là không được cuốc nào luôn", ông Nguyễn Hữu Nghĩa rầu rĩ.

Ông kể những ngày trước dịch, hôm nào chạy có tiền sẽ đi ngủ võng ở mấy quán cà phê cóc ngoài quốc lộ. Từ ngày giãn cách, tiền không có, ông đành ngả lưng ngay trên chiếc xe, người bạn duy nhất đồng hành cùng ông suốt những năm tháng tuổi già.

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xe ôm truyền thống gian nan kiếm sống - 6

Chiếc xe máy là phương tiện mưu sinh, cũng là chỗ ông Nguyễn Hữu Nghĩa ngả lưng khi đêm về.

Ông hay mua cơm bữa trưa ở mấy quán cơm 2.000 đồng (trên đường Trần Hưng Đạo, Quận 5) để tiết kiệm. Tối thường có người mang cơm từ thiện đến cho. Bữa sáng thì ông bỏ luôn. Nhờ vậy mà ông cũng đỡ phải lo chi phí ăn uống hằng ngày.

"Nghe người ta nói dịch bệnh nguy hiểm nên tôi cũng sợ, lúc nào cũng đeo khẩu trang, đậu xe cũng đậu xa xa mấy ông xe ôm khác. Mấy ngày này ít ai ra đường nên đi đêm tôi càng sợ hơn. Bởi vậy khuya là tôi dứt khoát không chạy, cứ ngủ trên xe thôi", ông Hữu Nghĩa tâm sự.

Nói về dự định trong thời gian tới, ông Hữu Nghĩa chia sẻ: "Tôi không có chạy xe công nghệ giống mấy đứa nhỏ được. Tuổi cao, tôi lại không biết xài cái điện thoại "quẹt quẹt". Thôi thì tới đâu hay tới đó, chịu khó chút cũng sống được qua ngày".

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xe ôm truyền thống gian nan kiếm sống - 7
Dù đang rất khó khăn nhưng ông Nguyễn Hữu Nghĩa vẫn tin dịch bệnh sẽ sớm được khắc phục và cuộc sống sẽ trở lại bình thường.

Dù khó khăn là vậy, ông vẫn lạc quan: "Tình hình chung, khổ thì ai cũng khổ. Mình cứ chạy xe sống qua ngày, sống đúng với lương tâm, không vì khổ mà ăn cắp ăn trộm hay lừa gạt gì ai là được. Dịch bệnh như vầy, khi mưu sinh thì tôi sẽ cố gắng thực hiện theo những gì  nhà nước khuyên để giữ an toàn sức khỏe cho cả mình lẫn người khác".