1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

TPHCM:

Ấm áp tình người ở quán cơm cháy của vợ chồng câm điếc

Xuân Hinh Nam Thái

(Dân trí) - Gần 7 năm nay, quán cơm cháy kho quẹt của đôi vợ chồng câm điếc nằm trên đường Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh, TPHCM) đã trở nên quen thuộc với nhiều người bởi sự chân tình, nhiệt tâm của chủ quán.

Quán cơm cháy của đôi vợ chồng câm điếc ở Sài Gòn.

Quán ăn “im lặng” giữa lòng Sài Gòn

Ấm áp tình người ở quán cơm cháy của vợ chồng câm điếc - 1
Khẩu hiệu của quán khiến hành khách không khỏi chạnh lòng.

Quán ăn vặt nhỏ này là của đôi vợ chồng anh Lê Trường Sơn (45 tuổi) và chị Lê Mộng Thúy (39 tuổi). Hai anh chị từ nhỏ đã chịu khiếm khuyết về ngôn ngữ và thính giác nên không thể nói và nghe được.

Ấm áp tình người ở quán cơm cháy của vợ chồng câm điếc - 2
Giá bán tại quán khá bình dân.

Gắn với nghề bán đồ ăn vặt từ năm 2013, trải qua biết bao khó khăn, gian khổ nhưng anh chị vẫn luôn cố gắng làm lụng để gây dựng hạnh phúc gia đình.Sau nhiều năm, chiếc xe đẩy bán đồ ăn vặt này vẫn là cần câu cơm duy nhất của gia đình anh chị để có tiền trang trải cuộc sống. 

Ấm áp tình người ở quán cơm cháy của vợ chồng câm điếc - 3
Món cơm cháy khô quẹt khá thu hút khách vì vừa ngon vừa rẻ.

Điều thu hút khách là bảng hiệu trên chiếc xe đẩy: “Giọng nói của bạn thật ấm áp! Tiếc là tôi không thể nghe thấy điều ấy. Và cũng chưa ai biết giọng nói của tôi như thế nào”. Tuy không có những tiếng mời chào đon đả, nhưng quán thu hút rất đông khách, đặc biệt là các bạn trẻ.

Ấm áp tình người ở quán cơm cháy của vợ chồng câm điếc - 4
Nhờ có món cơm cháy này, khách hàng tìm đến quán ăn vặt của vợ chồng anh Sơn ngày càng đông.

Theo lời chị Hoa, người phụ bán quán cho biết, quán bán từ 17h - 23h các ngày trong tuần trừ chủ nhật, các món ăn tại quán chủ yếu là: Bánh tráng nướng, bánh trứng cút nướng.

Gần đây quán có thêm món cơm cháy kho quẹt và món ăn này đã thu hút nhiều khách đến ăn thử.

Ấm áp tình người ở quán cơm cháy của vợ chồng câm điếc - 5
Món cơm cháy được làm giòn vừa tới chấm với nước kho quẹt sệt sệt kèm theo mùi thơm khá thu hút.

Giá của từng món tại đây dao động từ 15 - 25 ngàn đồng/món, phù hợp túi tiền của đại bộ phận khách hàng. Nhiều người khi biết về hoàn cảnh khó khăn của anh, chị cũng đã đến ủng hộ rất đông.

Ấm áp tình người ở quán cơm cháy của vợ chồng câm điếc - 6

Ngày thường, bé Thảo - con gái thứ 2 của anh Sơn - sẽ phụ bán. Những hôm cháu đi học, cô Hoa sẽ ra phụ giúp vợ chồng anh chị.

Khi khách tới, người phụ bán với anh chị nhanh chóng đưa một tập giấy cùng chiếc bút, sau đó ra dấu để khách ghi tên món hoặc là trực tiếp chỉ vào thực đơn để gọi món. Khi ăn xong, khách cũng tự giác tính tiền. Lâu dần điều này trở thành nét đặc trưng của quán.

Theo ghi nhận của chúng tôi, quán của vợ chồng anh chị Sơn lúc nào cũng đông khách, nhất là vào khoảng thời gian 19 - 21h. Lúc này, khách ngồi kín 6 bàn nhựa. Nhiều người không có chỗ ngồi phải xếp hàng mua về.

Ấm áp tình người ở quán cơm cháy của vợ chồng câm điếc - 7
Càng về khuya thì khách tới quán của anh chị ngày càng đông, không còn chỗ cho khách ngồi lại nhiều người phải mua mang về.

"Bình thường, anh chị Sơn đã dậy từ tờ mờ sáng để đi chợ mua nguyên liệu, nấu cơm, chuẩn bị đầy đủ đồ đạc cần thiết để 16h bắt đầu dọn hàng tại điểm bán”, cô Hoa - người phụ quán cho biết.

Ấm áp tình người ở quán cơm cháy của vợ chồng câm điếc - 8
Nhiều khách hàng phải đợi từ 15 - 20 phút để được thưởng thức món bánh tráng khô quẹt của vợ chồng anh Sơn.

Mỗi ngày, vợ chồng anh Sơn chuẩn bị khoảng 3 thùng cơm, có những ngày cuối tuần khách đông nên anh chị phải chuẩn bị sẵn 4 thùng cơm. Nhờ vậy vợ chồng anh Sơn có thể kiếm đủ kinh phí để lo cho cuộc sống của gia đình.

Ấm áp tình người ở quán cơm cháy của vợ chồng câm điếc - 9
Mặc dù khách đông, anh chị làm việc liên tục khá là mệt mỏi nhưng anh chị vẫn luôn vui vẻ với khách, ngoài ra còn giúp họ tìm chỗ gửi xe và tìm bàn ghế.

Vượt lên số phận   

Anh Sơn và chị Thúy kết hôn với nhau đến nay đã được 11 năm. Trước đó, chị Thúy đã có một đời chồng nhưng anh ấy mất sớm để lại chị với 2 con nhỏ.

Thời gian sau, chị gặp được anh Sơn cũng chung số phận khiếm khuyết giống mình nên đồng cảm rồi hai người đến với nhau. Anh chị hiện có thêm 2 người con chung khoẻ mạnh và học giỏi. 

Ấm áp tình người ở quán cơm cháy của vợ chồng câm điếc - 10
Món cơm cháy này rất được lòng các bạn trẻ nên hằng ngày vợ chồng anh Sơn bán phải 3 thùng cơm nếu những ngày cuối tuần khách đông thì có khi bán đến 4 thùng.

Vì bán đồ ăn tại vỉa hè nên không ít lần anh chị phải chuyển chỗ bán vì chủ nhà lấy lại mặt bằng. Nhưng anh chị cố gắng duy trì công việc này để có thể đủ tiền lo cho các con ăn học nên người.

Ấm áp tình người ở quán cơm cháy của vợ chồng câm điếc - 11
Nhờ món cơm cháy nên anh chị có một cuộc sống ổn định, đủ tiền lo cho 4 người con ăn học.

Nhiều khách lâu năm ở đây nói với chúng tôi, thường thường sẽ có người con gái thứ 2 của anh chị ra phụ bán quán. Hôm nay, do bận việc học nên chỉ có vợ chồng anh Sơn đứng quán.

Thỉnh thoảng, bạn bè của vợ chồng anh Sơn cũng đến phụ quán. Họ cũng không thể nghe và nói. Dù vậy mọi người không hề phát ra tiếng nói, nhưng có thể thấy họ trao đổi với nhau rất nhiều, làm việc nhịp nhàng thông qua cử chỉ hình thể.

Ấm áp tình người ở quán cơm cháy của vợ chồng câm điếc - 12
Đối với chị Thúy, được nhìn thấy 4 người con của mình đang dần lớn và học hành thành người đó là niềm hạnh phúc vô bờ.

Bạn Đinh Nhật My (19 tuổi, ngụ TPHCM), một thực khách quen thuộc của quán chia sẻ: “Một lần em vô tình xem trên mạng xã hội thấy bài viết về quán này nên em với bạn đến thử. Lúc mới đến quán đúng lúc trời mưa, cô chú cũng rất nhiệt tình giúp em dẫn xe và xếp bàn cho bọn em giúp em cảm nhận được tình cảm ấm áp tại quán của cô chú”.

Ấm áp tình người ở quán cơm cháy của vợ chồng câm điếc - 13
Nụ cười luôn nở trên mặt anh Sơn dù phải khá vất vả với công việc.

Bạn Tô Như Quỳnh (19 tuổi) cũng cho biết: “Lúc đầu mới đến đây em cũng không biết dùng cách gì để gọi món nhưng cô chú chủ động đưa giấy cho em ghi món. Đồng thời món ăn ở đây khá là phù hợp với sinh viên như em nên em hay lui tới. Cùng với khi đến đây em được cô chú đón tiếp nhiệt tình làm em cũng có cảm giác ấm áp. Em hy vọng quán của cô chú sẽ được nhiều người biết đến để cô chú có thể đủ tiền để trang trải cuộc sống”.

Càng về tối quán càng đông, nhưng cũng phải đợi đến tầm 21h khi những nhà xung quanh đóng cửa, anh chị mới có thể bày thêm bàn cho khách ngồi. Dù khá bận rộn nhưng hai anh chị luôn nở nụ cười dành cho khách và dành cho nhau. Những nụ cười giữa đêm tối như khiến mọi người gần nhau hơn, ấm áp hơn... giữa Sài Gòn.