1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

AEC: Thị trường lao động ra sao khi “sân nhà” nhập với “sân khách”

(Dân trí) - “Khi tự do di chuyển trong AEC, liệu lao động VN có giữ được chỗ làm việc ở trong nước? Mặc dù chúng ta đều biết, 8 lĩnh vực nhân lực dịch chuyển chỉ ảnh hưởng đến 1 đến 1,5% lực lượng lao động”.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp trao đổi với báo giới tại Hội thảo “Thị trường lao động Việt Nam khi hình thành Cộng đồng kinh tế Asean (AEC)”. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH và Manpower Group tổ chức sáng 13/1 tại Hà Nội.


Năng suất lao động thấp là rào cản của VN khi hội nhập AEC

Năng suất lao động thấp là rào cản của VN khi hội nhập AEC

Rào cản kỹ thuật

Thừa nhận những thách thức đối với thị trường lao động trong nước trước làn sóng hội nhập, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp bộc bạch: “8 ngành nghề được di chuyển chủ yếu cần trình độ kỹ thuật và tạo ra các vị trí việc làm tốt. Nếu lao động nước ngoài tràn ngập vào ở những vị trí trên, lao động VN có nguy cơ phải dời bỏ”.

Thách thức này đòi hỏi những điều chỉnh ở cấp vi mô? Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, chính phủ cần đã có những giải pháp nhất định: “Chúng ta phải biết cách tổ chức thị trường lao động sao cho có lợi nhất, phải biết chỗ nào có vị trí việc làm, phải nắm bắt được và công bố để người lao động Việt Nam biết nhanh hơn để ứng tuyển vào vị trí đó”.

Khi AEC hình thành, 8 lĩnh vực lao động có kỹ năng được dịch chuyển gồm: Dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, dịch vụ kiến trúc, dịch vụ khảo sát, hành nghề y khoa, hành nghề nha khoa, dịch vụ kế toán, hành nghề du lịch. Asean hiện có 10 quốc gia với hơn 600 triệu dân, VN hiện có 90 triệu dân.

Bên cạnh đó, giải pháp xây dựng hàng rào kỹ thuật phù hợp với Asean cũng được đề cập. Đây là điều mà các nước đều làm để bảo vệ người lao động và thị trường trong nước.

“Nhiều nước trên thế giới đều tận dụng rào cản về ngôn ngữ để bảo vệ lao động trong nước. Nếu vào Thái Lan làm việc, người lao động nước ngoài phải đạt trình độ tiếng Thái ở mức độ nhất định. Cũng giống như ở Hàn Quốc, lao động VN muốn vào làm việc phải thi tiếng Hàn. Ngay tại Nhật Bản, các điều dưỡng viên VN sang Nhật Bản phải đạt trình độ tiếng Nhật ở bậc cao như N4. Ở Đức, điều dưỡng viên phải đáp ứng trình độ tiếng Đức chuẩn B2 châu Âu …” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đưa ra 1 số ví dụ.

Không là món quà miễn phí

Việc hội nhập AEC tạo cho VN nhiều cơ hội về dự án đầu tư quy mô lớn thu hẹp khoảng cách năng suất lao động. Nguồn việc làm sẽ tăng nhanh, đồng nghĩa với nâng cao đời sống vật chất qua sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế.

Tuy nhiên, sự phát triển còn đặt ra nhiều thách thức trên cơ sở xuất phát điểm hiện có của VN.

Theo bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH), VN là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong Asean, chỉ khoảng 10 năm nữa lực lượng lao động sẽ không còn dồi dào như hiện nay.

Trong khi đó, năng suất lao động của VN chỉ bằng 1/15 Singapore, khả năng sử dụng tiếng Anh của lao động VN chưa cao. Theo xếp hạng mới đây của Asean, VN chỉ được xếp vào nhóm 4 nước ở hàng cuối vì quy mô vốn, trình độ khoa học kỹ thuật và lao động thấp. Khi hội nhập, VN còn phải đối mặt với vấn đề quản lý lao động nước ngoài vào VN làm việc, tiếp cận thông tin thị trường lao động ngoài nước…

“VN cần tăng cường tính chủ động của doanh nghiệp, chủ động đổi mới và nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua việc phát huy hơn nữa ứng dụng CNTT, quan trị doanh nghiệp, áp dụng ứng dụng chuyên ngành vào sản xuất kinh doanh” - bà Hà Thị Minh Đức nói.

“Thu nhập bình quân hàng tháng của lao động VN là 180 USD, ở Thái lan là gần 400 USD, Singapore là 3.547 USD. Thu nhập của lao động VN thấp nhưng thu nhập của lao động có tay nghề sẽ không thấp khi hội nhập sâu vào AEC” - ông Thái Phúc Thành nói

Đồng quan điểm trên, ông Thái Phúc Thành, Cục Phó Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cảnh báo về chất lượng đào tạo: “Singapore có 80% sinh viên tốt nghiệp đại học được nhà tuyển dụng tuyển dụng, tỉ lệ học nghề được sắp xếp là 90% nhưng ở VN rất thấp. Tỷ trọng hàng công nghiệp của Singapore chiếm 50% lượng hàng hóa xuất khẩu của Asean, VN chỉ chiếm 9%”.

Theo ông Thái Phúc Thành, tỉ lệ làm công hưởng lương ở Singapore là 80%, Malaysia là 75%, VN chỉ có 35%. “Điều này nghĩa là khoảng 65% lao động không có hợp đồng lao động, chứng tỏ hệ thống an sinh không đảm bảo. VN là nước có thị trường lao động dễ bị tổn thương nhất về điều kiện hỗ trợ người lao động. Ở khía cạnh này, chúng ta chỉ hơn Lào”.

Điều gì cần làm khi hội nhập ban đầu AEC? Theo ông Thái Phúc Thành, VN cần dịch chuyển cơ cấu kinh tế và lao động hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động ở tất cả các ngành nghề và cần tổ chức - quản lý tốt thị trường lao động, hoàn thiện các biện pháp bảo hộ lao động trong nước.

Ông Simon Matthews, Giám đốc Manpower Việt Nam, Thái Lan, Trung Đông: VN hiện có khoảng 53,7 triệu người trong độ tuổi lao động. Đến năm 2025, dự kiến có thêm 14 triệu việc làm. Sự kiện hình thành AEC tạo cho VN nhiều cơ hội và các yêu cầu đối với người lao động: Các kỹ năng mềm, ngoại ngữ, làm việc nhóm, kỹ năng sử dụng máy tính…“Việc nhập khẩu lao động đang đắt hơn nhiều việc đào tạo lao động tại chỗ. Do vậy, VN cần nâng cao kỹ năng cho lao động trong nước. Ngoài người lao động, các chủ doanh nghiệp cũng phải nâng cao kỹ năng trong việc quản lý…” - ông Simon Matthews gợi ý.

Tin liên quan:

Vào AEC, Việt Nam cần nhiều ngành có kỹ thuật cao

Đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền với báo giới hôm 13/1, nhân sự kiện VN chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) từ ngày 31/12/2015.

Nhấn mạnh tới thách thức trình độ tay nghề của lao động VN, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: “Trong dạy nghề, chúng ta cần đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như phương pháp đào tạo, tuyển chọn học sinh và chỉ đào tạo trên cơ sở. Đặc biệt tập trung vào những ngành nghề kỹ thuật cao, tạo giá trị gia tăng lớn”.

AEC: Thị trường lao động ra sao khi “sân nhà” nhập với “sân khách” - 2

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập bước đầu sẽ cho phép lao động thuộc 8 ngành, gồm: Kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sỹ, bác sỹ, y tá, điều tra viên và du lịch được quyền di chuyển tìm việc làm trong 10 nước ASEAN thông qua các thoả thuận công nhận tay nghề tương đương.

Để đáp ứng tốt thách thức về tay nghề, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng trách nhiệm của các cơ quan chức năng rất lớn. Theo đó, trách nhiệm của cơ quan quản lý phải làm cho người lao động hiểu được yêu cầu rất cao của thị trường AEC; đầu tư vào những nghề trọng điểm, nghề có yêu cầu kỹ thuật cao; đầu tư giáo viên, thiết bị tới phương thức giảng dạy, tạo điều kiện cho NLĐ có trình độ cao hơn, đáp ứng được yêu cầu thị trường nước ngoài…

H.M

Thí điểm xây dựng Cổng trực tuyến giải quyết bảo hiểm thất nghiệp

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 7245/QĐ-UBND, phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án: “Xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai thí điểm dịch vụ cổng trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội”.

AEC: Thị trường lao động ra sao khi “sân nhà” nhập với “sân khách” - 3

Theo đó, bổ sung và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo hoạt động trực tuyến mức độ 3 (4 dịch vụ) lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội; xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa tài liệu lưu trữ về lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp; đào tạo, chuyển giao công nghệ cho đội ngũ cán bộ đảm bảo duy trì hoạt động của hệ thống, có khả năng sử dụng khai thác tài nguyên trên hệ thống phục vụ cho việc thực hiện các hoạt động chuyên môn được giao.

Tổng mức đầu tư cho các nhiệm vụ này khoảng 14,91 tỉ đồng từ ngân sách thành phố; thời gian thực hiện dự án trong 2 năm (2017 - 2018). UBND TP Hà Nội đã giao Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với sở, ngành liên quan đề xuất phương án triển khai phù hợp và hiệu quả đối với các ứng dụng dùng chung mà TP đã tổ chức triển khai cho các đơn vị…

M.N

Hoàng Mạnh