9 thói quen cần bỏ để tăng năng suất làm việc
Những thói quen xấu có khả năng bào mòn năng suất làm việc, gây tác động xấu đến chất lượng công việc một cách ngấm ngầm và lâu dài.
Theo TS. Travis Bradberry - đồng tác giả cuốn Thông minh cảm xúc 2.0 (Emotional Intelligence 2.0), đồng sáng lập Công ty tư vấn TalentSmart, dưới đây là 9 thói quen xấu có tác động tiêu cực nhất đến năng suất làm việc và cần phải sớm bị loại bỏ:
1. Thường xuyên lướt internet
Bạn phải mất 15 phút tập trung liên tục trước khi có thể hoàn toàn dồn hết tâm sức cho một phần việc. Khi để bị cản trở bởi việc “ngứa ngáy” muốn đọc tin tức, lướt Facebook, xem kết quả một trận đấu thể thao…, bạn sẽ phải tốn thêm 15 phút tập trung liên tục nữa mới có thể quay trở lại trạng thái làm việc với năng suất đó.
Nếu hành động này diễn ra liên tục trong quá trình làm việc, nhiều khả năng bạn sẽ không bao giờ cho mình đủ thời gian để đạt được năng suất làm việc cao.
2. Cầu toàn
Chúng ta có xu hướng bỏ cuộc ngay từ lúc bắt đầu vì nghĩ rằng những ý tưởng của mình không hoàn hảo. Nhưng làm sao bạn có thể làm ra một sản phẩm tốt nếu bạn không bắt đầu và cho ý tưởng có thời gian để phát triển?
Nói về tầm quan trọng của việc tránh chủ nghĩa cầu toàn, tác giả Jodi Picoult từng chia sẻ: “Bạn có thể sửa một trang viết tệ, nhưng bạn không thể sửa một trang giấy trắng”.
3. Họp hành
Những cuộc họp thường tiêu tốn nhiều thời gian. Những người làm việc hiệu quả tránh họp hành nhiều nhất có thể. Khi buộc phải họp, họ sẽ cho mọi người biết ngay từ đầu rằng mình chỉ tham gia được trong một khoảng thời gian nhất định. Việc này đặt ra một giới hạn rõ ràng, giúp mọi người tập trung hơn và cuộc họp sẽ diễn ra hiệu quả hơn.
4. Lập tức phản hồi khi nhận được email
Người làm việc có năng suất cao không cho phép email làm gián đoạn công việc. Ngoài việc kiểm tra theo những khung giờ nhất định, họ còn đánh dấu ưu tiên cho những email được gửi từ các đối tác hoặc khách hàng quan trọng nhất để trả lời trước. Thậm chí một số người còn thiết lập chế độ trả lời tự động để người gửi biết thời điểm tiếp theo họ sẽ kiểm tra email là khi nào.
5. Không thức dậy đúng giờ
Sau một giấc ngủ dài, bộ não sẽ có một sự chuẩn bị để giúp bạn tỉnh táo vào đúng thời điểm cần phải thức dậy mỗi ngày. Đó là lý do tại sao đôi khi chúng ta thức giấc trước khi chuông báo thức reo lên. Khi tắt báo thức và hoãn lại đến 10, 15 phút sau đó để ngủ tiếp, bạn sẽ đánh mất sự tỉnh táo này để rồi thức dậy một lần nữa trong trạng thái mệt mỏi.
Hãy buộc bản thân thức dậy vào đúng giờ đã đặt báo thức nếu bạn muốn mình có một buổi sáng hiệu quả.
6. Đa nhiệm
Đa nhiệm là “sát thủ” giết chết năng suất làm việc. Nghiên cứu của ĐH Stanford cho thấy, làm nhiều việc cùng lúc sẽ cho ra năng suất kém hơn làm chỉ một việc vào một thời điểm.
Những người làm nhiều việc cùng lúc khó thể tập trung sự chú ý, ghi nhớ thông tin hoặc chuyển từ việc này sang việc khác hơn những người chỉ làm một việc tại một thời điểm.
7. Trì hoãn những phần việc khó
Năng lượng tinh thần của mỗi người có hạn, và khi năng lượng này bị cạn kiệt, việc ra quyết định sẽ kém hiệu quả hơn. Vì vậy, việc “để dành” những nhiệm vụ khó khăn nhất để xử lý vào cuối ngày là một hành động thiếu khôn ngoan. Hãy giải quyết những phần việc khó nhất vào buổi sáng - lúc tâm trí đang khỏe khoắn.
8. Sử dụng điện thoại, máy tính bảng, laptop trên giường
Ánh sáng xanh đóng vai trò quan trọng đối với trạng thái cảm xúc, năng lượng tinh thần và chất lượng giấc ngủ. Vào buổi tối, khi tiếp xúc trực tiếp với mắt, ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử như laptop, máy tính bảng, tivi, điện thoại di động… sẽ khiến não ngừng sản xuất melatonin (một hormone giúp cơ thể chìm vào giấc ngủ) khiến bạn tỉnh táo hơn, từ đó, chất lượng giấc ngủ sẽ bị giảm sút.
Tốt nhất nên tránh sử dụng các thiết bị trên sau bữa ăn tối (tivi được cho là không gây nhiều tác hại, miễn sao người xem giữ khoảng cách an toàn vừa đủ với nó).
9. Ăn quá nhiều đường
Glucose (loại đường đơn có trong tinh bột, hoa quả chín) làm tăng năng lượng cho não bộ, giúp chúng ta tập trung tốt hơn, nhất là khi thực hiện những nhiệm vụ khó khăn. Khi bị thiếu glucose, cơ thể sẽ mệt mỏi, chậm chạp và kém tập trung. Ngược lại, quá nhiều glucose trong cơ thể cũng gây ra trạng thái bồn chồn và kém tập trung. Các nghiên cứu cho thấy hàm lượng glucose lý tưởng nhất cho cơ thể là 25 gram.
Tuy nhiên, nguồn cung cấp glucose cũng dẫn đến sự khác biệt trong việc kéo dài năng suất làm việc. Bánh donut (một loại bánh nướng được làm từ bột mì), soda và những dạng đường nguyên chất cung cấp nguồn năng lượng trong chỉ khoảng 20 phút. Trong khi đó, bột yến mạch, gạo lứt và các loại thực phẩm chứa carbohydrates tổng hợp thì giải phóng năng lượng từ từ, cho phép chúng ta duy trì sự tập trung hiệu quả hơn.
Theo Bích Trâm/Doanh nhân Sài gòn