8 nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em đuối nước

Phạm Công Hải An

(Dân trí) - “Môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trẻ em thiếu sự giám sát của người lớn, thiếu các kỹ năng an toàn trong môi trường nước; nhận thức của cộng đồng về nguy cơ gây đuối nước còn hạn chế”…

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đuối nước khiến trẻ em tử vong.

Ngày 10/8, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới đã tổ chức Tọa đàm Phòng, chống đuối nước trẻ em.

8 nguyên nhân chính

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, tình hình tử vong do đuối nước ở trẻ em ở Việt Nam đã giảm so với giai đoạn trước.

“Năm 2010 có 3.300 trẻ em bị tử vong do đuối nước, giai đoạn 2016 - 2020 trung bình mỗi năm khoảng hơn 2.000 em bị tử vong do đuối nước mỗi năm. Tuy nhiên so với các nước trong khu vực và các nước phát triển, tình hình đuối nước trẻ em ở Việt Nam vẫn ở mức cao hơn”, Thứ trưởng Hà thông tin.

8 nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em đuối nước - 1
Các đại biểu chia sẻ giải pháp phòng, chống đuối nước ở trẻ em tại Tọa đàm (ảnh: Dương Phương)

Đại diện lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH tại Tọa đàm cho biết, có 8 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đuối nước khiến trẻ em tử vong.

Cụ thể như: Nhận thức của cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ về các nguy cơ gây đuối nước còn hạn chế. Nhiều trường hợp tai nạn thương tích trẻ em, đuối nước trẻ em xảy ra do sự thiếu kiến thức của người lớn, thiếu kiến thức của bản thân trẻ.

Tổ chức giải bơi cho trẻ em

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà: “Chúng ta có nhiều giải thể thao, bóng đá nhưng chưa có giải bơi cho trẻ em. Tôi đề nghị Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Trung ương Đoàn, các cơ quan báo chí, truyền thông, vận động nguồn lực để tổ chức các giải bơi, các chương trình truyền thông hấp dẫn về phòng, chống đuối nước cho trẻ em”

Nhiều vụ đuối nước trẻ em tại Việt Nam do thiếu sự giám sát của người lớn. Trong khi đó, môi trường sống ngay trong từng gia đình và ngoài cộng đồng chưa an toàn, tiềm ẩn các nguy cơ gây đuối nước trẻ em.

“Chúng ta có bờ biển dài, vùng đồng bằng Sông Cửu Long có nhiều vùng nước mở. Nước ta thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai bão lũ hàng năm, các trận bão lũ xảy ra đột ngột có thể cuốn đi cả gia đình, bao gồm cả trẻ em.

Ngoài ra, do văn hóa cộng đồng, các con ở các gia đình gần nhau có thể tự rủ nhau đi chơi mà không có người lớn giám sát, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ đuối nước”, Thứ trưởng Hà cho biết.

8 nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em đuối nước - 2

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà (bên tay trái) (ảnh: Dương Phương)

Bên cạnh đó, các nguyên nhân khác như: Trẻ em thiếu các kỹ năng an toàn trong môi trường nước; Việc dạy kỹ năng an toàn phòng chống tai nạn thương tích trẻ em chưa thường xuyên; Việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn phòng chống tai nạn thương tích trẻ em chưa tốt; Nguồn lực cho công tác phòng, chống đuối nước còn ít... là cũng là những nguyên nhân góp phần làm gia tăng số trường hợp tử vong do đuối nước ở trẻ em.

“Chúng ta đang thiếu bể bơi ở các nơi, ngay cả ở Thủ đô Hà Nội. Đồng thời thiếu cả đội ngũ giáo viên dạy bơi, chúng ta đang phải tận dụng số giáo viên thể dục ở các trường. Đã có những người dân tự hiến phần đất để làm bể bơi hoặc sử dụng những phần ao hồ ở địa phương với các điều kiện an toàn để dạy bơi cho trẻ em”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nói.

Sự chủ động của người lớn

Theo bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc quốc gia Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI), phòng, chống đuối nước là một phần của chiến lược quốc gia về phòng, chống thương tích trẻ em. Chính phủ đã đặt mục tiêu giảm thiểu 6% tỉ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em.

Tuy nhiên, theo bà Huyền, có rất nhiều thách thức trong việc thực hiện mục tiêu nêu trên như hạn chế về ngân sách, thiếu cơ sở hạ tầng đặc biệt là các vùng khó khăn, nhận thức, ảnh hưởng của dịch Covid-19.  

Đại diện GHAI tại Tọa đàm cho rằng, việc bảo vệ tính mạng cho một đứa trẻ cần nhiều yếu tố trong môi trường rộng lớn, từ chính gia đình, đến nhà trường và cộng đồng.

8 nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em đuối nước - 3

Bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc quốc gia Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI)

“Bản thân con trẻ tiếp xúc với môi trường nước đã là có nguy cơ bị đuối nước. Do đó, cần sự can thiệp toàn diện và tổng hòa từ nhiều giải pháp như truyền thông cho các nhóm đối tượng, cải tạo môi trường nguy cơ, tổ chức cho trẻ học bơi và kĩ năng an toàn trong môi trường nước…

Ví dụ can thiệp với từng nhóm đối tượng cụ thể như trẻ dưới 5 tuổi thì sự theo dõi và giám sát là tiên quyết. Nhưng với trẻ lớn hơn thì cần có kĩ năng sống còn, biết bơi sống sót và ngoài sự giám sát của người lớn”, bà Đoàn Thị Thu Huyền phân tích.

Cùng quan điểm, nhiều ý kiến phụ huynh tại Tọa đàm chia sẻ, bản thân từng nhận thức đuối nước là do không biết bơi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, người lớn đóng vai trò rất quan trọng trong phòng chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung, phòng, chống đuối nước trẻ em nói riêng.

Các ý kiến nhất trí rằng, sự chủ động giám sát của cha mẹ, nhắc nhở các con hàng ngày, hỗ trợ con có hiểu biết đúng về các kĩ năng an toàn trong môi trường nước, đặc biệt là đảm bảo môi trường an toàn trong gia đình là yếu tố quan trọng giúp phòng, chống đuối nước ở trẻ em.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em.

Hệ thống pháp lý liên quan đến công tác phòng chống đuối nước trẻ em ngày càng hoàn thiện. Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định trách nhiệm của Nhà nước đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

Thủ tướng Chính phủ Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 23 về đảm bảo quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, trong chỉ đạo ngành LĐ-TB&XH phối hợp với các Bộ ngành triển khai các giải pháp can thiệp giảm tử vong do đuối nước trẻ em. Quy định trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương đơn vị nếu để xảy ra tử vong do đuối nước trẻ em, xử lý nghiêm kịp thời nếu để xảy đuối nước trẻ em.

Kế hoạch liên ngành về phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2017 - 2020 đã được 9 Bộ, ngành, đoàn thể ký kết, tạo sức mạnh liên ngành với một can thiệp tổng thể về vấn đề đuối nước ở trẻ em…

Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo xây dựng môi trường sống an toàn tại gia đình, trường học và cộng đồng nhằm giảm nguy cơ tai nạn thương tích trẻ em, tử vong do đuối nước cho trẻ em. Trong năm 2019 đã có 4.000.000 hộ gia đình đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn; 8.000 trường học an toàn; 200 xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em... Tại nhiều nơi đã có cắm biển báo, rào ao tại nơi nước sâu nguy hiểm, có tích cực hơn trong những năm vừa qua.