7 thủ thuật tâm lý giúp bạn để lại ấn tượng lâu dài với cấp trên
Để lại ấn tượng nhất định trong lòng các "sếp" là tiền đề tuyệt vời cho sự thăng tiến trong công việc của bạn.
Trở thành nhân viên thân cận, đáng tin cẩn của cấp trên luôn là điều quan trọng trong sự nghiệp thăng tiến của bạn. Tuy vậy, nếu không nắm bắt được tâm lý họ thì đây có thể là một nhiệm vụ khá khó khăn. Bởi đa số cấp trên của bạn sẽ làm những người dày dặn kinh nghiệm, tiêu chuẩn cao và có phần kỹ tính.
7 thủ thuật tâm lý dưới đây đã được chứng minh có khả năng giúp bạn để lại một dấu ấn nhất định trong lòng cấp trên của mình.
1. Gật đầu mỗi khi đưa ra quan điểm
Nếu muốn nhận được sự đồng tình của các sếp về một vấn đề gì đó, hãy mỉm cười nhẹ khi trình bày, duy trì sự trao đổi bằng mắt và gật đầu nhẹ nhàng mỗi khi đưa ra một ý kiến mới. Sự kết hợp ngôn ngữ cơ thể này có thể tạo ra hiệu ứng thôi miên nhẹ, khiến các sếp cũng có phản ứng gật đầu đồng tình với ý kiến của bạn.
2. Chạm hai chân xuống mặt đất khi ngồi
Mặc dù vô cùng phổ biến, tư thế ngồi vắt chéo chân là một trong những tư thế nên tránh xa hàng đầu mỗi khi đối diện với các sếp. Thay vào đó, bạn nên ngồi chạm nhẹ nhàng hai chân xuống mặt đất. Tư thế này có khả năng kích thích trí não của bạn, thúc đẩy bạn đưa ra nhiều ý tưởng hợp lí và sáng tạo hơn, giúp bạn giải quyết tốt các vấn đề mà cấp trên đưa ra.
3. Quan tâm những vấn đề ngoài lề khi nói chuyện phiếm với sếp
Không ai muốn nói về công việc 24/7 và các sếp của bạn cũng không phải ngoại lệ. Mỗi khi chạm mặt và cần một cuộc hội thoại xã giao nho nhỏ, hãy hỏi và bàn luận về sở thích hoặc mối quan tâm của họ thay vì vấn đề công việc nhàm chán thường ngày. Điều này sẽ tạo cho các sếp bầu không khí thoải mái, gần gũi và cảm giác tâm đầu ý hợp, từ đó có ấn tượng với bạn nhiều hơn.
4. Biết nhận lỗi
Nếu không may mắc phải một lỗi lầm nào đó trong công việc, hãy can đảm nhận lỗi thay vì trốn tránh hay đổ lỗi cho các đồng nghiệp. Thừa nhận sai lầm của bản thân và chủ động trình bày phương án sửa chữa của mình luôn luôn tốt hơn việc để lỗi lầm của mình đến tai sếp từ các nhân viên khác hay tệ hơn, từ khách hàng. Chấp nhận sự thật và dám đối mặt với lỗi lầm sẽ khiến bạn trở thành một nhân viên đáng tin cậy hơn rất nhiều.
5. Đưa ra nhiều giải pháp giải quyết vấn đề
Nếu chỉ trình bày một giải pháp duy nhất khi cần giải quyết một vấn đề nào đó với sếp của bạn, họ sẽ cảm thấy như bị bắt buộc phải đồng tình và nảy sinh cảm giác khó chịu vì bị kiểm soát bởi cấp dưới. Vì vậy, trước khi trình bày, bạn hãy chuẩn bị ít nhất 2 hoặc 3 giải pháp để đưa ra cho sếp chọn lựa. Họ sẽ có cảm giác như được đóng góp một phần nào đó trong việc giải quyết vấn đề, khiến mọi việc trở nên dễ dàng hơn.
6. Xin lời khuyên từ cấp trên thay vì lời nhận xét
Khi được hỏi xin nhận xét, các sếp sẽ trở thành người đánh giá khách quan, vô tình tạo ra một khoảng cách nhất định giữa sếp và nhân viên. Trái ngược lại, việc hỏi xin lời khuyên sẽ tạo ra bầu không khí thân thiện, gắn bó, hợp tác một cách tự nhiên, giúp ý kiến bạn đưa ra có thể được ủng hộ và khuyến khích nhiều hơn.
7. Dám thể hiện sự không đồng tình với cấp trên
Nhiều người luôn nghĩ rằng phản đối ý kiến của sếp luôn là một điều thật dại dột và kinh khủng nhưng trên thực tế, điều này đôi lúc lại mang lại vô vàn hiệu quả tích cực. Phản đối một cách chính đáng, tế nhị, hợp tình và hợp lí có thể khiến bạn trở nên đáng giá hơn trong mắt cấp trên, nhận được sự đánh giá cao vì tính trung thực và tận tâm của bạn. Cần lưu ý rằng việc phản đối này cấm kỵ đưa tính cá nhân vào cuộc tranh luận, hãy đưa lợi ích của cả nhóm lên hàng đầu và trình bày ý kiến của mình một cách thật khéo léo.