6.200 công chức TPHCM nghỉ việc trong 6 tháng: Nhầm thời gian thống kê?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo Sở Nội vụ, do sơ xuất trong công văn báo cáo tình hình cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, UBND TPHCM ghi nhầm thời gian thống kê, số liệu trên là của 2,5 năm qua chứ không phải 6 tháng.

Ngày 14/8, Sở Nội vụ TPHCM có thông báo đính chính về thông tin gần 6.200 cán bộ, công chức, viên chức TPHCM nghỉ việc trong 6 tháng, mà UBND TPHCM nêu trong báo cáo gửi Bộ Nội vụ 2 ngày trước.

Cụ thể, theo đại diện Sở Nội vụ, ngày 12/8, UBND TPHCM ban hành công văn số 2824/UBND-VX về việc báo cáo tính hình cán bộ, công chức, viên chức thôi việc gửi Bộ Nội vụ. Do sơ xuất, trong báo cáo ghi thời gian thống kê từ 1/1/2022, trong khi thực tế số liệu được ghi nhận từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/6/2022.

Như vậy, thông tin chính xác phải là có 6.177 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc theo nguyện vọng trong 2,5 năm, thay vì 6 tháng.

6.200 công chức TPHCM nghỉ việc trong 6 tháng: Nhầm thời gian thống kê? - 1

Theo Sở Nội vụ, do sơ xuất, trong báo cáo ghi thời gian thống kê từ 1/1/2022, trong khi thực tế số liệu được ghi nhận từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/6/2022. (Ảnh minh họa).

Trước đó, như đã đưa tin, ngày 12/8, UBND TPHCM có công văn báo cáo Bộ Nội vụ về việc 676 cán bộ, công chức và 5.501 viên chức thôi việc chỉ trong 6 tháng đầu năm. Số cán bộ, công chức thôi việc trong 6 tháng gấp 2,4 lần năm 2021; số viên chức gấp gần 2,9 lần.

Trong 676 cán bộ, công chức thôi việc theo nguyện vọng, ở cấp tỉnh, Sở Xây dựng có số người nghỉ việc nhiều nhất là 23, trong đó có 5 thạc sĩ, 17 người trình độ cử nhân. Ở cấp huyện, TP Thủ Đức có nhiều người nghỉ nhất với 40 người.

Ở khối sự nghiệp, trong hơn 5.500 viên chức thôi việc, có hơn 2.430 người thuộc khối giáo dục, 2.145 người khối y tế, còn lại thuộc các lĩnh vực khác. Trong số này có 6 tiến sĩ.

Theo đánh giá của UBND TPHCM, có 3 nguyên nhân chính tác động đến việc cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, bao gồm chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến; áp lực công việc.

Để giảm tỷ lệ nghỉ việc trong lĩnh vực công, TPHCM đề nghị Bộ Nội vụ đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo; thường xuyên luân chuyển, đưa lãnh đạo về cơ sở và ngược lại để nâng cao năng lực; có chính sách trợ cấp thôi việc.

TPHCM cũng khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi theo nguyện vọng với người không thuộc nhóm tinh giản biên chế nhưng năng lực thấp hoặc sức khỏe không đảm bảo. Đồng thời, đề xuất Trung ương tăng biên chế cho địa phương để giảm áp lực cho công chức, viên chức.