6 "nguyên tắc vàng" áp dụng khi hỏi nhà tuyển dụng
(Dân trí) - Để có kết quả tốt trong cuộc phỏng vấn, bạn nên chuẩn bị các câu hỏi dành cho nhà tuyển dụng. Tuy nhiên sẽ có những câu hỏi để lại ấn tượng không tốt với nhà tuyển dụng mà bạn nên tránh.
Để đảm bảo tạo được ấn tượng, dưới đây là những câu hỏi bạn nên tránh và những nguyên tắc cần có khi tham gia bất cứ buổi phỏng vấn tìm việc nào.
1. Mô tả công việc vị trí này là gì?
Câu hỏi này cho thấy bạn thiếu sự nghiêm túc, thiếu hứng thú với vị trí ứng tuyển do chưa tìm hiểu kỹ về mô tả công việc. Thông thường nhà tuyển dụng đã gửi thông tin hoặc trao đổi với bạn trước khi phỏng vấn.
Nếu bạn cần thêm thông tin hãy làm rõ trước khi phỏng vấn, vì thực sự bạn cần biết mình sẽ làm gì.
Một số thông tin của nhà tuyển dụng có thể chưa đầy đủ, hãy thẳng thắn trao đổi lại, việc này cũng cho thấy sự nghiêm túc và hào hứng với công việc. Thông thường các nhà tuyển dụng cũng khá cởi mở cung cấp thông tin cho ứng viên.
Tuy nhiên, bạn cũng nên cân nhắc kỹ đối với những nhà tuyển dụng không cởi mở hay có vẻ "muốn giấu" thông tin, việc tham gia phỏng vấn có thể làm mất thời gian của cả hai bên.
Nguyên tắc số 1: Hãy tìm hiểu kỹ công việc trước khi phỏng vấn.
2. Công ty đang làm về lĩnh vực gì? hay sản phẩm của công ty là gì?
Nguyên tắc quan trọng nhất khi tham gia phỏng vấn tìm việc là bạn phải có những hiểu biết cơ bản về công ty. Những câu hỏi dạng này không chỉ cho thấy bạn đã không dành thời gian để tìm hiểu về công ty, mà nó còn khiến nhà tuyển dụng đặt câu hỏi về năng lực thực hiện công việc của bạn.
Nguyên tắc số 2: Hãy tìm hiểu kỹ công ty trước khi phỏng vấn.
3. Mức thu nhập của tôi sẽ là bao nhiêu?
Thông thường, khoảng lương sẽ có trong thông báo tuyển dụng hoặc nhà tuyển dụng sẽ trao đổi sơ bộ trước với bạn. Hãy nắm thông tin về khoảng lương trước khi đến phỏng vấn, hoặc sẵn sàng từ chối những nhà tuyển dụng không rõ ràng thông tin kiểu "thu nhập phụ thuộc năng lực" hay "thu nhập trao đổi khi phỏng vấn".
Câu hỏi này có thể khiến người phỏng vấn lúng túng hoặc lảng tránh câu hỏi của bạn. Từ đó bạn không được thông tin và khiến người phỏng vấn có tâm lý "đề phòng" hay "thiếu cởi mở".
Bất kỳ câu hỏi nào xung quanh mức thu nhập nên được thảo luận tại thời điểm nếu hai bên đồng thuận có thể hợp tác chứ không phải trong cuộc phỏng vấn. Tất nhiên bạn cũng có thể trao đổi luôn nếu nhà tuyển dụng đưa ra đề xuất đó trước.
Nguyên tắc số 3: Hãy thảo luận đúng vấn đề vào đúng thời điểm.
4. Tôi có thể làm việc giờ giấc linh hoạt được không?
Ngay cả khi bạn có những nhu cầu khác thực sự chính đáng và có nói rõ rằng với nhà tuyển dụng, ví dụ như đón con chẳng hạn thì lời khuyên chân thành với bạn là không nên có câu hỏi này.
Với nhiều Nhà tuyển dụng, công việc là công việc, cho dù cân bằng cuộc sống là điều nhiều người hướng đến. Vậy hãy tự giải quyết vấn đề cá nhân của bạn. Việc đưa ra những câu hỏi kiểu này sẽ cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn ưu tiên nhu cầu cá nhân hơn công việc.
Nguyên tắc số 4: Hãy thể hiện công việc là thứ được ưu tiên.
5. Bao lâu công ty sẽ đánh giá nhân viên?
Những câu hỏi kiểu này có vẻ bình thường, nhưng đôi khi làm nhà tuyển dụng có thể nghĩ rằng bạn đang lo lắng về chính năng lực của mình. Đó sẽ là một điểm trừ vì năng lực cũng là yếu tố quan trọng khi họ cân nhắc lựa chọn ứng viên.
Một người có năng lực sẽ rất tự tin, vì vậy hãy giữ sự tự tin và tích cực của bạn trong cuộc phỏng vấn. Tránh hỏi những chủ đề liên quan đến chính sách về đánh giá, chí ít cho đến khi nhận được đề nghị hợp tác.
Nguyên tắc số 5: Hãy giữ sự tự tin và tích cực.
6. Công ty còn vị trí nào cao cấp hơn không? Tại sao người làm trước lại nghỉ việc?
Những câu hỏi thể hiện sự kiêu ngạo hoặc gây xung đột là những câu hỏi nhất thiết nên tránh. Nó cũng cho thấy sự thiếu quan tâm đến công việc hiện tại đang trao đổi, thiếu tôn trọng những người đối diện.
Những câu hỏi kiểu này sẽ khiến người phỏng vấn có tâm lý đề phòng, điều đó không tốt cho việc trao đổi giữa hai bên. Ít nhất hãy là một người chuyên nghiệp và giữ lại những hình ảnh tốt trong mắt nhà tuyển dụng, bởi sau mỗi người đều còn vô vàn mối quan hệ khác nữa.
Nguyên tắc số 6: Không kiêu ngạo hay ảo tưởng bản thân.
Có 2 điều cần rõ để có thể thành công khi phỏng vấn là tâm thế coi nhau là đối tác và có những nguyên tắc của bạn. 6 nguyên tắc nêu trên cũng là những gợi ý không tồi để bạn có được thành công trong phỏng vấn tìm việc.