5.000 công nhân sáng đến cổng rồi về, công ty lý giải về định mức lao động
(Dân trí) - Cuộc ngừng việc tập thể của hơn 5.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory bước sang ngày thứ 4. Người lao động phản ánh việc áp sản lượng bất lợi, doanh nghiệp khẳng định làm đúng luật.
Sáng 5/10, ông Hà Huy Đồng - Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) huyện Diễn Châu, Nghệ An - cho biết, công nhân công ty TNHH Viet Glory (chuyên sản suất giày da xuất khẩu) vẫn chưa đi làm trở lại.
"Sáng nay (5/10), công nhân đến tập trung trước nhà máy, không vào làm việc, sau đó giải tán dần", ông Đồng thông tin.
Sáng 4/10, đoàn liên ngành LĐLĐ và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An đã có mặt, trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và vận động người lao động sớm trở lại làm việc.
Ông Nguyễn Văn Thục - Trưởng ban chính sách pháp luật, LĐLĐ tỉnh Nghệ An - thông tin, gặp gỡ công nhân, đoàn liên ngành ghi nhận thêm một số kiến nghị của người lao động ngoài 8 kiến nghị trước đó.
"Vụ việc đang được giải quyết theo đúng trình tự. Tại buổi làm việc, chúng tôi đã chuyển những kiến nghị mới, chủ yếu là về chế độ thai sản, bù đắp độc hại, định mức sản lượng lao động... của công nhân tới ban giám đốc công ty. Phía công ty cũng đã có những giải thích cụ thể từng nội dung", ông Thục cho hay.
Theo phản ánh của người lao động, công ty áp sản lượng trong thời gian từ 1 tuần đến 10 ngày. Công nhân tính toán lượng sản phẩm hoàn thành trong 1 ngày và làm trong mức đó thì ngày kế tiếp sẽ bị áp định mức cao hơn.
Bên cạnh đó, công ty giao đơn hàng trong vòng 1 tháng nhưng mới được 25 ngày đã chốt sản lượng, thay vì làm đủ 30 ngày. Do vậy, khối lượng dự trù làm trong 5 ngày cuối không được tính, dẫn tới việc công nhân không đạt sản lượng đề ra.
Toàn bộ sản phẩm công nhân làm dư trước đó để tính mức thưởng sản lượng bị lấy để bù vào phần được cho là sản lượng bị thiếu.
Sau khi tiếp nhận phản ánh của người lao động thông qua đoàn liên ngành, đại diện công ty TNHH Viet Glory có giải thích cụ thể về quy trình tính toán để đưa ra định mức lao động (sản lượng) cho công nhân.
Theo đại diện công ty, khi nhận đơn hàng mới (hình thể giày mới), bộ phận kỹ thuật sản xuất hàng mẫu rồi kiểm tra, tính toán thời gian và đưa ra định mức công nhân. Quy trình này áp dụng cho tất cả các công ty của tập đoàn.
Những ngày đầu làm mẫu mới, do công nhân chưa quen nên sản lượng thấp. Do đó, những ngày tiếp theo phải nâng sản lượng dần lên để đạt định mức lao động đã được xây dựng.
Đại diện doanh nghiệp cho biết, hiện sản lượng của công ty TNHH Viet Glory tại Diễn Châu chỉ mới đạt 50-70% so với định mức các công ty khác trong tập đoàn.
Theo lãnh đạo Viet Glory, công nhân chưa hiểu rõ về vấn đề định mức sản lượng, công ty sẽ giải thích, phổ biến để người lao động hiểu.
"Việc xây dựng định mức lao động được quy định tại Điều 93, Bộ luật Lao động. Định mức lao động phải áp dụng thử, phải lấy ý kiến tổ chức công đoàn và phải đảm bảo để số đông lao động thực hiện được.
Ở đây, doanh nghiệp khẳng định đã tuân thủ đúng quy định, công nhân lại cho rằng định mức mà công ty đưa ra là quá cao nên không đảm bảo được sản lượng. Về vấn đề này, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, làm rõ", ông Thục thông tin.
Về các nội dung khác như chế độ thai sản, tại buổi làm việc với đoàn liên ngành tỉnh Nghệ An và huyện Diễn Châu, đại diện công ty thừa nhận, trước đây, với nữ công nhân mang bầu từ 7 tháng, sợ thai lớn, không an toàn, nên công ty giải quyết cho người lao động nghỉ sinh.
Thời điểm hiện tại thì không có tình trạng lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 phải nghỉ khi không có nhu cầu.
Lao động mang thai sẽ được chuyển đến bộ phận sản xuất nhẹ nhàng hơn. Công nhân mang thai có nhu cầu, đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc phải báo cáo với chủ quản để bố trí công việc phù hợp và phải chủ động đảm bảo sự an toàn cho bản thân.
Với những kiến nghị liên quan đến vấn đề phúc lợi, công ty đang tiếp tục cải thiện trên tinh thần mong muốn công nhân sẽ được hưởng nhiều phúc lợi hơn để gắn bó lâu dài với công ty.
Sau buổi làm việc, đoàn liên ngành đề nghị công ty ban hành thông báo, giải thích rõ các vấn đề cụ thể, đặc biệt là về sản lượng, thời gian làm việc, thai sản, chế độ độc hại tới người lao động để tuyên truyền vận động công nhân sớm trở lại làm việc.
Đoàn cũng đề nghị UBND huyện Diễn Châu sau khi ổn định tình hình, thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra công tác chấp hành pháp luật lao động tại công ty TNHH Viet Glory.