5 yếu tố chi phối năng lực sáng tạo

"Sáng tạo như một cơ bắp, không phải là một năng lực được Chúa trời ban phát riêng cho một vài người nhất định. Chúng ta có thể rèn luyện để sức sáng tạo được phát triển mỗi ngày".

Quan điểm trên được Huân tước David Puttnam, Đặc phái viên thương mại của Thủ tướng Anh cho Việt Nam, Lào, Campuchia và Miến Điện nhấn mạnh trong buổi giao lưu "Ngành công nghiệp sáng tạo - Các cơ hội dành cho Việt Nam" do Hội đồng Anh và Câu lạc bộ Doanh nhân Sáng tạo tổ chức sáng 30/1.

Bằng kinh nghiệm giảng dạy tại 4 quốc gia Úc, Singapore, New Zealand và Anh, Huân tước David Puttnam cho biết, có 5 yếu tố chính cấu thành nên năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân gồm: sự tập trung, trí tưởng tượng, sự phối hợp, sự kiên định và sức bật.

1. Trí tưởng tượng

Sức mạnh của trí tưởng tượng là cho phép con người nhìn thấy những viễn cảnh xa xôi hơn hơn sự thật đang diễn ra trước mắt. Trí tưởng tượng gợi mở cho mỗi cá nhân những ý tưởng để cách tân trong công việc. Vì vậy theo Huân tước, trí tưởng tượng là điều cốt lõi trong sáng tạo.

Hãy luyện tập mỗi ngày bằng cách giải phóng trí tưởng tượng của bản thân. Giống như cơ bắp, khi chúng ta đều đặn luyện tập, thói quen tưởng tượng sẽ dần được hình thành và trở nên mạnh mẽ.

2. Sự kiên định

Để trở thành một chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, bạn cần 1.000 giờ để luyện tập công việc mình giỏi nhất. Song để trở thành một nhân vật kiệt xuất, bạn cần phải luyện tập 10.000 giờ cho công việc đó.

Theo David Puttnam, luyện tập là cách duy nhất để đưa một cá nhân bình thường trở thành một người có năng lực sáng tạo mạnh mẽ.

"Những người giỏi nhất tôi từng làm việc cùng đều là những người làm việc chăm chỉ. Họ kiên trì luyện tập để hoàn thiện ý tưởng sáng tạo của bản thân", David Puttnam chia sẻ.


5 yếu tố chi phối năng lực sáng tạo
Huân tước David Puttnam là một đạo diễn và nhà sản xuất phim nổi tiếng của Vương quốc Anh cũng như của thế giới với 10 giải Oscar, 25 giải BAFTA và Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes.

Huân tước từng là CEO của Columbia Pictures từ năm 1986 – 1988. Ngài cũng từng là Phó chủ tịch Học viện Nghệ thuật Phim và Truyền hình Vương quốc Anh (BAFTA) từ 1994 -2004. Từ năm 1987 – 1996, Ngài là Chủ tịch Trường Phim và Truyền hình Quốc gia.

Từ năm 1998, Huân tước Puttnam hoạt động chủ yếu về chính sách trong các lĩnh vực giáo dục, môi trường, và các ngành công nghiệp sáng tạo và truyền thông.
3. Sức bật

Nếu bạn chọn trở thành một con người sáng tạo, bạn sẽ luôn nhận được sự phán xét, đánh giá từ phía cộng đồng, vì các ý tưởng của bạn thường đi quá những giới hạn, lẽ thường mà mọi người hay chờ đợi.

"Vậy thì chúng ta phải luôn luôn biết chấp nhận những sự phán xét đó và vượt qua nó để hoàn thiện ý tưởng sáng tạo của mình", Huân tước nói.

Theo ông, khi chúng ta nghe những lời chỉ trích thì chúng ta phải tỉnh táo nhận ra đâu là những lời chỉ trích có ích.

Khi còn trẻ, Huân tước đã làm việc với người thầy mà ông vô cùng kính trọng và ngưỡng mộ. Trong quá trình làm việc, người thầy này luôn chỉ trích những tác phẩm Huân tước tạo ra. Điều này đã tạo thành động lực để Davis Puttnam liên tục rà soát lại các tác phẩm của mình và tìm cách làm cho nó tốt hơn.

Một lời chỉ trích có ích là lời chỉ trích thúc đẩy bạn phải "đào đi đào lại ý tưởng của mình để tự tìm ra khuyết điểm và tự cải thiện chúng".

4. Sự tập trung

Yếu tố thứ tư tác động đến năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân chính là môi trường mà các cá nhân đó làm việc.

Không phải lúc nào bạn cũng ở trong một môi trường làm việc lý tưởng, vì vậy theo David Puttnam, mỗi cá nhân phải kiểm soát được khả năng tập trung của bản thân trong những môi trường bất lợi về ánh sáng, âm thanh, không khí...

Nếu chúng ta không kiểm soát tốt sự thích ứng với môi trường làm việc, chúng ta sẽ không có khả năng tập trung để tạo ra bất cứ thứ gì cả.

5. Sự hợp tác

Huân tước cho rằng sức mạnh của năng lượng sáng tạo sẽ được tăng lên vượt trội khi chúng ta kết hợp được sức sáng tạo của tất cả các cá nhân trong một tập thể.

Điều này đòi hỏi khả năng lãnh đạo của người đứng đầu. Người lãnh đạo phải thống nhất được tầm nhìn chung của tập thể và khơi gợi cho từng cá nhân vượt lên giới hạn suy nghĩ của mình và kết hợp những ý tưởng nổi bật đó lại.

Trên hết, Huân tước nhấn mạnh: "Để làm được điều đó thì chúng ta phải có niềm tin vào điều mình đang làm, một niềm tin thực sự có căn cứ. Nếu chúng ta không có được lòng tin 100% vào bản thân mình thì đến một ngày nào đó chúng ta sẽ buộc mình phải chấp nhận phán xét của người khác và nằm trong giới hạn mà mọi người đã vạch ra đó".
Theo Doanh nhân Sài Gòn