“5 không”, “3 có”, “4 an” của Đà Nẵng đạt kết quả tích cực
(Dân trí) - Chương trình thành phố "5 không", "3 có", "4 an" đã trở thành thương hiệu, đặc trưng riêng có của Đà Nẵng, từng bước tạo ra một diện mạo mới cho thành phố trong quá trình phát triển.
Sáng 25/9, Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị đánh giá thực hiện Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” gắn với thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU về văn hóa, văn minh đô thị.
Mỗi năm giải quyết việc làm cho 30.000 người
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, sau 20 năm triển khai thực hiện các Chương trình, hầu hết các nhiệm vụ được giao đều đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, Chương trình “5 không” (thực hiện từ năm 2000-2020) với các mục tiêu “Không có hộ đói”, “Không có người mù chữ’, “Không có người lang thang xin ăn”, “Không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng”, “Không có giết người để cướp của” đã để lại những dấu ấn sâu sắc mang tính đột phá trong quá trình phát triển của thành phố.
Sau 2 năm, Đà Nẵng đã xóa hết 850 hộ đói, chuyển sang mục tiêu không có hộ đặc biệt nghèo đã trợ giúp cho gần 6.000 hộ vươn lên thoát nghèo. Năm 2009, khi cơ bản xóa mù chữ, thành phố chuyển sang mục tiêu “Không có học sinh bỏ học nữa chừng vì lý do kinh tế”.
Mục tiêu “Không có người lang thang xin ăn” được thành phố duy trì thực hiện quyết liệt. Từ năm 2000-2020, tập trung xử lý hơn 4.400 trường hợp, phân loại giải quyết cho về gia đình, địa phương quản lý hướng dẫn chuyển đổi ngành nghề 3.235 người.
Thành phố cơ bản không còn tình trạng người ăn xin, trở thành thương hiệu của Đà Nẵng được du khách trong và ngoài nước biết đến
Chương trình “Thành phố 3 có” (thực hiện từ năm 2005-2020) với 3 mục tiêu “có nhà ở”, “có việc làm”, “có nếp sống văn minh đô thị” là một bước tiến tiếp theo trên nền tảng kết quả Chương trình “Thành phố 5 không” qua triển khai thực hiện cũng đã đạt được những kết quả tốt đẹp.
Thành phố đã tập trung đầu tư, kêu gọi quỹ nhà ở xã hội, đưa vào sử dụng hơn 10.800 căn hộ chug cư, nhà liền kề và ký túc xá tập trung phía Đông và phía Tây thành phố với hơn 6.870 chỗ cho sinh viên; giải quyết gần 9.900 căn hộ cho các hộ gia đình chính sách, hộ thuộc diện giải tỏa, hộ nghèo, cán bộ- công chức- viên chức công tác lâu năm chưa có chỗ ở ổn định…
Mỗi năm thành phố giải quyết việc làm bình quân cho 30.000 lao động, hạ tỷ lệ thất nghiệp từ 5,06% năm 2006 xuống còn 3,4% cuối năm 2019.
Chương trình “Thành phố 4 an” (thực hiện từ năm 2016-2020) với 4 mục tiêu “An ninh trật tự”, “An toàn giao thông”, “An toàn vệ sinh thực phẩm”, “An sinh xã hội” là sự kế thừa có chọn lọc, tổng hợp và phát triển các chương trình thành phố 5 không và 3 có, đồng thời bổ sung một số nội dung mới nhằm đáp ứng nhu cầu, yêu cầu mới phù hợp với điều kiện xã hội, thực tiễn phát triển của thành phố trong giai đoạn này.
Tai nạn giao thông từ năm 2016 đến nay đã giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương.
Hệ thống chính sách An sinh xã hội trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, bảo hiểm… được hoàn thiện, mở rộng nhóm đối tượng, tăng độ bao phủ, tăng mức hỗ trợ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của thành phố và chú trọng yếu tố hiệu quả, bền vững trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội.
Đà Nẵng được xem thành phố đáng sống
Với những kết quả trên, Đà Nẵng đã từng bước chiếm lấy cảm tình của du khách trong ngoài nước, được xem là thành phố an bình, vinh dự có tên trong bảng xếp hạng những điểm đến hấp dẫn, thành phố đáng sống của cảc tạp chí du lịch, trang web có uy tín bình chọn quốc tế, trở thành điểm đến hấp dẫn hiện nay của du khách.
Đà Nẵng lọt bảng xếp hạng "10 điếm tốt nhất để sống và đầu tư trên thế giới năm 2018" của trang web du lịch danh tiếng International Living, chiếm vị trí số 1 trong top 10 thành phố đứng đầu xu hướng du lịch năm 2020 do Google công bố, xếp thứ 7 trong danh sách 25 điểm đến xu hướng thế giới 2020 do độc giả TripAdvisor - trang web du lịch lớn nhất thế giới bình chọn.
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, mặc dù được ra đời ở những thời điểm và hoàn cảnh khác nhau nhưng các chương trình này đã gắn bó chặt chẽ với nhau và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Kết quả của các chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” và thực hiện chủ trương văn hóa, văn minh đô thị đã trở thành thương hiệu, đặc trưng riêng có, mang đầy tính nhân văn của thành phố, tạo sự ổn định xã hội, làm nền tảng cho sự phát triển toàn diện của thành phố và là cơ sở để xây dựng hình ảnh thành phố đáng sống trong quan niệm của người dân cả nước và là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng.
Trong thời gian đến Đà Nẵng sẽ tiếp tục duy trì các mục tiêu, chương trình hiện có, đồng thời bổ sung thêm một số nội dung, mục tiêu cho phù hợp với tình hình thực tế.
Về Chương trình 5 không: “Không có học sinh bỏ học” bổ sung thêm nội dung mục tiêu “Không có học sinh bị bạo hành, xâm hại trong nhà trường, bị đuối nước”; “Không có giết người để cướp” của bổ sung thêm nội dung mục tiêu “Không có băng nhóm tội phạm bảo kê, tín dụng đen và đòi nợ thuê”.
Về Chương trình 3 có: Giữ nguyên “Có việc làm”, “Có nhà ở”, “Có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”.
Chương trình 4 an: “An sinh xã hội” bổ sung thêm nội dung mục tiêu “Không xảy ra điểm nóng về môi trường”.