Đà Nẵng: Gần 23.000 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp
(Dân trí) - Tại Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, có 22.573 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.
Những ngày này, nhiều người lao động đến Trung tâm dịch vụ việc TP Đà Nẵng để nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi thành phố tiếp thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội.
Đang chờ đến lượt mình, anh Nguyễn Văn Hải (trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết, anh làm kế toán cho một khách sạn trên địa bàn thành phố. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty cho anh nghỉ việc từ cuối tháng 3.
Anh Hải đã làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và đã được nhận 3 tháng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện này anh Hải vẫn chưa xin được việc nên tiếp tục đề nghị được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tương tự, chị Nguyễn Thu Thảo (trú quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) cũng đến Trung tâm dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng để nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Chị Thảo cho biết, chị làm phụ bếp ở một khách sạn 4 sao. Đợt dịch này, khách sạn không có khách, nghỉ hoạt động nên chị bị thất nghiệp ở nhà.
“Giờ đi đâu xin việc cũng không được vì hầu như các nhà hàng, khách sạn chưa hoạt động trở lại”, chị Thảo nói.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng, cho biết, từ đầu năm đến nay, có 22.573 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.
Các ngành nghề có số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều là: Ngành nhà hàng - khách sạn - du lịch: 7.044 người (chiếm 31,2% tổng số người nộp hồ sơ), ngành may - giày da - dệt - nhuộm: 2.018 người (chiếm 8,9% tổng số người nộp hồ sơ), ngành điện - điện tử - điện lạnh - lắp ráp điện tử: 1.357 người nộp hồ sơ, ngành xây dựng - kiến trúc - gỗ - trang trí nội thất: 1.149 người, ngành giáo dục: 1.087 người…
Theo ông Thành, nguyên nhân khiến người lao động nộp hồ sơ thất nghiệp tăng là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 các ngành nhà hàng - khách sạn - du lịch, giáo dục (mầm non) phải ngừng hoạt động, một số ngành thu hẹp sản xuất.
Trong tháng 8, do thực hiện cách ly phòng chống dịch Covid-19 nên có 1.570 người gửi hồ sơ qua bưu điện, bình quân mỗi ngày gần 75 người gửi hồ sơ. Tháng 9, thực hiện nới lỏng các biện pháp cách ly, mỗi ngày bình quân có gần 150 người nộp hồ sơ.
Ông Thành cũng cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid - 19 đợt 1 nên tháng 4 là tháng có số người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất: 5.271 người (tăng 144% so với cùng kỳ năm trước), tiếp đến là tháng 5: 4.083 người (tăng 31% so với cùng kỳ).
Tháng 6 và tháng 7, số người nộp hồ sơ giảm đi so với tháng 4 và tháng 5, tuy nhiên vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
“Dịch Covid-19 lần 2 sẽ làm tăng số người nộp hồ sơ so với các tháng 6, tháng 7, đặc biệt có người lao động tái thất nghiệp sau 1-2 tháng có việc làm như giáo viên mầm non. Tuy nhiên, tính đến ngày 14/9, số lượng người nộp hồ sơ hưởng thất nghiệp không nhiều như đợt dịch đầu tiên”, ông Thành thông tin.
Thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng có hơn 20.000 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền phải chi là 328 tỷ đồng.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động giới thiệu việc làm của Trung tâm DVVL TP Đà Nẵng giảm đi (chỉ tổ chức được 15 phiên giao dịch việc làm). Số người thất nghiệp được giới thiệu việc làm là 614 người chiếm 2,7% số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ngành khách sạn du lịch có số lao động thất nghiệp lớn nhất
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng (Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng), dịch Covid-19 tác động tới nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Trong đó, lao động ngành nghề có nhiều lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp là khách sạn - du lịch (5.046 người), tiếp sau là lao động các ngành may - giày da - duyệt nhuộm - thời trang (1.257 người), điện - điện tử - điện lạnh - lắp ráp điện tử - tự động hóa (1.147 người), xây dựng - gỗ - kiến trúc - trang trí nội thất (893 người), giáo dục (758 người)…
“Nguyên nhân số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng chủ yếu do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, thu hẹp sản sản xuất kinh”, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng (Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng) cho biết thêm.