5 điều nên làm khi gặp câu hỏi “Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?”

(Dân trí) - Trong các buổi phỏng vấn, các nhà tuyển dụng thường hỏi những câu hỏi “oái oăm” để đánh giá sự nhanh nhạy, thông minh, thái độ và sự trung thực của bạn.

5 điều nên làm khi gặp câu hỏi “Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?” - 1

Câu hỏi “ Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?” chính là dạng câu hỏi như thế. Gặp trường hợp này, đa số các bạn đều mất bình tĩnh dẫn đến trả lời thiếu khôn ngoan , phô bày những khiếm khuyết của mình. Vậy nên làm thế nào để trả lời câu hỏi này một cách thật ấn tượng và ghi điểm trong mắt các nhà tuyển dụng? Dưới đây là một vài gợi ý dành cho bạn.

Giữ thái độ bình tĩnh

Trong bất cứ trường hợp nào, bạn phải giữ được tâm trạng bình tĩnh thì mới có thể nhanh nhạy để ứng xử. Đây thực chất chỉ là một cuộc nói chuyện để trao đổi quan điểm giữa hai người, bạn không cần phải đặt nặng vấn đề và gồng mình trả lời các câu hỏi. Sự bình tĩnh của bạn sẽ được các nhà tuyển dụng đánh giá rất cao, thể hiện bạn là một người có kinh nghiệm, xử lí tốt vấn đề, không hấp tấp, lo sợ, đây là điểm thuận lợi cho công việc sau này của bạn.

Thể hiện sự hứng thú khi trả lời câu hỏi

Bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng đều sẽ thích những ứng cử viên vui vẻ và thích thú với phần phỏng vấn của mình. Năng lượng tích cực từ bạn sẽ phần nào khiến các nhà tuyển dụng dễ tính và vui tươi hơn. Chính vì thế, hãy xem như đây là một cuộc trò chuyện thân mật giữa những người bạn và bạn chỉ đang kể về những khó khăn của mình và cần nhận lại những lời khuyên.

Phản ánh trung thực về bản thân

Hãy là chính bạn trong cuộc phỏng vấn và đừng ngần ngại khi nói về điểm yếu của mình. Sự trung thực và chân thành trong cách trả lời thể hiện bạn là một nhân viên tốt, xứng đáng được tin tưởng và giao những nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, bạn không nên quá thật thà đến mức thú nhận những điểm yếu ảnh hưởng đến công việc mà bạn đang ứng tuyển.

Nếu bạn ứng tuyển ngành thiết kế, đừng nói rằng bạn không thích vẽ tay, khô cằn, cứng nhắc, thiếu sự tỉ mỉ và tinh tế. Hoặc nếu bạn ứng tuyển ở vị trí kế toán, đừng dại nói ra nhược điểm của mình là kém tính toán, thiếu sự cẩn thận và chỉn chu. Đó là những đức tính nghề nghiệp, nếu bạn khai ra những điểm yếu đó thì ngay từ đầu bạn đừng nên đi phỏng vấn.

5 điều nên làm khi gặp câu hỏi “Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?” - 2

Đưa ra cách khắc phục điểm yếu

Hãy nhớ rằng, bất cứ ai cũng đều có những điểm yếu của riêng mình. Quan trọng là bạn biết nhận ra, khắc phục và hoàn thiện bản thân từng ngày. Sự cầu tiến đó sẽ được các nhà tuyển dụng đánh giá cao.

Ví dụ: “Tôi là một người cẩn thận, chu đáo và ham học hỏi. Tuy nhiên, điểm yếu của tôi là không có kĩ năng tin học tốt, nhưng tôi vẫn đang đến những trung tâm dạy tin học vào những buổi tối để hoàn thiện và nâng cao kĩ năng, hỗ trợ trong quá trình làm việc”.

Sự nhận ra khiếm khuyết của bản thân và cố gắng cải thiện từng ngày là một đức tính tốt, giúp công việc phát triển lâu dài về sau. Các nhà tuyển dụng sẽ vô cùng tiếc nếu muốn loại một nhân viên có những đức tính tốt như thế.

Biến tiêu cực thành tích cực

Hãy biến câu hỏi có vẻ hóc búa đó thành câu hỏi thể hiện điểm mạnh của bạn. Tuy rằng bạn có những điểm yếu về mặt này nhưng bù lại bạn lại có những ưu điểm vượt trội hơn. Như lật ngược ván cờ, những điểm mạnh đó sẽ làm các nhà tuyển dụng ấn tượng và những điểm yếu kia trở nên mờ nhạt.

Đối với câu hỏi phỏng vấn này của nhà tuyển dụng, nếu bạn chọn từ chối trả lời câu hỏi thì đó sẽ bị xem là một việc làm hoàn toàn sai và thậm chí bạn sẽ đánh mất cơ hội nhận được việc.

Từ chối trả lời câu hỏi đồng nghĩa với việc bạn thừa nhận rằng bạn có quá nhiều khuyết điểm hoặc bạn không có ý định sẽ cải thiện những khuyết điểm đó. Cách làm này còn thể hiện bạn là một con người hèn nhát, không dám đối diện với sự thật và cố gắng muốn che giấu con người bên trong mình. Thật sự, không ai muốn làm việc với những người như vậy.

Vì vậy, bạn cần phải trả lời câu hỏi này một cách thật khéo léo. Với những gợi ý trên đây, mong rằng bạn sẽ có được câu trả lời như ý.

Pha Lê