1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

4 điều dưỡng viên ra trường, chỉ 1 người có việc làm

Bên cạnh đại đa số các điều dưỡng có chuyên môn tốt, phong cách, tinh thần và thái độ phục vụ người bệnh tốt, vẫn còn một số điều dưỡng có thái độ chưa chuẩn mực, vẫn để xảy ra sai sót chuyên môn... gây mất niềm tin cho người bệnh. Đó là những nhận định được đưa ra tại Hội nghị điều dưỡng trưởng năm 2018 vừa được diễn ra tại Đà Nẵng.

Tại Hội nghị Điều dưỡng trưởng năm 2018 với chủ đề “Đổi mới chính sách điều dưỡng và dịch vụ chăm sóc hướng tới hài lòng người bệnh”, GS.TS Nguyễn Viết Tiến- Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế cho biết, trong những năm qua, công tác điều dưỡng, nữ hộ sinh đã đạt được nhiều thành tích quan trọng trên các lĩnh vực: Chính sách, hệ thống tổ chức, quản lý, đào tạo, thực hành và nghiên cứu khoa học. Chất lượng chăm sóc người bệnh đã có nhiều chuyển biến rõ rệt thông qua việc đổi mới các mô hình phân công chăm sóc, tổ chức chăm sóc người bệnh toàn diện, chuẩn hóa các kỹ thuật điều dưỡng.

Dịch vụ do người điều dưỡng, hộ sinh cung cấp ngày càng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân và nâng cao vị thế nghề nghiệp, hình ảnh của người Điều dưỡng-Hộ sinh.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế của đội ngũ điều dưỡng như chưa tiếp cận với trang thiết bị hiện đại, trình độ hạn chế trong xu thế hội nhập hiện nay; việc tự chủ tài chính khiến các bệnh viện hạn chế tuyển dụng nhân lực điều dưỡng khiến quá tải công tác chăm sóc…

Bên cạnh đó, ông Tiến cũng khẳng định, điều dưỡng - nữ hộ sinh là chuỗi mắt xích quan trọng trong quy trình khám, chữa bệnh. Trong hệ thống điều trị, các bác sĩ cho rằng việc mình là quan trọng là những người chưa sát với thực tế, chưa đánh giá đúng về chức năng, nhiệm vụ của ngươi điều dưỡng. Bác sỹ nếu có nổi tiếng thì cũng là nhờ công chăm sóc người bệnh của điều dưỡng.

Còn PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho rằng, công tác tiếp xúc đầu tiên với người bệnh là điều dưỡng. Theo nguyên lý y học gia đình điều dưỡng cũng là người tiếp xúc với bệnh nhân nhiều nhất. Tuy nhiên bên cạnh đại đa số các điều dưỡng có chuyên môn tốt, phong cách, tinh thần và thái độ phục vụ người bệnh tốt thì vẫn còn một số điều dưỡng có thái độ chưa chuẩn mực gây bức xúc cho người bệnh, một số điều dưỡng vẫn để xảy ra sai sót chuyên môn... gây mất niềm tin cho người bệnh.

Do đó, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho rằng cần phải đổi mới công tác điều dưỡng để thực hiện tốt 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện với mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm: an toàn và hài lòng người bệnh. Tiến tới hệ thống khám chữa bệnh không còn hạng bệnh viện như hạng 1, hạng 2, hạng 3 hiện nay mà chỉ còn bệnh viện chất lượng. Nếu đạt dược tiêu chí chất lượng JCI các hãng bảo hiểm sẽ ký kết để thu hút bệnh nhân. Bệnh viện nào chất lượng tốt, điều kiện chăm sóc chu đáo sẽ đông bệnh nhân.

Tại hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã đề nghị ngành y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh đổi mới về chính sách điều dưỡng, hệ thống quản lý điều dưỡng; Tăng cường số lượng và chất lượng nguồn nhân lực điều dưỡng, hộ sinh; Đổi mới phong cách thái độ phục vụ và cải tiến chất lượng chăm hướng tới sự hài lòng của người bệnh; Cập nhật, hoàn thiện quy trình chăm sóc người bệnh và tính chi phí thực hiện phù hợp.

Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện cả nước có trên 73.000 y bác sĩ làm trong công tác điều trị, gần 130.000 điều dưỡng, nữ hộ sinh công tác tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Tỷ lệ điều dưỡng -nữ hộ sinh/BS là 1,8. Tỷ số điều dưỡng trên 1 giường bệnh kế hoạch là 0,395 và giường bệnh thực kê là 0,304 thấp hơn rất nhiều so với quy định và các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên theo kết quả nghiên cứu của Cục Khoa học Công nghệ và đào tạo và Hội Điều dưỡng Việt Nam năm 2015 cứ 4 điều dưỡng ra trường thì chỉ có 1 điều dưỡng có cơ hội việc làm.

Theo Đức Trân/Báo Đại Đoàn kết