3 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất tại TPHCM
(Dân trí) - Các ngành kinh doanh - thương mại, dịch vụ cá nhân và nhân viên tư vấn là 3 ngành nghề có nhu cầu tuyển cao nhất của các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM.
Trong quý III/2024, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) đã tiến hành khảo sát tại 19.405 lượt doanh nghiệp cho thấy có nhu cầu tuyển dụng 71.778 chỗ làm việc.
Kết quả khảo sát cho thấy, thị trường lao động quý III/2024 sôi động hơn so với cùng kỳ năm 2023; nhu cầu nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành tăng 2,61% so với quý III/2023.
Trong đó, thống kê theo ngành kinh tế, nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại - dịch vụ với 52.871 chỗ làm việc, chiếm 73,66% tổng nhu cầu nhân lực (tăng 2,60% so với quý III/2023); khu vực công nghiệp - xây dựng với 18.060 chỗ làm việc, chiếm 25,16% (giảm 1,87% so với quý III năm 2023); khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với 847 chỗ làm việc chiếm 1,18% (tăng 5,95% so với quý III năm 2023).
Thống kê nhu cầu nhân lực theo ngành nghề cho thấy, ngành kinh doanh - thương mại vẫn đứng đầu nhu cầu tuyển dụng với 24.805 chỗ làm việc, chiếm 34,56% tổng nhu cầu (tăng 5,55% so với quý III năm 2023).
Ở ngành này, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tập trung ở các vị trí việc làm như: Nhân viên hỗ trợ kinh doanh; quản lý bán hàng; giám sát cửa hàng; chuyên viên kinh doanh; cộng tác viên bán hàng; nhân viên bán hàng; trưởng nhóm kinh doanh; nhân viên quầy hàng siêu thị...
Ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao thứ 2 trong quý là nhóm ngành dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ với 10.745 chỗ làm việc, chiếm 14,97% (tăng 18,61% so với quý III năm 2023).
Nhóm ngành này chủ yếu tập trung tuyển dụng lao động phổ thông ở các vị trí việc làm như: Nhân viên bảo vệ; phụ bếp; dọn dẹp vệ sinh; tạp vụ; giữ xe...
Ngành dịch vụ tư vấn, nghiên cứu khoa học và phát triển đứng thứ 3 trên bảng thống kê với nhu cầu tuyển dụng 6.001 chỗ làm việc, chiếm 8,36% (tăng 53,75% so với quý III năm 2023).
Ở ngành này, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tập trung ở các vị trí việc làm như: Nhân viên chăm sóc khách hàng; tư vấn khách hàng; tổng đài viên; nhân viên dịch vụ khách hàng...
Nhóm nghề dịch vụ du lịch - lưu trú và ăn uống tuy chỉ đứng thứ 4 với nhu cầu tuyển dụng 3.488 chỗ làm việc (chiếm 4,86% tổng nhu cầu tuyển dụng trong quý) nhưng đây là con số khá cao so với cùng kỳ năm ngoái. So với quý III/2023, nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành nghề này đã tăng 98,63%.
Nhóm ngành này chủ yếu tập trung tuyển dụng ở các vị trí việc làm như: Hướng dẫn viên du lịch; nhân viên nhà hàng - khách sạn; tư vấn đặt vé máy bay; điều phối tour du lịch...
Các vị trí thứ 4 đến thứ 9 lần lượt là các ngành: Kinh doanh quản lý tài sản - bất động sản; tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; kế toán - kiểm toán; hành chính - văn phòng - biên phiên dịch; cơ khí - tự động hóa; kỹ thuật điện - điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử.
Các ngành nghề này có nhu cầu tuyển dụng 2.000-3.000 vị trí việc làm/ngành trong quý III/2024.
Đặc biệt, nhóm ngành nghề tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm chỉ đứng thứ 5 trong danh sách với nhu cầu tuyển dụng 2.972 chỗ làm việc nhưng đây là con số rất cao so với cùng kỳ năm ngoái. So với quý III/2023, nhu cầu tuyển dụng ngành này đã tăng hơn 114%.
Nhu cầu tuyển dụng ngành này chủ yếu là các vị trí nhân viên như: Chuyên viên đầu tư và phân tích tài chính; quan hệ khách hàng cá nhân; giao dịch viên; tư vấn bảo hiểm; hỗ trợ tín dụng: kiểm soát tài chính; hỗ trợ thu hồi nợ, thẩm định tín dụng...