3 “bí kíp” để sếp cảm ơn nhân viên

Chúng ta thường xuyên nói 2 từ “cám ơn” đến mức gần như trở thành phản xạ, nhưng có phải như vậy là chúng ta đã biết cám ơn đúng cách?


Nguồn: Getty Images

Nguồn: Getty Images

Theo TS. Emiliana Simon-Thomas - chuyên gia nghiên cứu về hạnh phúc, Giám đốc khoa học tại Trung tâm UC Berkeley's Greater Good Science Center, những người làm sếp thường có xu hướng cảm thấy “Tôi không cần phải cảm ơn nhân viên vì tôi đã trả lương cho họ rồi”. Tuy nhiên, chỉ cần dành vài giây để cám ơn nhân viên đúng cách, nhà lãnh đạo có thể giúp họ cảm thấy hạnh phúc hơn và làm việc với năng suất cao hơn.

TS. Emiliana Simon-Thomas cho rằng chỉ với 3 bước đơn giản sau đây, nhà lãnh đạo sẽ tạo ra tác động tích cực nhất đến nhân viên thông qua hành động cám ơn ngỡ như rất đơn giản:

1. Lời cảm ơn phải xuất phát từ trái tim

Cách tốt nhất để nói lời cảm ơn là trực tiếp mặt đối mặt chứ không phải qua email, Twitter, bình luận trên Facebook hoặc trên một mẩu giấy ghi chú.

Khi nói “cảm ơn”, bạn phải đặt trái tim mình vào nó và nhìn thẳng vào mắt người được cám ơn, như thể không phải bạn đang đơn thuần là thốt ra hai từ cơ bản nhất mà là đang bày tỏ một lòng biết ơn chân thành.

3 “bí kíp” để sếp cảm ơn nhân viên - 2

2. Nói ra những điều khiến mình biết ơn

Hãy nói rõ những điều khiến bạn biết ơn, chẳng hạn như một thành tích, hành động hoặc thái độ cụ thể của nhân viên. Bởi vì đó chính là thời điểm hợp lý nhất để khen ngợi nhân viên và các đồng nghiệp về một điều gì đó mà họ đã làm và bạn muốn họ cũng như những người khác phát huy nhiều hơn nữa.

Hãy nói “cảm ơn vì X, Y, Z…”. Việc điền vào các ký tự “X”, “Y”, “Z” có vẻ như là một việc đơn giản, nhưng trên thực tế, các nhà lãnh đạo phải mất khá nhiều thời gian để học được điều này.

3. Kết nối lời cảm ơn với cách mà người được cảm ơn tác động đến bạn

Hãy nói cho người được cám ơn biết rằng anh/cô ấy đã mang đến những giá trị gì và đã tác động như thế nào đến bạn. Điều này không những củng cố mối quan hệ giữa sếp và nhân viên mà còn cho nhân viên thấy rằng vị sếp của mình thực sự biết ơn vì những giá trị mà họ đã đem lại cho công việc và cho cả tập thể nói chung.

Kết quả là, nhân viên sẽ cảm thấy mình là một phần quan trọng của công ty, tinh thần của họ sẽ phấn chấn hơn và dĩ nhiên họ sẽ làm việc với năng suất cao hơn.

Theo Doanh nhân Sài gòn