1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

3 băn khoăn về quy định LĐ nước ngoài phải đóng BHXH

Đó là ý kiến của các doanh nghiệp (DN) có sử dụng lao động (LĐ) nước ngoài tại Việt Nam tại Hội nghị lấy ý kiến về BHXH bắt buộc đốivới người lao động là công dân nước ngoài tại Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 26-5.

Theo lộ trình, tháng 1/2018, LĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam đủ 1 tháng trở lên, khi có các giấy tờ như giấy phép LĐ, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề đều thuộc diện áp dụng BHXH bắt buộc.

Ông Khuất Văn Trung, Phó Chủ tịch Tiểu ban nguồn Nhân lực và Đào tạo thuộc Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam-EUROCHAM, đại diện 850 DN châu Âu hoạt động tại Việt Nam, đánh giá số lượng LĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam hiện là 83.000 người. Trong đó LĐ đến từ châu Âu chiếm hơn 22%, riêng LĐ từ các quốc gia Bắc Âu - nơi có chính sách an sinh đối với LĐ hàng đầu thế giới, rất quan tâm đến vấn đề này.

Tuy nhiên, DN có sử dụng LĐ người nước ngoài vẫn còn băn khoăn chính sách BHXH bắt buộc đối với LĐ nước ngoài tại Việt Nam về cơ sở tính mức đóng BHXH được mở rộng bao gồm tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Cùng với đó, mức đóng BHXH, BHYT tăng khiến chi phí tham gia hai loại hình bảo hiểm này đối với người LĐ và cả người sử dụng LĐ sẽ thêm gánh nặng.

Theo đó, ông Trung kiến nghị đối với LĐ đã tới tuổi hưu và người đã tham gia bảo hiểm ở nước sở tại rồi thì không nên bắt buộc tham gia BHXH bắt buộc tại Việt Nam.

Ông Khuất Văn Trung kiến nghị nên cẩn trọng khi áp dụng BHXH đối với lao động nước ngoài. Ảnh: P.ĐIỀN
Ông Khuất Văn Trung kiến nghị nên cẩn trọng khi áp dụng BHXH đối với lao động nước ngoài. Ảnh: P.ĐIỀN

Bà Hồng Liên, đại diện Công ty TNHH Pouyen Việt Nam, cho biết hiện công ty sử dụng 1.400 LĐ người nước ngoài, hàng tháng các đơn vị thuộc Pouyen Việt Nam trả 17 tỉ đồng tiền lương và đóng 800 triệu đồng tiền BHXH cho các LĐ này.

"Công ty đã tham gia BHXH bắt buộc nhưng dịch vụ BHYT đi kèm còn hạn chế, như không có người phiên dịch khi người LĐ đến khám chữa bệnh, thủ tục còn rườm rà, chờ đợi lâu nên họ chưa mặn mà. Ngoài ra, khi giấy phép LĐ, visa hết hạn, người LĐ về nước thì sẽ giải quyết các chế độ như thế nào, có liên thông giữa các nước hay không. Cùng với đó, thủ tục giải quyết các chế độ như tai nạn lao động, thai sản, ốm đau, tử tuất, hưu trí, thất nghiệp có thuận tiện hay người LĐ phải đi lại nhiều lần để giải quyết" - bà Liên nêu ý kiến.

Bà Tống Thị Minh, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động - tiền lương - Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng các ý kiến của DN sử dụng LĐ người nước ngoài là xác đáng. Theo đó, cần phải xem xét, đánh giá thấu đáo xem người sử dụng LĐ và người LĐ nước ngoài có nhu cầu này hay không. Bên cạnh đó, cần đánh giá mức đóng BHXH tăng ảnh hưởng như thế nào đến chi phí DN.

Ngoài ra cũng cần tính đến ký kết thỏa thuận giữa các quốc gia về chính sách an sinh khi người LĐ quốc gia này đến quốc gia khác làm việc.

Theo Phong Điền/Báo PL TPHCM