1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

2 năm, 9.000 lao động ngành than mất việc

Ngành than đang đứng trước khó khăn do tồn kho lớn vì không tiêu thụ được. Đầu năm 2016, số lượng tồn lên đến gần 10 triệu tấn than sạch được xem là đáng báo động, ảnh hưởng tới việc giữ ổn định sản xuất và tăng trưởng của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

TKV không còn lựa chọn nào khác ngoài tái cơ cấu toàn ngành, đồng nghĩa với việc sẽ có hàng ngàn lao động buộc phải nghỉ, thôi việc và thuyên chuyển công việc khác...

Hơn 9.000 lao động bị cắt giảm

Do sản xuất và kinh doanh than trong những năm trở lại đây gặp nhiều khó khăn, lượng tồn kho cao đã khiến TKV duy trì sản lượng khai thác ở mức cầm chừng.

Trước bài toán về giá thành khai thác của TKV luôn cao, trong khi việc nhập khẩu than về tới các nhà máy tiêu thụ lại rẻ hơn rất nhiều và phong phú về nguồn hàng đã khiến tập đoàn này chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các đơn vị khác. Do không thể mãi độc quyền như trước đây, TKV đang “tăng tốc” đẩy mạnh việc tái cơ cấu trong các đơn vị thành viên, nhằm duy trì ổn định 4 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính gồm than, khoáng sản, điện và vật liệu nổ công nghiệp.


Thợ mỏ Quảng Ninh vào ca

Thợ mỏ Quảng Ninh vào ca

Theo lãnh đạo TKV, trước đó tập đoàn đã thực hiện việc tái cơ cấu (giai đoạn 2012-2015) như: Hoàn thiện cơ chế quản lý, quản trị doanh nghiệp (DN); sắp xếp, giảm các đầu mối, tinh gọn bộ máy quản lý; thoái vốn, cổ phần hóa hàng loạt DN, hợp nhất các đầu mối, chuyển các Cty từ hai cấp thành một cấp; cơ cấu và định biên lao động các phòng ban đối với các đơn vị trực thuộc, tinh giản lao động quản lý, phụ trợ; hoàn thiện các quy chế quản lý nội bộ, tăng năng suất, giảm giá thành...

Tuy nhiên, do phát triển “nóng” đa ngành nghề từ hơn 10 năm về trước, nên TKV không tránh khỏi những hệ lụy phải giải quyết những tồn tại do sự “phình to” về số lượng các Cty dịch vụ vốn dĩ “sống nhờ” hòn than với một lượng lao động đông đảo tại những đơn vị này. Hiện tại, TKV đã có đội ngũ lên tới trên 11 vạn lao động, trong đó 8 vạn người liên quan trực tiếp tại Quảng Ninh.

Theo ông Lê Thanh Xuân - Chủ tịch Công đoàn TKV: Đứng trước khó khăn do tiêu thụ và thực hiện tái cơ cấu tập đoàn trong năm 2016, TKV yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiết giảm thêm 3.600 lao động chủ yếu làm công tác quản lý, phục vụ và phụ trợ. Trước đó trong năm 2015, ngành than đã giảm 5.656 lao động.

Thừa thầy, thiếu thợ

Tuy dư thừa hàng nghìn lao động làm công việc quản lý, phụ trợ, phục vụ, nhưng một thực tế là trong nhiều năm qua, TKV luôn thiếu hàng nghìn lao động là thợ lò trong các hầm mỏ. Việc tuyển dụng lao động thợ lò được coi là vấn đề trọng yếu, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất than. “Con số tuyển sinh và đào tạo thợ lò của Trường Cao đẳng nghề Than - Khoáng sản Việt Nam hằng năm luôn không đạt đủ như chỉ tiêu. 3 năm qua, trường chỉ tuyển được hơn 80% kế hoạch” - ông Ngô Văn Tung - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Than - Khoáng sản - cho biết.

Nhiều năm qua, TKV đã ra sức tuyển dụng lao động ở những vùng sâu, vùng xa và luôn tạo điều kiện tốt nhất, như: Miễn phí toàn bộ tiền học, ăn ở, đi lại và sẽ nhận làm việc ngay ở bất cứ Cty khai thác nào trong ngành (theo lựa chọn của học viên), nhưng xem ra việc tìm nguồn lao động thợ lò là không hề đơn giản!

Theo đại diện trường đào tạo nghề TKV: Tỉ lệ thợ lò bỏ việc trong quá trình học hay làm việc tại các đơn vị sản xuất hằng năm luôn cao. Nhiều người do nghe và xem các thông tin về các vụ TNLĐ xảy ra ở các mỏ đã lo sợ đến sự an toàn bản thân, nên bỏ nghề.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, lãnh đạo Cty than Núi Béo cho biết năm 2015, đơn vị này đã cắt giảm 210 lao động do thực hiện việc chuyển đổi khai thác từ lộ thiên sang khai thác hoàn toàn bằng hầm lò vào giữa năm 2017. Để có 500 thợ lò chuẩn bị cho sản xuất, đến nay đơn vị mới chỉ tuyển dụng được 1/5 con số nêu trên.

Theo Báo Lao động