18 tuổi đã có thu nhập 250 triệu đồng mỗi tháng
(Dân trí) - 13 tuổi, Thảo Nhi bén duyên với tranh khảm khi nhiều bạn bè vẫn phải chờ cha mẹ đưa đón đi học. 5 năm sau, Nhi mở 2 cửa hàng tranh khảm với 10 nhân viên, thu nhập có khi 250 triệu đồng/tháng.
Sinh ra trong 1 gia đình có mẹ từng là giảng viên mỹ thuật, từ bé Trần Đình Thảo Nhi (sinh năm 2005, TPHCM) đã được tiếp cận bộ môn DIY (do-it-yourself - tự mình làm lấy) từ khi còn là học sinh tiểu học. Thông qua bộ môn này, Nhi có thể tự tay chế nhiều sản phẩm phục vụ bản thân và gia đình từ những đồ vật cũ, hỏng.
Năm 13 tuổi, Nhi thấy bản thân có niềm đam mê đặc biệt với những vật dụng bằng gốm và gỗ nên quyết tâm tìm hiểu và tự sáng tạo ra những sản phẩm từ gốm. Nhi cũng thông báo với gia đình sẽ chính thức khởi nghiệp với tranh khảm khiến không ít người thân lo sợ cô bé sẽ bỏ học để kiếm tiền.
"Khoảng thời gian đó, Nhi dường như rất chông chênh giữa hai sự lựa chọn. Một là tập trung cho việc học và tạm gác lại đam mê, hai là vừa học vừa thực hiện đam mê của mình", Thảo Nhi kể lại.
Khi cô nàng đang băn khoăn, một người anh đã động viên rằng: "Em rất có tiềm năng, anh biết em có thể làm được những gì mình thích, hãy cứ làm những gì mà em muốn làm, đừng để bản thân phải nuối tiếc".
Câu nói tuy ngắn gọn nhưng khiến Nhi thức trắng cả đêm suy nghĩ rồi quyết tâm dấn thân theo đuổi bộ môn nghệ thuật đầy chông gai.
Chỉ khoảng một tháng sau khi khởi nghiệp, Thảo Nhi đã chốt thành công đơn hàng đầu tiên là 200 con cá làm bằng gốm với giá trị 7 triệu đồng. Dần dần, nhiều người biết đến Thảo Nhi và số lượng đơn hàng đặt ngày càng nhiều khiến thu nhập từ 0 đồng lên đến hàng chục triệu đồng rồi lên hàng trăm triệu chỉ trong vài năm.
Thảo Nhi cho biết, nguyên liệu của tranh khảm thường là những viên đá thủy tinh màu, đá tự nhiên, gạch thảm mosaic… Để tạo nên 1 bức tranh khảm đá hoàn chỉnh, có 5 công đoạn, từ phác thảo, phối màu, bấm và ghép các mảnh thủy tinh màu, dán các miếng thép và hoàn thiện.
Công đoạn khó nhất là phối màu và ghép các mảnh thủy tinh sao cho thích hợp với nhau về đường nét lẫn tông màu. Mỗi bức tranh khảm có độ bền lên đến vài chục năm. Những bức tranh lớn Nhi phải huy động 5 - 10 người làm trong thời gian nhiều ngày.
Hai năm trước, thừa thắng xông lên, 2 cửa hàng làm gốm và làm tranh khảm của Nhi đã ra đời trong sự ngỡ ngàng của cả gia đình. Ngay chính Thảo Nhi cũng không thể tin bản thân có thể làm được việc đó trước năm 18 tuổi.
"Khó khăn mà mình gặp phải khi mới mở shop là về vấn đề marketing. Lúc đó mình còn non nớt, nên phải tự mày mò và nhờ tư vấn của người quen. Đó là khoảng thời gian cực nhất nhưng cũng là một trải nghiệm thú vị. Nhờ đó mà mình có cơ hội ứng dụng những gì đã học, kiến thức đọc trong sách, hay là những ý tưởng về hình ảnh vào thực tế", Thảo Nhi nói.
Tại hai cửa hàng sẽ có workshop (hội thảo, trải nghiệm - PV) về tranh khảm và gốm, các hoạt động cho thiếu nhi và không gian khắc gỗ. Ngoài ra còn có mảng kinh doanh khác như nhận thi công tranh mosaic (tranh thảm) cho các công trình.
Mỗi tháng doanh thu từ 2 studio và hoạt động thi công tranh mosaic đem lại cho Nhi khoảng 250 triệu đồng. Con số này không chỉ đáng ngưỡng mộ so với một học sinh cấp 3 mà còn khá ổn định so với các cửa hàng kinh doanh quy mô nhỏ. Ngoài ra, Nhi còn đang tạo công ăn việc làm cho 10 nhân viên với thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.
Chia sẻ về bí quyết khởi nghiệp, Nhi chỉ cười tự nhận bản thân "đã có nhiều may mắn". Tuy nhiên, cô cũng mong những người trẻ hãy dám nghĩ, dám làm, nỗ lực theo đuổi đam mê bằng tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Hiện tại, dù lợi nhuận chưa đạt như mong muốn nhưng Nhi tin với sự cố gắng của mình, mơ ước sẽ sớm thành hiện thực.