1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

11 thủ thuật giúp nâng tầm ứng viên

Khi đã có trình độ chuyên môn tốt và một sơ yếu lý lịch “hoành tráng”, điều còn lại giúp bạn nhanh chóng “hạ gục” nhà tuyển dụng chính là những thủ thuật khi tham gia phỏng vấn.

11 thủ thuật giúp nâng tầm ứng viên - 1

Không phải ai cũng có năng lực bẩm sinh trong việc chiếm được cảm tình và sự đánh giá cao từ nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn. Dưới đây là 11 thủ thuật khá khó nhằn nhưng sẽ giúp ứng viên “nâng cấp” bản thân lên một mức độ chuyên nghiệp cao hơn, theo Business Insider:

1. Chuẩn bị tinh thần tốt

Hãy hít thở thật sâu và duy trì một tinh thần tốt bằng cách nghĩ đến khả năng thành công và sẵn sàng với tâm thế rằng, bị từ chối cũng là một khả năng nhưng không phải là điều không thể tránh khỏi.

2. Chuẩn bị trước những câu hỏi hay

Câu hỏi hay là những câu hỏi chứng minh kiến thức và sự quan tâm, khả năng gắn kết của bạn đối với công việc. Ngay lập tức nghĩ ra câu hỏi hay trong buổi phỏng vấn không phải là việc dễ dàng, vì vậy, bạn có thể viết ra những câu hỏi và luyện tập cách đặt câu hỏi trước khi tham gia phỏng vấn.

3. Phá vỡ “tảng băng” khi bắt đầu trò chuyện

Buổi phỏng vấn xin việc thường được bắt đầu với một bầu không khí khá… đáng sợ, nên bạn phải tìm cách làm cho nó trở nên dễ chịu hơn. Điều quan trọng là phải khiến nhà tuyển dụng cảm thấy bạn đang dồn hết tâm trí cho họ.

Bạn có thể tham khảo trước các bài viết của họ trên diễn đàn hoặc các phương tiện truyền thông xã hội của công ty để có chủ đề trao đổi “ngoài lề”.

4. Trao đổi cởi mở về những khuyết điểm của bản thân

Khi được hỏi về điểm yếu lớn nhất, một trong những cách trả lời tốt nhất là xác định điểm yếu đó và mô tả cách mà bạn đã hoặc đang thực hiện để khắc phục nó.

5. Duy trì ngôn ngữ cơ thể tích cực

Các biểu hiện như vai thõng xuống, ánh mắt đảo liên tục khiến bạn trở nên vụng về hoặc tệ hơn là giống như một… kẻ lừa đảo. Do đó, hãy luôn duy trì các ngôn ngữ cơ thể chứng tỏ sự tự tin.

6. Tìm hiểu trước các vấn đề liên quan đến tiền bạc

Tiền bạc là một chủ đề khá nhạy cảm và dễ dẫn đến tình huống khó xử nhất trong buổi phỏng vấn. Để không bị lúng túng khi trao đổi các vấn đề có liên quan đến lương thưởng, hãy chuẩn bị trước bằng cách “định giá” đúng bản thân và tham khảo kỹ lưỡng mức lương thưởng trên thị trường. Hãy đảm bảo bản thân luôn trung thực và mềm dẻo khi bàn đến vấn đề tiền bạc.

7. Chậm rãi

Trao đổi một cách bình tĩnh và chậm rãi là một chiến lược đặc biệt hợp lý đối với các ứng viên nhút nhát, giúp người phỏng vấn thấy rằng ứng viên đó đang thực sự xem xét kỹ lưỡng mỗi khi đưa ra một câu trả lời. Sự trao đổi vội vàng có thể khiến bạn không nghe kịp câu hỏi và càng căng thẳng hơn.

8. Tập trung

Khi quá hồi hộp hoặc gặp nhà tuyển dụng thiếu kinh nghiệm, bạn dễ bị “trật đường ray” trong buổi trò chuyện. Thay vì chứng minh giá trị có thể đem lại cho tổ chức, bạn lại “lảm nhảm” về lịch sử nghề nghiệp của mình. Do đó, hãy giữ sự tập trung tối đa giống như đang bảo vệ một luận án và bám sát chủ đề “Tại sao tôi lại phù hợp với công việc này?”.

9. Trung thực khi được hỏi về động lực làm việc

Câu hỏi này đơn giản đến mức rất khó để có được câu trả lời hợp lý, vì ứng viên thường không muốn câu trả lời của họ nghe có vẻ rập khuôn hoặc giả dối. Bí quyết ở đây là, đừng suy nghĩ quá xa vời, hãy đưa ra câu trả lời mang tính thực tế và lạc quan.

10. Hỏi về những bước tiếp theo

Những ứng viên căng thẳng hoặc mới bắt đầu xin việc thường cảm thấy khó khăn khi muốn hỏi về những bước tiếp theo sau buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, đây lại là một động thái giúp nhà tuyển dụng thấy rằng bạn thực sự có thái độ nghiêm túc với công việc.

11. Gửi thư cảm ơn

Sau khi kết thúc buổi phỏng vấn, ứng viên có xu hướng cảm thấy nhẹ nhõm đến mức quên đi một bước quan trọng là gửi thư cảm ơn nhà tuyển dụng, trong khi đây lại là việc làm chứng tỏ sự quan tâm của họ đối với công việc. Đừng quên gửi email cảm ơn trong vòng 24 giờ sau khi phỏng vấn, vì việc này đôi khi giúp bạn thay đổi quyết định từ chối của nhà tuyển dụng.

Theo Bích Trâm/Doanh nhân Sài gòn