Kon Tum:

11 năm trồng cao su, bất đắc dĩ thu... củi

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Gần 11 năm trước, Công ty cao su tỉnh Kon Tum liên kết với người dân trồng cây nguyên liệu. Đến nay, nhiều diện tích cao su đang được công ty bán cây theo giá thu mua củi.

Vào khoảng năm 2019, Nông trường cao su Tân Hưng thuộc Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum liên kết với người dân TP Kon Tum trồng cao su trên tổng diện tích khoảng hơn 255ha.

Người dân có đất sản xuất, còn công ty đầu tư giống và phân bón, công chăm sóc. Lợi nhuận từ mủ cao su, người dân thụ hưởng khoảng 49,7%. 

Hơn 11 năm từ bản thỏa thuận hợp tác, đến nay, nhiều vị trí vườn cao su chưa được thu hoạch, số khác năng suất kém. Lợi nhuận từ hơn 255ha cao su được đánh giá là rất ít ỏi.

11 năm trồng cao su, bất đắc dĩ thu... củi - 1

Vườn cao su của ông A H'Ni đã trồng hơn 11 năm nhưng vẫn chưa thể thu hoạch, lãng phí đất sản xuất (Ảnh: Phạm Hoàng).

Ông H'Ni (xã Ia Chim, TP Kon Tum) cho biết, gia đình ông đã giao mảnh vườn rộng khoảng 1,5ha để hợp tác trồng cao su. Công ty hứa hẹn trong khoảng 5 năm, cao su cho mủ thì cùng chia lợi nhuận.

"Tôi cũng mong muốn công ty sớm đưa ra giải pháp để giải quyết tình trạng trên, đồng thời trả lại đất cho người dân canh tác, trồng hoa màu. Đã 11 năm qua đất đai, vườn nhà bị lãng phí", ông H'Ni cho hay. 

Tương tự, ông A Lip (xã Ia Chim) cũng đã nhiều lần kiến nghị về việc trồng cao su cho năng suất kém, mong công ty hợp tác có biện pháp thanh lý cây cao su, trả đất lại cho dân để canh tác loại cây trồng khác phù hợp hơn.

11 năm trồng cao su, bất đắc dĩ thu... củi - 2

Người dân mong muốn thu lại đất để canh tác hoa màu (Ảnh: Phạm Hoàng).

Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, ông Ngô Thanh Mân - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum - cho biết: "Từ nhiều năm trước, công ty đã liên kết với người dân trồng cao su. Tuy nhiên do thổ nhưỡng, khí hậu nên nhiều vườn cao su kém phát triển, không đủ điều kiện đưa vào khai thác".

Qua kiểm tra, doanh nghiệp xác định Nông trường cao su Tân Hưng có hơn 23ha cây cao su kém phát triển và không thể đưa vào khai thác hoặc khai thác kém năng suất. Tương tự, tại xã Ia Hneng, có hơn 40ha cao su còi.

Công ty đã báo cáo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và đang chờ Tập đoàn chỉ đạo hướng giải quyết.

11 năm trồng cao su, bất đắc dĩ thu... củi - 3

Nông trường cao su Tân Hưng đang chờ chỉ đạo của công ty mẹ về hướng giải quyết diện tích rừng nguyên liệu kém năng suất ở Kon Tum (Ảnh: Phạm Hoàng).

Để tạo việc làm và thu nhập cho các hộ liên kết có vườn cây không đủ điều kiện đưa vào khai thác, Nông trường cao su Tân Hưng bố trí cho lao động tại các hộ này đi cạo mủ ở các vườn cây khác nhưng người dân không tán thành.

"Chúng tôi đang kiểm đếm, lập hồ sơ gửi Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, để có căn cứ quyết định việc bán đấu giá diện tích cao su kém chất lượng này để thu củi. Số tiền thu được sẽ chia cho các hộ bị ảnh hưởng, còn đất trả lại cho người dân canh tác", ông Mân cho hay.