Vỡ mộng sau hàng chục năm trồng "cây tỷ đô", người dân chặt bỏ

Trần Lê

(Dân trí) - Sau hàng chục năm trồng mắc ca với niềm tin ban đầu là "cây tỷ đô" nhưng hiệu quả kinh tế thực tế mang lại không cao, người dân nhiều nơi đã chặt bỏ.

Trồng 7 năm, chưa bán được cân quả nào

Thực tế cho thấy, qua hơn 10 năm tham gia, hầu hết các mô hình trồng cây mắc ca tại nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa không cho hiệu quả kinh tế. Nhiều nơi, người trồng mắc ca đã chặt bỏ, chuyển đổi cây trồng.

Là một trong những hộ gia đình tham gia mô hình thâm canh cây mắc ca, anh Đặng Đình Hải, Bí thư Chi bộ thôn Điền Trạch, xã Thọ Lâm cho biết, gia đình anh trồng hơn 100 cây "tỷ đô" này từ 2015.

Vỡ mộng sau hàng chục năm trồng cây tỷ đô, người dân chặt bỏ - 1

Tại xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân có 10 hộ đăng ký tham gia mô hình trồng thâm canh cây mắc ca trên diện tích 4,5 ha từ năm 2015.

Theo anh Hải, dù cây mắc ca của gia đình anh đã thu hoạch được mấy mùa nhưng cũng chỉ để phục vụ trong gia đình, không có sản phẩm để bán. Do không có hiệu quả nên anh Hải cũng bỏ mặc vườn mắc ca của mình.

"Cây ra hoa rất nhiều nhưng quả đậu rất ít. Từ ngày trồng, tôi chưa bán được cân quả nào và cũng không chăm sóc gì, cứ để đấy", anh Hải chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Long, ở thôn Tân Phúc, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Thọ Lâm, là một trong những người được đi tham quan mô hình trồng mắc ca tại một số địa phương khác. Sau khi tham quan về, gia đình ông Long đã đầu tư trồng 800 cây mắc ca trên diện tích 2ha.

"Lúc đó cán bộ nói "cây tỷ đô" nghe ác chiến lắm, ai cũng máu trồng cả, huyện tổ chức đoàn đi tham quan ở Ba Vì. Đi tham quan về trồng phấn khởi lắm, dễ trồng, không phải tưới tắm gì cả. Hoa thì bạt ngàn nhưng không có quả", ông Long cho biết.

Có 800 cây ban đầu trồng mà không cho năng suất, gần như chưa có sản phẩm để bán, gia đình ông Long đã chặt bỏ. Hiện mô hình của gia đình ông chỉ còn khoảng 100 cây mắc ca.

Theo ông Phạm Đăng Cường, Phó chủ tịch UBND xã Thọ Lâm, trên địa bàn xã triển khai mô hình mắc ca từ 2015. Ban đầu có 10 hộ đăng ký tham gia với diện tích 4,5 ha. Tuy nhiên, cây ra hoa nhưng không đậu quả nên người trồng đã chặt bỏ để chuyển sang trồng cây có múi. Hiện tại, chỉ còn 3 hộ duy trì một số ít diện tích mắc ca.  

"Chương trình của Trung tâm khuyến nông tỉnh hỗ trợ 100% cây giống, công tác tham quan, học tập, các hộ chỉ mất kinh phí vận chuyển cây giống về. Năng suất không cao, năm 2021, cây mắc ca ra hoa không đậu, thấy các hộ tự ý chặt, chúng tôi đã vào đề nghị số còn lại không chặt bỏ vì đây là diện tích thí điểm trên địa bàn để xem hiệu quả kinh tế như thế nào", ông Cường cho biết.

Vỡ mộng sau hàng chục năm trồng cây tỷ đô, người dân chặt bỏ - 2

Phần lớn diện tích mắc ca trồng thí điểm tại xã Thọ Lâm đã được chặt bỏ, chỉ còn lại một số ít nhưng hiệu quả kinh tế gần như không có.

Bà Lê Thị Dung, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thọ Xuân cho biết, năm 2015, Trung tâm khuyến nông tỉnh Thanh Hóa trực tiếp làm mô hình trồng cây mắc ca, chuyển về Trạm khuyến nông huyện thực hiện trên địa bàn xã Thọ Lâm.

Tuy nhiên, đến thời điểm cây ra hoa, gặp điều kiện thời tiết lạnh, mưa rét nên gần như toàn bộ diện tích không cho hiệu quả. Đến nay, do không phù hợp với điều kiện khí hậu nên một số hộ đã chuyển đổi sang cây trồng khác. So với cây mắc ca, nhiều cây ăn quả có múi hiệu quả hơn.

Mặc dù là người phụ trách mảng nông nghiệp, trong khi đó, chính quyền, ngành nông nghiệp khẳng định và thực tế trên địa bàn có hàng chục hộ dân tham gia mô hình nhưng khi được hỏi, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân khẳng định "trên địa bàn huyện này không có cây mắc ca nào".

"Thọ Xuân không có cây mắc ca nào cả. Cây này không phù hợp với đồng đất Thọ Xuân nên huyện không trồng một cây nào cả. Tôi phụ trách mảng này (mảng nông nghiệp-PV), tôi khẳng định không có cây mắc ca nào", ông Dũng nói.

Cây mắc ca không nằm trong quy hoạch 

Ngày 13/4 vừa qua, Trung tâm khuyến nông, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo đánh giá thực trạng mô hình trồng thâm canh cây mắc ca năm 2015.

Theo đó, Trung tâm khuyến nông Thanh Hóa phối hợp với Trạm khuyến nông các huyện (nay là Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện) triển khai mô hình: "Trồng rừng thâm canh cây mắc ca" tại 8 điểm thuộc các huyện: Như Thanh, Hà Trung, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Yên Định, Thạch Thành…; quy mô 36 ha (4,5ha/điểm), với 80 hộ dân tham gia (10 hộ/điểm).

Tuy nhiên, đến thời điểm này, tại các điểm, hầu hết người dân đã chặt bỏ cây mắc ca. Phần lớn các điểm mô hình chỉ còn một vài hộ còn duy trì với diện tích nhỏ lẻ. Riêng tại xã Yên Lâm, huyện Yên Định toàn bộ 10 hộ tham gia mô hình đã "xóa sổ" cây mắc ca.

Theo đánh giá của Trung tâm khuyến nông Thanh Hóa, "cây tỷ đô" không chỉ năng suất kém mà sản phẩm làm ra chủ yếu bán lẻ, manh mún trong vùng, tự cung, tự cấp cho gia đình, chưa có điểm thu mua nên hầu hết các hộ dân đã chặt bỏ, chuyển đổi cây trồng khác.

Nguyên nhân, theo Trung tâm khuyến nông Thanh Hóa, là do thông tin cây mắc ca không nằm trong quy hoạch vùng trồng tại địa phương nên gây hoang mang cho người dân; không có đầu ra ổn định, có hộ nằm trong vùng quy hoạch nên đã chặt bỏ…

Vỡ mộng sau hàng chục năm trồng cây tỷ đô, người dân chặt bỏ - 3

Anh Hoàng Văn Hải, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Tân Phúc, xã Thọ Lâm chỉ còn để lại 4 cây mắc ca trong vườn.

Ông Nguyễn Đức Thuận - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 65 ha cây mắc ca, rải rác ở một số huyện. Cây trồng nhỏ lẻ, nơi tiêu thụ sản phẩm không có, người dân chặt bỏ đi. Ngành nông nghiệp chưa có chỉ đạo về cây mắc ca, toàn bộ là do người dân tự phát trồng, tỉnh Thanh Hóa chưa đưa vào quy hoạch.

Nói về vai trò của ngành nông nghiệp, theo ông Thuận, ngành đang đề nghị các huyện báo cáo số liệu, đánh giá hiệu quả và sự phù hợp của cây mắc ca, sau đó đề xuất các ngành liên quan để có định hướng trong thời gian tới.

Qua trao đổi, chính quyền một số địa phương và ngành chức năng cho biết vẫn thường xuyên quan tâm, hướng dẫn người dân. Tuy nhiên, dù đã hơn 10 năm kể từ khi cây mắc ca được trồng khảo nghiệm tại Thanh Hóa nhưng số liệu về diện tích thực tế theo báo cáo của các đơn vị lại chưa có sự thống nhất, lãnh đạo phụ trách không nắm rõ. Khi các địa phương, các ngành còn loay hoay với những chỉ đạo, rà soát… thì người trồng mắc ca đành "tự bơi" với mô hình của mình.