11 điều ứng viên bỏ qua nhưng là nguyên nhân trượt phỏng vấn

Đối với một dịp quan trọng như phỏng vấn tuyển dụng, sự cẩn thận và dự đoán trước các tình huống có thể xảy ra sẽ không thừa chút nào.

Chắc hẳn trước khi tham gia một buổi phỏng vấn xin việc nào đó, bạn đã đọc được hàng tá những lời khuyên phổ biến như đến đúng giờ, trang phục lịch sự… Nhưng hãy dành thời gian đọc 11 điều dưới đây - những thứ ít được để ý đến nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến kết quả phỏng vấn của bạn.

11 điều ứng viên bỏ qua nhưng là nguyên nhân trượt phỏng vấn - 1

Ảnh minh hoạ

11. Thời tiết vào ngày đi phỏng vấn

Một nghiên cứu của tiến sĩ Donald Redelmeier và Simon D. Baxter từ ĐH Toronto (Canada) đã chứng minh rằng thời tiết ảnh hưởng nhất định đến kết quả của các sự kiện quan trọng. Vì vậy, nó cũng có thể ảnh hưởng đến cả người đi phỏng vấn và nhà tuyển dụng.

Có những người có trạng thái tinh thần hoặc cảm xúc phụ thuộc vào thời tiết, cho nên nếu trời mưa, họ sẽ ít chú ý hơn hoặc thậm chí cáu kỉnh. Nếu có thể, bạn nên sắp xếp một cuộc phỏng vấn xin việc vào ngày được dự báo thời tiết tốt.

10. Thời gian đến buổi phỏng vấn

Các chuyên gia nói rằng đến sớm vào buổi phỏng vấn là một ý tưởng hay để ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Thế nhưng nếu đến quá sớm, bạn sẽ giảm cơ hội nhận được công việc! Lí do bởi nhà tuyển dụng có thể nghĩ rằng bạn cảm thấy quá lo lắng hoặc cố gắng gây áp lực cho họ. Vì vậy, chúng ta chỉ nên đến sớm hơn 10-15 phút trước khi buổi phỏng vấn bắt đầu. Nếu vô tình đến sớm hơn khoảng thời gian trên, bạn có thể đợi bên ngoài văn phòng một chút nhé.

9. Vị trí của bạn khi xếp hàng chờ phỏng vấn

Đừng nên là người đầu tiên trong dòng người xếp hàng chờ phỏng vấn. Các nhà tuyển dụng trong tiềm thức luôn so sánh từng ứng viên với người trước đó, và người đầu tiên là cột mốc khởi đầu. Điều đó có nghĩa là cơ hội của bạn sẽ mong manh hơn, vì bạn có dám chắc mình đều chiến thắng toàn diện trong mỗi lần bị đem ra "cân đo đong đếm", hay nếu bị "soi" nhiều thì khuyết điểm càng lộ rõ?

Nhưng bạn cũng không nên là người cuối cùng trong hàng. Có một hiện tượng được gọi là sự mệt mỏi khi quyết định (decision fatigue), xuất hiện sau khi phải đưa ra hàng loạt những quyết định nối tiếp nhau. Nếu là người cuối cùng đến phỏng vấn (vào cuối ngày làm việc chẳng hạn), bạn có thể bị đánh giá không trọn vẹn năng lực và phong thái của mình.

8. Màu sắc trang phục của bạn

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực Nhân sự, tốt nhất bạn nên đến một cuộc phỏng vấn trong bộ trang phục với màu sắc hơi cổ điển như đen, xanh hoặc nâu. Đừng mặc quần áo có màu sắc quá nổi bật. Sự sáng tạo và tỏa sáng của bạn chỉ nên được thể hiện khi cần thiết.

7. Vị trí mà bạn ngồi

Khi được mời vào chỗ ngồi, đừng ngại di chuyển chiếc ghế theo cách bạn muốn. Điều này cho nhà tuyển dụng thấy rằng họ được làm việc với một người tự tin, chủ động và sẽ làm tăng cơ hội nhận được việc của bạn.

6. Lời đáp khi được mời dùng nước

Theo quyển sách "Crazy Good Interviewing: Crazy Good Interviewing: How Acting A Little Crazy Can Get You The Job", nếu bạn được mời một tách cà phê hoặc trà trong buổi phỏng vấn, hành vi của bạn sẽ phải phụ thuộc vào tình huống. Nếu nhà quản lí mời một cách thân mật, có thể việc nhận lời mời hoàn toàn ổn. Tuy nhiên nếu đó là chuyên viên tuyển dụng ngỏ lời thì phần lớn chỉ là xã giao. Bạn nên từ chối để họ đỡ phải lãng phí thời gian để pha nước.

5. Vị trí bàn tay của bạn khi phỏng vấn

Động tác tay nhẹ nhàng, phù hợp sẽ làm cho buổi phỏng vấn của bạn sinh động hơn và ảnh hưởng tích cực đến buổi phỏng vấn. Lòng bàn tay mở cho thấy bạn chân thành. Nếu lòng bàn tay của bạn úp xuống, chúng thể hiện sự thống trị, đó là một đặc điểm tốt nếu bạn đang ứng tuyển vào vị trí quản lý. Nếu bạn giấu tay (bỏ tay vào túi chẳng hạn), trong tiềm thức nhà tuyển dụng có thể nghĩ rằng bạn đang che giấu điều gì đó. Nếu bạn đặt tay lên ngực - vị trí của sự phòng thủ, cho thấy nỗi thất vọng hoặc bất đồng, điều đó sẽ không tốt đâu.

4. Giọng nói của bạn

Theo NPR, nghe có vẻ đáng ngạc nhiên nhưng trong tương lai gần, một số công ty Mỹ sẽ có thể áp dụng trí thông minh nhân tạo để xác định liệu một ứng viên có phù hợp với công việc hay không, và tất cả chỉ bằng cách đánh giá giọng nói.

Họ sẽ ước tính sức hấp dẫn của giọng nói, chất giọng đó có bình tĩnh hay không. Thật không may, một số nhà tuyển dụng cho rằng chất giọng nước ngoài hay giọng khác vùng miền là một nhược điểm. Họ nghĩ rằng một người có giọng nói như vậy không phù hợp với vị trí quản lý. Điều này khá bất công nhưng tốt nhất chúng ta cũng nên lưu ý.

3. Liệu bạn có đổ mồ hôi nhiều?

Đổ mồ hôi có nghĩa là bạn cảm thấy thực sự lo lắng. Mẹo nhỏ đây: hãy xin một ly nước trong lúc chờ phỏng vấn. Bằng cách này, nhiệt độ cơ thể của bạn sẽ giảm xuống và bạn sẽ ngừng đổ nhiều mồ hôi.

2. Thái độ của bạn đối với người khác

Thái độ của bạn đối với mọi người xung quanh, từ đối thủ đến nhân viên lễ tân, sẽ thể hiện con người bạn rõ hơn nhiều so với CV. Vì vậy, hãy lịch sự với mọi người và điều đó sẽ tăng cơ hội việc làm cho bạn.

1. Gửi email cảm ơn

Chờ đợi kết quả là một phần quan trọng của cuộc phỏng vấn. Bạn có thể gửi thư cảm ơn của mình trong vòng 24 giờ sau buổi phỏng vấn (nhớ đảm bảo việc gửi mail được thực hiện trong giờ làm việc). Nếu trì hoãn việc gửi thư, nhà tuyển dụng có thể nghĩ rằng bạn không quan tâm đến công việc hoặc họ sẽ quên đi ấn tượng về bạn một cách chóng vánh.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp/Helino