Chuyên gia tuyển dụng mách nước “bí kíp” dắt túi khi đi phỏng vấn xin việc

(Dân trí) - Ngoài việc trang bị kiến thức chuyên môn, các ứng viên cần tìm hiểu kỹ về vị trí định ứng tuyển. Thay vì đợi người tuyển dụng hỏi, các ứng viên nên chủ động giới thiệu về bản thân mình và vì sao mình phù hợp với vị trí công việc mà công ty đang tuyển.

Với sự nở rộ của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhu cầu tuyển dụng của các công ty, nhà máy ở Nghệ An là khá lớn.

Bên cạnh đó, các Phiên GDVL do Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp phối hợp tổ chức cung cấp cho ứng viên nhiều cơ hội.

Tuy nhiên, trên thực tế, dù được đào tạo bài bản, có chuyên môn tốt, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng nhưng nhiều ứng viên không nắm bắt được cơ hội việc làm vì vấp những lỗi sơ đẳng khi đi phỏng vấn.

Chia sẻ quan điểm về những sai sót trong phỏng vấn của ứng viên, ông Nguyễn Sỹ Linh - bộ phận nhân sự của một công ty liên doanh nước ngoài có trụ sở tại Khu công nghiệp Vsip Nghệ An, cho biết: “Khi xem xét hồ sơ, chúng tôi nhận thấy các ứng viên có trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ khá tốt. Tuy nhiên, trong quá trình phỏng vấn thì điều dễ nhận thấy là các bạn chưa thực sự tự tin về bản thân mình, nhà tuyển dụng hỏi gì, các bạn trả lời cái đó. Điều đó thực sự không gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng”.

Chuyên gia tuyển dụng mách nước “bí kíp” dắt túi khi đi phỏng vấn xin việc - 1
Ông Nguyễn Sỹ Linh (người mặc áo vét): Các ứng viên nên chủ động giới thiệu về bản thân khi bước vào buổi phỏng vấn thay vì đợi được hỏi mới trả lời.

Theo ông Linh, khi bước vào phòng phỏng vấn, ngoài trang phục đầu tóc gọn gàng để gây ấn tượng đầu tiên về sự chuyên nghiệp, các bạn trẻ nên chủ động giới thiệu về bản thân mình trước, thay vì ngồi đợi hỏi mới trả lời. Nếu thể hiện được sự hiểu biết về vị trí mà nhà tuyển dụng đang cần thì đó là điểm cộng cho các ứng viên.

“Các bạn không nên ngại giới thiệu về bản thân. Trong hồ sơ xin việc, không chỉ liệt kê về bằng cấp, trình độ chuyên môn… mà những gạch đầu dòng về các thành tích của bản thân trong các hoạt động khác như thể thao, đoàn thanh niên… cũng là điểm thu hút sự chú ý của các nhà tuyển dụng hơn”, ông Linh cho hay.

Tuy nhiên, ông Linh cũng cho rằng, vấn đề này không hoàn toàn xuất phát từ những người lao động mà một phần nguyên nhân là do công tác đào tạo trong các nhà trường.

Chuyên gia tuyển dụng mách nước “bí kíp” dắt túi khi đi phỏng vấn xin việc - 2
Ông Đặng Viết Dũng: Sự am hiểu về vị trí đang tuyển dụng và thái độ nghiêm túc với công việc là điểm cộng của các ứng viên đối với nhà tuyển dụng

“Trên thực tế, nhiều trường chỉ dừng lại ở đào tạo chuyên môn mà chưa thực sự chú trọng đến các vấn đề liên quan đến kỹ năng sau ra trường cho học sinh, sinh viên. Khi gần kết thúc khóa học, các em cần được tham dự một vài buổi tập huấn liên quan đến kỹ năng trả lời phỏng vấn khi xin việc để tránh sự bỡ ngỡ, hồi hộp, đặc biệt là biết khai thác thế mạnh của bản thân để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng”.

Thái độ nghiêm túc với công việc cũng là tiêu chí để các nhà tuyển dụng xem xét, đánh giá các ứng viên khi tham gia phỏng vấn. Sự nghiêm túc đối với công việc được thể hiện ngay từ thái độ của mỗi ứng viên trong buổi phỏng vấn. Ăn mặc lịch sự, đầu tóc gọn gàng, đến đúng giờ hẹn… sẽ tạo được ấn tượng tốt đẹp ban đầu với nhà tuyển dụng.

“Những ứng viên có sự am hiểu về công việc đang ứng tuyển và mong muốn gắn bó lâu dài với công việc thường được các nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn. Nó thể hiện rằng người đi xin việc nghiêm túc với lựa chọn của mình. Các doanh nghiệp có thể chọn người chưa có kinh nghiệm và đào tạo thêm nhưng họ sẽ không lựa chọn những người giỏi nhưng có tư tưởng “đứng núi này trông núi nọ”, chọn một công việc “tạm thời” và nhảy việc khi có cơ hội”, ông Đặng Viết Dũng - Trưởng phòng tổ chức một công ty có hàng nghìn lao động tại Nghệ An chia sẻ.

Hoàng Lam