1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

10.000 USD và cái giá phải trả cho "việc nhẹ lương cao"

Tùng Nguyên Sơn Nhung

(Dân trí) - Những cuộc tháo chạy tập thể khỏi các casino, những vụ nhảy lầu tự sát, mất tích ở Campuchia… là lời cảnh báo cho những lao động Việt thích "việc nhẹ lương cao".

Những ngày qua, cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh ghi nhận lượng người Việt lao động tại Campuchia về nước qua cửa khẩu Mộc Bài tăng cao. Chỉ riêng 2 ngày 26-27/10, bộ đội biên phòng đã ghi nhận hơn 800 người về nước.

Hầu hết những lao động được tiếp nhận về nước vì công việc tại Campuchia không còn thuận lợi, cơ quan an ninh Campuchia truy xét gắt gao những cơ sở thu nhận lao động trái phép, không có giấy tờ tùy thân.

10.000 USD và cái giá phải trả cho việc nhẹ lương cao - 1

Nhiều người Việt bị ngược đãi khi làm việc tại Campuchia, phải nhờ cơ quan chức năng giải cứu (Ảnh: Sơn Nhung).

Làn sóng này xuất hiện sau hàng loạt vụ người Việt làm việc tại Campuchia phải tháo chạy khỏi các cơ sở cưỡng bức lao động, những công ty lừa đảo. Nhiều gia đình nạn nhân phải đem tiền sang Campuchia để chuộc con, hoặc liên hệ công an địa phương nhờ giải cứu.

Theo Công an Tây Ninh, 6 tháng đầu năm 2022, đơn vị này đã tiếp nhận hơn 20 đơn trình báo xin cầu cứu của các gia đình có con sang Campuchia làm việc rồi bị đánh đập, cưỡng bức làm việc, bán sang tay, mất liên lạc…

Hiện tượng chiêu dụ người Việt sang Campuchia làm việc với mức lương cao, công việc nhẹ nhàng phát triển nhanh từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Theo Công an Tây Ninh, có thể do sau dịch, người dân cần công ăn việc làm nên dễ bị những lời quảng cáo "việc nhẹ, lương cao" dụ dỗ.

Tây Ninh là địa bàn có đường biên giới với Campuchia rất dài, nhiều đường ngách nên các đường dây chọn làm nơi tập kết để đưa người vượt biên. Chỉ trong năm 2021, lực lượng chức năng đã phát hiện 216 vụ với 542 người xuất nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở.

Dù cơ quan chức năng kiểm soát rất chặt nhưng vẫn có nhiều người vượt biên thành công. Nhiều trường hợp giấu cha mẹ chạy sang Campuchia làm việc theo lời kêu gọi "việc nhẹ, lương cao" để rồi khi làm không được việc thì bị đánh đập, tra tấn. Khi bị bắt ép làm công việc lừa đảo thì gọi về nhà cầu cứu…

10.000 USD và cái giá phải trả cho việc nhẹ lương cao - 2

Chỉ riêng năm 2021, Công an Tây Ninh phát hiện và bắt giữ hơn 500 người khi đang vượt biên trái phép qua Campuchia (Ảnh: Sơn Nhung).

Theo Công an Tây Ninh, những người bị lừa sang Campuchia được bố trí vào các công việc như: quản lý trang mạng cá độ, lôi kéo người tham gia đánh bạc trực tuyến, tiếp viên karaoke, massage…

Nếu họ làm việc không đạt chỉ tiêu, hoặc có ý định về Việt Nam thì bị đe dọa, đánh đập và bị bán lại cho các casino khác. Nếu họ muốn về thì người nhà phải bồi thường chi phí với mức từ 5.000 USD đến 10.000 USD.

Nhiều nạn nhân không chịu được áp lực phải tìm mọi cách để bỏ trốn… Có người bỏ trốn thành công, có người bị bắt lại. Nhiều trường hợp không chịu nổi đã tự tử bằng cách nhảy lầu, treo cổ, hoặc mất tích chưa rõ nguyên nhân.

Theo Công an Tây Ninh, năm 2021, cơ quan chức năng Campuchia cũng đã ghi nhận một số trường hợp lao động Việt chết không rõ nguyên nhân. Một trường hợp an ninh Campuchia phối hợp Công an Tây Ninh điều tra là nạn nhân G.V.L. (29 tuổi, ngụ tại Bắc Giang) vượt biên sang Campuchia 14/9/2021, phát hiện tử vong dưới hồ nước gần một casino tại Campuchia vào 19/9/2021.

Trước tình hình trên, Công an tỉnh Tây Ninh đã nhiều lần thông báo, khuyến cáo người dân không nghe lời lôi kéo xuất cảnh trái phép sang Campuchia tìm việc làm; không tiếp tay, giúp đỡ cho nhóm đối tượng đưa người xuất cảnh trái phép… Tuy nhiên, tình trạng vượt biên sang Campuchia vẫn phát triển mạnh mẽ.

Mãi đến đầu năm 2022, khi ngày càng nhiều lao động người Việt cầu cứu trên mặt báo, nhiều nhóm lao động tổ chức bỏ trốn tập thể thì trò lừa "việc nhẹ, lương cao" mới lộ tẩy. Nhiều gia đình có con em đi Campuchia làm việc mới giật mình, gọi cho con mới phát hiện mất liên lạc, nhờ cơ quan chức năng cứu giúp…

Mấy tháng vừa qua, sự can thiệp của cơ quan chức năng Việt Nam và sự hỗ trợ của an ninh Campuchia đã giúp giải cứu được nhiều lao động người Việt bị ngược đãi.

Gần đây nhất là ngày 22/10, bộ đội biên phòng cửa khẩu quốc tế Xa Mát (tỉnh Tây Ninh) đã tiếp nhận 171 lao động người Việt được Công an tỉnh Oddar Meanchey (Campuchia) và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang - Campuchia giải cứu.

Trước đó, ngày 11/10, Tây Ninh tiếp nhận 78 lao động được giải cứu từ các casino, công ty ở Campuchia về nước. Trung tuần tháng 9, địa phương này cũng tiếp nhận 92 lao động về nước.