10 ngành nghề tuyển dụng nhiều lao động nhất năm 2024 tại TPHCM
(Dân trí) - Nhu cầu tuyển dụng của 10 nhóm ngành nghề đứng đầu chiếm gần 72% tổng nhu cầu tuyển dụng của TPHCM.
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) vừa có báo cáo Thị trường lao động năm 2024 - Dự báo nhu cầu nhân lực năm 2025 tại TPHCM.
Để thực hiện báo cáo, Falmi đã tiến hành khảo sát, thu thập thông tin nhu cầu sử dụng lao động tại 64.126 lượt doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng 318.731 chỗ làm việc.
Kết quả thống kê cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động năm 2024 tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại - dịch vụ với 216.291 chỗ làm việc, chiếm 67,86% tổng nhu cầu tuyển dụng; khu vực công nghiệp - xây dựng với 100.432 chỗ làm việc, chiếm 31,51%; khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với 2.008 chỗ làm việc chiếm 0,63%.
Falmi cũng tiến hành thống kê nhu cầu tuyển dụng của 10 nhóm ngành nghề lớn có số lượng tuyển dụng từ 3% tổng nhu cầu tuyển dụng trở lên. Tổng cộng, 10 nhóm ngành nghề này chiếm 71,87% tổng nhu cầu tuyển dụng trong năm 2024. Còn 21 nhóm ngành nghề phổ biến khác chỉ tuyển 28,13%.
Theo thống kê trên, nhóm ngành kinh doanh thương mại đứng đầu danh sách với nhu cầu tuyển dụng 72.383 chỗ làm việc, chiếm 22,71% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu nhân lực tập trung ở các vị trí: Quản trị bán hàng; nhân viên giám sát cửa hàng; nhân viên kinh doanh; nhân viên bán hàng và trợ giúp bán hàng; nhân viên thu mua…
Đứng thứ hai là nhóm nghề dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ. Nhóm này cần tuyển 41.945 chỗ làm việc, chiếm 13,16% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu nhân lực tập trung ở các vị trí: Nhân viên bảo vệ; nhân viên đóng gói hàng hóa; nhân viên giao hàng; nhân viên tạp vụ; nhân viên dọn dẹp vệ sinh; nhân viên làm đẹp và những nhân viên có liên quan…
Nhóm nghề dịch vụ bưu chính - viễn thông đứng thứ ba. Nhóm nghề này cần tuyển 19.984 chỗ làm việc, chiếm 6,27% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu nhân lực tập trung ở các vị trí: Nhân viên dịch vụ bưu chính; kỹ thuật viên truyền hình và nghe nhìn; kỹ thuật viên kỹ thuật viễn thông…
Thứ tư là nhóm nghề công nghệ thông tin, cần 16.192 chỗ làm việc, chiếm 5,08% tổng nhu cầu nhân lực.
Ngành dịch vụ tư vấn - nghiên cứu khoa học và phát triển đứng thứ năm, cần 15.331 chỗ làm việc, chiếm 4,81% tổng nhu cầu nhân lực.
Thứ sáu là nghề kinh doanh quản lý tài sản - bất động sản, cần 14.088 chỗ làm việc, chiếm 4,42% tổng nhu cầu nhân lực.
Thứ bảy là ngành dệt may - giày da. Ngành này cần tuyển 13.100 chỗ làm việc, chiếm 4,11% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu nhân lực ngành này tập trung ở các vị trí lao động phổ thông như công nhân may, kỹ thuật viên làm rập…
Dịch vụ du lịch - lưu trú và ăn uống đứng thứ tám, cần 12.781 chỗ làm việc, chiếm 4,01% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu nhân lực tập trung ở các vị trí: Tư vấn viên du lịch; lễ tân khách sạn; đầu bếp; phụ bếp; phục vụ…
Ngành tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm đứng thứ chín, cần 11.697 chỗ làm việc, chiếm 3,67% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu nhân lực tập trung ở các vị trí nhân viên như: Tư vấn bảo hiểm; tư vấn và phân tích tài chính; hỗ trợ tín dụng; thu hồi nợ; quan hệ khách hàng…
Đứng thứ mười là ngành cơ khí - tự động hóa, cần 11.570 chỗ làm việc, chiếm 3,63% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu nhân lực tập trung ở các vị trí như: Kỹ sư chế tạo máy; quản đốc xưởng; quản lý vật tư; kỹ thuật viên; nhân viên bảo trì; nhân viên vận hành máy; thợ gia công…