YouTube và Shopee "bắt tay", quyết đấu với TikTok

Huỳnh Anh

(Dân trí) - YouTube và Shopee vừa công bố hợp tác chiến lược, nhằm mục tiêu đối đầu trực tiếp với "gã khổng lồ" TikTok. Người dùng có thể mua các sản phẩm xuất hiện trên YouTube thông qua liên kết đến Shopee.

YouTube, công ty thuộc sở hữu của tập đoàn Alphabet Inc, và nền tảng thương mại điện tử Shopee đã thông báo rằng họ sẽ ra mắt dịch vụ mua sắm trực tuyến tại Indonesia và có kế hoạch mở rộng sang các quốc gia Đông Nam Á khác khi cạnh tranh với đối thủ TikTok ngày càng gia tăng.

Mở màn cho cuộc "đại chiến" này, YouTube Shopping sẽ chính thức ra mắt tại Indonesia, thị trường được mệnh danh là "miền đất hứa" của thương mại điện tử.

Theo đó, người dùng có thể mua sắm trực tiếp các sản phẩm xuất hiện trong video YouTube thông qua liên kết đến Shopee, nền tảng thương mại điện tử thuộc sở hữu của tập đoàn công nghệ Sea.

"Năng lượng và tốc độ về mua sắm trực tuyến của Indonesia là động lực thúc đẩy việc ra mắt ứng dụng này", ông Ajay Vidyasagar, Giám đốc YouTube khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, chia sẻ tại Jakarta (Indonesia).

Ông cũng tiết lộ kế hoạch mở rộng dịch vụ sang Thái Lan và Việt Nam trong vài tuần tới, báo hiệu tham vọng thống trị thị trường Đông Nam Á của liên minh YouTube và Shopee.

Khi được hỏi về quy mô của quan hệ đối tác, ông Vidyasagar khẳng định đây là một bước đi rất quan trọng nhưng từ chối đưa ra con số cụ thể.

YouTube và Shopee bắt tay, quyết đấu với TikTok - 1

Ông Ajay Vidyasagar, Giám đốc YouTube khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Ảnh: Money control).

Ông cũng tiết lộ rằng YouTube Shopping sẽ mở rộng hợp tác với các đối tác khác ngoài Shopee theo cách tiếp cận từng giai đoạn, có trình tự, hứa hẹn những biến động lớn hơn nữa cho thị trường trong tương lai.

Động thái này được xem là phản ứng trực tiếp trước sự phát triển nhanh chóng của TikTok trong lĩnh vực thương mại điện tử khu vực.

Theo báo cáo của công ty tư vấn Momentum Works, TikTok Shop đã đạt 16,3 tỷ USD giá trị hàng hóa gộp (GMV) năm 2023 tại Đông Nam Á, tăng gần gấp 4 lần so với năm ngoái và trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Shopee.

Cuộc đua này diễn ra trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á đang bùng nổ. Với gần 700 triệu dân, khu vực này được xem là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới.

Báo cáo của Momentum Works cho thấy tám nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á đã đạt giá trị hàng hóa gộp lên tới 114,6 tỷ USD vào năm 2023, tăng 15% so với năm trước.

Theo Reuters, Bloomberg