Quy chế PNTR:
Yếu tố quyết định việc Việt Nam gia nhập WTO
(Dân trí) - Với thỏa thuận <a href="http://dantri.com.vn/kinhdoanh/2006/5/120661.vip"> kết thúc đàm phán song phương Việt - Mỹ </a>, Việt Nam chính thức “đặt một chân” vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Để có bước tiếp theo, chính là việc vận động Quốc hội Mỹ phê chuẩn Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam.
Vậy PNTR là gì, vì sao phải có PNTR thì Việt Nam mới có thể gia nhập WTO, trong trường hợp không có PNTR thì sao? Dân trí xin đưa ra một số thông tin để bạn đọc dễ nhận biết vấn đề.
Trong quan hệ thương mại giữa các quốc gia trên thế giới hiện đang tồn tại “Quy chế ưu đãi thuế quan chung” - quy chế Tối huệ quốc (MFN). Đây là quy chế song phương dành cho những quốc gia với nhau theo kiểu “có đi có lại” và các quốc gia này chưa phải là thành viên của WTO.
Sau thỏa thuận kết thúc đàm phán song phương với Mỹ, về cơ bản việc Việt Nam gia nhập WTO nhanh hay chậm phụ thuộc vào thời gian Mỹ sẽ cấp quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam.
Hiện Việt Nam đang gấp rút soạn thảo văn bản trình Chính phủ thông qua và nỗ lực vận động Quốc hội Mỹ phê chuẩn để con đường vào WTO được rút ngắn. |
Là một thành viên cũ của WTO, Mỹ sẽ trao cho Việt Nam những quy chế đối xử thương mại cơ bản hay còn gọi là Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) để đổi lại có được những hiệp ước thuế quan thuận lợi cho xuất khẩu của Mỹ.
PNTR là quy chế ưu đãi mà hầu hết các nước có quan hệ thương mại với Mỹ đều được hưởng. Tuy vậy khi Việt - Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1995), Mỹ vẫn áp đặt Tu chính án Jackson - Vanick (hàng năm) với nội dung chủ yếu là không cho phép Việt Nam tiếp cận những chương trình hỗ trợ của Chính phủ Mỹ.
Vì thế quá trình xem xét quy chế PNTR cho Việt Nam sẽ được chuyển tới Tổng thống Mỹ xem xét trước. Quá trình pháp lý thông qua PNTR ở Quốc hội Mỹ sẽ được tiến hành theo một chu trình bình thường tiếp theo. Và cuối cùng sau khi kết thúc, Tổng thống Mỹ sẽ ra một tuyên bố chính thức chấp thuận quy chế PNTR cho Việt Nam.
Như vậy về bản chất, để thông qua Quy chế PNTR cho Việt Nam, Quốc hội Mỹ phải đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước nằm trong Tu chính án Jackson - Vanick. Hiện tại, nhiều tổ chức, nhiều nghị sĩ Mỹ đã ủng hộ quy chế PNTR cho Việt Nam, vì nó có lợi cho cả hai bên.
Tuy nhiên, cũng vẫn còn một số nhỏ các tổ chức, nghị sĩ yêu cầu đưa thêm các điều kiện khi cấp quy chế PNTR cho Việt Nam. Vì vậy điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp Quốc hội Mỹ chưa thông qua PNTR?
Việt Nam vẫn có khả năng gia nhập WTO nếu phía Mỹ "bật đèn xanh". Trong lịch sử đàm phán gia nhập WTO, đã có những trường hợp ngoại lệ như Moldova, Mông Cổ, Gruzia, Armenia... Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận rằng trong trường hợp Quốc hội Mỹ chưa thông qua PNTR thì cũng khó mà có trường hợp ngoài lệ và vì vậy PNTR vẫn là điều kiện tiên quyết để Việt Nam gia nhập WTO.
Các thủ tục của Mỹ về cấp quy chế PNTR - Bước 1: Hành pháp Mỹ, đại diện là Tổng thống sẽ trình bản Thỏa thuận Mỹ/Việt về kết thúc đàm phán WTO lên Hạ viện Mỹ dưới dạng một Dự luật. - Bước 2: Dự luật này sẽ được giới thiệu tại Ủy ban Chính sách Thương mại của cả Hạ viện và Thượng viện. - Bước 3: Dự luật này sẽ lần lượt được chuyển lên toàn thể Hạ viện, rồi Thượng viện để thảo luận và bỏ phiếu theo những thủ tục thông thường mà không cần điều kiện gì đặc biệt hay “quyền đàm phán nhanh” của Tổng thống đối với các thỏa thuận thương mại với các đối tác khác của Mỹ. (Nguồn: Thanh niên) |
Minh Tuấn