Yêu cầu nghiên cứu giảm, gia hạn thuế, phí cho người dân và doanh nghiệp
(Dân trí) - Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng hạn mức tín dụng hợp lý, hiệu quả… Bộ Tài chính được yêu cầu nghiên cứu xây dựng đề xuất gia hạn thuế, phí cho người dân, doanh nghiệp...
Tăng hạn mức tín dụng hợp lý, hiệu quả
Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023 sáng 6/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các nhiệm vụ điều hành kinh tế vĩ mô, tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp.
Đáng chú ý, về chính sách tiền tệ, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xây dựng các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ hợp lý theo tinh thần chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm thanh khoản, ổn định hệ thống ngân hàng một cách an toàn; tìm điểm cân bằng giữa tỉ giá và lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng hạn mức tín dụng hợp lý, hiệu quả cho các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả, bền vững, đúng pháp luật, đúng mục tiêu, tập trung tín dụng cho 3 đột phá chiến lược, 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường giám sát, kiểm tra để tín dụng đi đúng, đi trúng mục tiêu và chống tiêu cực, tham nhũng, trục lợi chính sách, kiểm soát các hoạt động tín dụng nhân dân, bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, các chủ thể có liên quan trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Bên cạnh đó, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước đề xuất sửa đổi Nghị định 31 năm 2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để tiếp tục triển khai, đồng thời rà soát, đánh giá lại chính sách này để có phương án phù hợp. Có chính sách hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội; rà soát các dự án bất động sản để hỗ trợ các dự án đủ điều kiện.
Các tổ chức tín dụng phát huy tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Thủ tướng phân tích, nền kinh tế phát triển, người dân có tiền gửi thì ngân hàng mới phát triển được nên trong lúc khó khăn, các ngân hàng phải chia sẻ với người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Gia hạn thuế, phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp
Về các giải pháp chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị chức năng phải đẩy mạnh hơn nữa giải ngân đầu tư công, các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát lại hàng tuần, hàng tháng tiến độ giải ngân, điều chỉnh kịp thời theo hướng dẫn của bộ, ngành và chỉ đạo của Chính phủ.
Các đơn vị đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi các khoản không cần thiết, tổ chức tổng kết năm ngắn gọn, tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, lãng phí…; loại bỏ tư tưởng "năm nay thu ít để sang năm không bị giao nhiều".
Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giảm, giãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp, bên cạnh đó là tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước theo đúng tinh thần kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo.
Bộ cũng có chính sách giá cả hợp lý đối với các lĩnh vực như hàng không, thuốc, trang thiết bị y tế, xăng dầu…, tôn trọng quy luật cạnh tranh, cung cầu nhưng khi có vấn đề đột xuất thì phải có công cụ quản lý của Nhà nước để ổn định lại thị trường, đưa thị trường trở lại vận hành bình thường. Giá cả được giữ ổn định, phù hợp với thu nhập người dân và chi phí của doanh nghiệp, giảm thủ tục hành chính, khâu trung gian, chi phí đầu vào không cần thiết.