Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp được gia hạn thuế "khủng" gần 5 tỷ USD

An Linh

(Dân trí) - Số thuế mà Bộ Tài chính có đề xuất Chính phủ gia hạn cho doanh nghiệp, cá nhân ước tính hơn 115.000 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD) trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp.

Nhằm giảm tác động của đại dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp, Bộ Tài chính vừa có tờ trình Chính phủ phê duyệt chủ trương gia hạn các loại thuế, phí và lệ phí trong năm 2021.

Theo đó, có 4 loại thuế, phí tiếp tục được gia hạn từ 3 đến 5 tháng trong năm 2021, trong đó có thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuế thuê đất.

Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp được gia hạn thuế khủng gần 5 tỷ USD - 1

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất gia hạn nộp thuế nhiều loại thuế lớn hỗ trợ doanh nghiệp do dịch Covid-19 đang lan ra nhiều tỉnh thành

Thuế giá trị gia tăng dự kiến được gia hạn thời gian nộp 5 tháng trong năm 2021 với số thu gia hạn ước tính hơn 68.800 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp được gia hạn nộp 3 tháng, ước tính số tiền gia hạn là hơn 40.500 tỷ đồng.

Đối với thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2021 của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động trong các ngành kinh tế, lĩnh vực được gia hạn. Dự kiến, số thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được gia hạn là khoảng 1.300 tỷ đồng.

Về thuế tiền thuê đất, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân thuộc đối tượng được giảm. Dự kiến số tiền thuê đất được gia hạn khoảng 4.400 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, do người nộp thuế phải thực hiện nộp thuế vào ngân sách vào cuối năm 2021 nên số thu ngân sách của năm 2021 sẽ không giảm. Để chính sách sớm đi vào cuộc sống, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ giao cho Bộ này xây dựng Nghị định theo trình tự thủ tục rút gọn.

Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ giãn, hoãn và giảm nộp thuế hàng loạt ngành, lĩnh vực và được Chính phủ đồng ý, ký ban hành trong thời gian ngắn.

Hàng trăm nghìn doanh nghiệp, hàng chục nghìn hộ kinh doanh cá nhân đã được giãn, hoãn, nộp nhiều loại thuế như VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiền thuê, sử dụng đất.

Cùng với đó là hàng loạt loại phí, lệ phí như phí trước bạ ô tô, phí công chứng, phí cho các doanh nghiệp hàng không, cảng, doanh nghiệp vận tải đều được Bộ Tài chính giãn, hoãn và giảm mạnh.

Đáng chú ý nhất năm 2020, Chính phủ cho phép giảm 50% phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp đăng ký lần đầu. Theo đó, người dân Hà Nội khi mua xe sẽ chỉ phải đóng phí trước bạ 6% (điều kiện bình thường là 12%), người dân các địa phương khác là 5% (điều kiện bình thường là 10%).

Chính vì được hỗ trợ chính sách của Nhà nước, do đó các doanh nghiệp sản xuất ô tô, các doanh nghiệp hỗ trợ ngành này năm 2020 không bị suy giảm nặng nề, hoạt động sản xuất, thương mại vẫn được duy trì ổn định.

Trong khi đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, du lịch, cùng doanh nghiệp vận tải (hàng không, đường bộ, đường săt...) chịu tác động rất khủng khiếp do dịch bệnh. Năm 2020 hầu hết các chuyến bay thương mại quốc tế đều bị hủy hoặc giảm mạnh, khiến doanh thu các hãng bay quốc tế của hầu hết các hãng hàng không tại Việt Nam giảm.

Việc đi lại bị kiểm soát gắt gao do dịch bệnh đã khiến ngành du lịch, trong đó có khách sạn, nhà hàng, đặc biệt ở các trung tâm du lịch lớn như Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... giảm mạnh, các hệ thống nghỉ dưỡng cao cấp, các khu du lịch dành cho khách nước ngoài hầu hết bị giảm việc làm, đóng cửa, thiệt hại lớn về nguồn thu cũng như lao động, việc làm.