Xung quanh việc EVN “đòi” tăng giá thuê cột điện

(Dân trí) - Vụ tranh cãi giữa (EVN) và các công ty viễn thông đã xảy ra sau khi EVN đưa ra thông báo sẽ tăng giá cho thuê cột để treo cáp thông tin lên gấp nhiều lần. Chiều qua 30/3, EVN đã có cuộc họp báo thông tin thêm về vấn đề này.

Xung quanh việc EVN “đòi” tăng giá thuê cột điện - 1
Hơn cả việc tăng tiền thuê treo cáp là sự an toàn đối với người dân.
 
Cụ thể, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) đã có công văn tới 8 công ty điện lực của các địa phương lớn yêu cầu tăng tiền thuê treo cáp viễn thông với mức tăng từ 4 đến 8 lần mức thuê cũ. Trước sự việc đó, nhiều doanh nghiệp viễn thông như VNPT, Viettel, SPT đã kiến nghị lên cơ quan quản lý là Sở Thông tin Truyền thông và Bộ Thông tin Truyền thông đề nghị can thiệp.
 
Nhiều doanh nghiệp viễn thông cho rằng đây là sự áp đặt của EVN vì được độc quyền sở hữu cột điện. Và chính sự độc quyền đó gây khó khăn cho các doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông.
 
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Hữu Thuận, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và phát triển điện lực Việt Nam trả lời trên báo chí thì, trước khi EVN ra đời, toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng ngành điện là do nhà nước quản lý.
 
Có thời kỳ người dân phải tự đầu tư tiền để xây dựng những cột điện hạ thế tại một số địa phương và khi EVN ra đời cũng đã “thanh lý” lại. EVN trở thành chủ sở hữu và duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng, xây dựng mới hệ thống cột điện. EVN có quyền từ chối cung cấp, cho thuê cột đối với các doanh nghiệp khác.
 
Tại cuộc họp báo, theo EVN, cột điện là để truyền tải điện tới người tiêu dùng một cách an toàn và liên tục. Vì thế, EVN không khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông treo cáp trên hệ thống của mình. Nhưng các doanh nghiệp viễn thông cũng không muốn xây dựng cột riêng mà muốn tận dụng hạ tầng đã được đầu tư của EVN.
 
Trước năm 2003, EVN gần như miễn phí tiền thuê cột điện. Từ năm 2003 trở lại đây, số tiền đã thu cũng rất rẻ, không đáng kể. Nhưng đến bây giờ, ngành điện không muốn ngành viễn thông dùng chung cột điện của mình nữa, nhưng nếu muốn dùng chung thì phải trả giá thuê hợp lý, đủ chi phí.
 
Đó cũng chính là lý do mà EVN đột ngột đòi tăng giá và gặp lại sự phản ứng của các doanh nghiệp viễn thông khi bị thiệt hại về kinh tế.
 
Một vấn đề khác có tính chất nghiêm trọng hơn chính là tính an toàn của các sợi cáp được “cõng” lên các cột điện. Chúng ta đã từng chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn có liên quan đến những búi cáp treo trên cột điện nhưng hình như từ trước đến giờ, chưa có ai phải chịu trách nhiệm về việc này.
 
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng ban Viễn thông và công nghệ thông tin (thuộc EVN) cho biết, mặc dù đã có nhiều quy định khá chi tiết, kỹ lưỡng áp dụng cho các DN thuê cột điện về đảm bảo an toàn cho thiết bị cũng như con người nhưng đến khi sự cố xảy ra, vẫn không ai phải chịu trách nhiệm.
 
Đại diện EVN cũng thừa nhận rằng: Quá trình treo cáp trên hệ thống cột đã diễn ra quá cẩu thả, tùy tiện và thiếu quản lý. Chính vì vậy, điều mà người dân rất lo ngại đó là hình như EVN mới chỉ quan tâm đến việc tăng phí thuê cột mà không tính đến việc làm sao để quản lý các sợi cáp đang được treo trên cột (trong đó không chỉ có doanh nghiệp viễn thông) đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông cũng như mỹ quan thành phố.
 
Đề án xây dựng thành phố không dây là đang được triển khai nhưng chắc chắn phải trong một thời gian dài nữa mới hoàn thành. Bởi vậy, việc quản lý một thành phố “có dây” vẫn rất cần được chặt chẽ vì sự an toàn cho mọi người.
 
Lan Hương