1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Xung đột thương mại, Cách mạng 4.0: Hai xu hướng thế giới tác động lớn đến Việt Nam 2019

(Dân trí) - Kinh tế Việt Nam năm 2019 sẽ chịu tác động lớn từ những xu hướng chính của kinh tế thế giới như Cuộc Cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo, máy móc thay thế con người; xu hướng bảo hộ mậu dịch; chiến tranh thương mại lan rộng… các nền kinh tế mở như Việt Nam sẽ chịu tác động ghê gớm.

Theo PGS, TS Nguyễn Văn Lịch, Học viện Ngoại giao, nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang đã, đang và sẽ phải “ngóng đợi” rất nhiều từ các diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. 

Lợi ích chung chung, thiệt hại cụ thể

Theo ông Lịch, ngoài các lợi ích khá chung chung như, Việt Nam thay thế phần nào đó Trung Quốc để tận dụng nguồn vốn FDI từ các tập đoàn đa quốc gia; thay thế Trung Quốc xuất khẩu lớn đồ gỗ, thuỷ sản, hàng may mặc vào Mỹ…thì những rủi ro lại cụ thể hơn, sát sườn hơn.

Xung đột thương mại, Cách mạng 4.0: Hai xu hướng thế giới tác động lớn đến Việt Nam 2019 - 1

Cuộc chiến thuế quan và hơn thế nữa trong lĩnh vực kinh tế giữa hai cường lớn nhất nhì thế giới định hình xu hướng kinh tế thế giới và tác động sâu sắc các nền kinh tế khác, Việt Nam không nằm ngoại trừ.

Cuộc chiến thương mại Mỹ -  Trung sẽ khiến hàng giá rẻ, dư thừa của Mỹ tăng tốc vào Việt Nam, gây sức ép lớn cho doanh nghiệp Việt.

Trường hợp Trung Quốc đẩy vốn, chuyển hàng gia công vào Việt Nam, Mỹ sẽ giám sát và ngăn chặn chiêu “núp bóng”, điều này rất có hại cho Việt Nam khi Mỹ đang nhập siêu hơn 40 tỷ USD (2017) từ Việt Nam.

Theo TS Lê Quang Thuận, Viện Chiến lược Chính sách, Bộ Tài chính: Xu hướng bảo hộ thương mại trong thời gian tới sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, có thể cản trở hệ thống thương mại toàn cầu cũng như đe dọa đà phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới và thậm chí có thể làm đảo ngược tiến trình toàn cầu hóa.

“Khá nhiều nước lớn đang thúc đẩy đàm phán tự do thương mại song phương thay vì cơ chế đàm phán thương mại đa phương có ít lợi ích như trước đây”, ông Thuận nói.

Ông Thuận dẫn chứng: Sau gần 3 thập kỷ, vị thế của WTO đang bị suy giảm. Mỹ đã ký sắc lệnh rút khỏi hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tuyên bố đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), thúc đẩy đàm phán thương mại song phương với nhiều nước. 

Hiệp định USMCA giữa Mỹ, Mexico và Canada ký ngày 30/9/2018 thay thế NAFTA cho thấy rõ xu hướng thúc đẩy thỏa thuận song phương của Mỹ.

Máy móc thay con người, dẫn đến mất việc làm, bất ổn xã hội

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể mở rộng ra toàn thế giới và Việt Nam có thể chịu tác động lớn do Mỹ nhập siêu hơn 32 tỷ USD từ Việt Nam năm 2017, đứng thứ 5 trong các đối tác nhập khẩu của Mỹ. 

Xung đột thương mại, Cách mạng 4.0: Hai xu hướng thế giới tác động lớn đến Việt Nam 2019 - 2

Trí tuệ nhân tạo thay thế con người có thể làm tăng bất ổn do mất việc làm và xu hướng rút vốn của nhà đầu tư Mỹ và các nước phát triển tại các nước đang phát triển như Việt Nam

Nếu Việt Nam bị đưa vào dạng các nước theo dõi và có các chính sách thuế quan, phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam và xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Theo các chuyên gia kinh tế, thế giới năm 2019 sẽ nhận thấy tác động của Cách mạng 4.0 thông qua sự bùng nổ của kinh tế sẻ chia, trong ngành dịch vụ giao thông, ngân hàng số, thanh toán và trí tuệ nhân tạo…

Tuy nhiên, Cách mạng công nghiệp 4.0 mang cơ hội nhưng cũng xuất hiện rủi ro, các mô hình kinh doanh mới có thể nhanh chóng thay đổi tính hấp dẫn của các địa điểm sản xuất, dẫn đến một hoạt động sản xuất toàn cầu tập trung ở một số ít các quốc gia và công ty và hoạt động sản xuất giảm đáng kể. 

“Cách mạng 4.0 có thể làm gia tăng bất bình đẳng và bất ổn xã hội. Trong khi đó, tự động hóa đã dẫn đến mất việc, công nghệ thay thế chứ không phải là sự bổ sung cho con người”, TS Thuận cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng Cách mạng 4.0, máy móc, công nghệ có thể thay thế con người nên chủ nghĩa bảo hộ có đã và đang tác động tiêu cực đối với tăng trưởng toàn cầu. 

Chính sách hướng về nội địa, bảo vệ sản xuất trong nước của Mỹ đi đầu đã khiến xu hướng này đã, đang và sẽ bắt đầu ở nhiều ngành khác nhau. 

An Linh

Xung đột thương mại, Cách mạng 4.0: Hai xu hướng thế giới tác động lớn đến Việt Nam 2019 - 3