Xung đột Israel - Hamas gây rủi ro cho kinh tế toàn cầu
(Dân trí) - Bất ổn tại Trung Đông có thể đẩy các Ngân hàng trung ương vào cuộc chiến chống lạm phát mới, khi nỗ lực của họ chỉ vừa có hiệu quả.
Rủi ro cho nền kinh tế
Tình trạng xung đột Israel - Hamas đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về khả năng xảy ra một cuộc xung đột kéo dài ở Trung Đông và tiềm ẩn rủi ro gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu.
Tầm ảnh hưởng của sự việc này có thể phải mất thời gian để đánh giá, và tùy thuộc vào việc xung đột kéo dài bao lâu, mức độ căng thẳng và liệu nó có khả năng lan sang các phần khác của khu vực hay không.
Giới quan sát cho rằng phải mất một thời gian nữa mới có thể nhìn thấy tác động từ việc này. Theo các chuyên gia, điều đó cũng còn tùy thuộc vào việc xung đột kéo dài bao lâu, nghiêm trọng đến mức nào và có lan ra những nơi khác trong khu vực hay không.
Phát biểu tại Hiệp hội kinh tế doanh nghiệp quốc gia, ông Agustin Carstens, Tổng giám đốc Ngân hàng thanh toán quốc tế, cho rằng còn quá sớm để đánh giá về các tác động, dù thị trường chứng khoán và dầu mỏ có thể chịu ảnh hưởng ngay lập tức.
Cuộc xung đột tại Trung Đông có thể tạo thêm các thách thức mới với kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng của thế giới vốn đang chậm lại. Thị trường Mỹ cũng đang tìm cách thích ứng với khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến.
"Bất kỳ yếu tố bất ổn nào về kinh tế cũng có thể trì hoãn quyết định chính sách của các nước, làm tăng chi phí rủi ro và gây xáo trộn trên thị trường dầu. Các thị trường đều đang theo sát các kịch bản có thể diễn ra", Carl Tannenbaum, nhà kinh tế học đến từ công ty tài chính Northern Trust, nhận định với Reuters.
Đòn giáng mạnh với niềm tin kinh tế
Cuộc xung đột mới bùng phát chắc chắn sẽ trở thành tâm điểm thảo luận của các lãnh đạo tài chính toàn cầu khi họ gặp gỡ tại Morocco. Tại cuộc gặp, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ nhóm họp để đánh giá kinh tế toàn cầu. Kinh tế toàn cầu vẫn đang biến động mạnh do đại dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại suốt thời gian qua.
Đối với các Ngân hàng Trung ương, cuộc xung đột này có thể tiếp tục đẩy họ vào tình thế tiến thoái lưỡng nan và gia tăng áp lực về lạm phát. Trung Đông không chỉ là nơi quy tụ các nước sản xuất dầu mỏ lớn như Iran và Arab Saudi, mà còn có các tuyến vận tải biển quan trọng.
Giới chức Fed từng cho rằng giá năng lượng cao là rủi ro tiềm ẩn đối với triển vọng giảm lạm phát của họ. Fed cũng từng cho rằng họ kỳ vọng nền kinh tế Mỹ có thể tránh được một cuộc suy thoái, trừ khi xảy ra một sự kiện bất ngờ hoặc một cú sốc đến từ bên ngoài.
Chính vì vậy, bất kỳ biến động lớn nào tại khu vực này có thể tạo ra đòn giáng mạnh vào niềm tin đối với nhiều nền kinh tế.
Khi xung đột bùng phát tại khu vực sản xuất dầu mỏ lớn của thế giới, phản ứng của các nhà buôn và các "gã khổng lồ" trong lĩnh vực dầu mỏ như Iran hay Arab Saudi sẽ được giới đầu tư theo dõi sát sao nhằm dự đoán mức độ biến động của giá dầu.
Các chuyên gia cho rằng giao dịch trên thị trường trái phiếu và chứng khoán trong những ngày tới cũng sẽ cho thấy cách mà các thị trường phản ứng với cuộc xung đột.
Karim Basta, nhà kinh tế học đến từ công ty cố vấn III Capital Management, nhận định rằng cuộc xung đột này có thể kéo giá dầu tăng, lạm phát tăng và đe dọa triển vọng tăng trưởng.
Các chuyên gia cho rằng họ phải hành động cẩn thận dựa trên các dữ liệu trong thời gian tới, thay vì đi theo một con đường đã được định sẵn. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng đã bật tăng mạnh mẽ, có thời điểm đạt mức cao nhất trong 16 năm.
Fed cũng đang phải theo dõi diễn biến trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ khi nhà đầu tư thích rót tiền vào các kênh có rủi ro cao hơn. Trong các kịch bản khác, lãi suất giảm cũng được coi là tín hiệu tích cực, khuyến khích người dân và doanh nghiệp chi tiêu.
Tuy nhiên, nếu diễn biến tại Trung Đông làm tăng lo ngại về kinh tế toàn cầu, trái phiếu Chính phủ Mỹ sẽ lại được ưa chuộng khi nhà đầu tư tìm kênh trú ẩn, kéo theo lãi suất đi xuống.
Tuy nhiên xung đột Israel - Hamas cũng có thể làm tăng thêm mối quan ngại về nền kinh tế toàn cầu. Điều này có thể đảo ngược xu hướng đó bởi dòng vốn sẽ đổ vào những nơi an toàn như vàng hoặc trái phiếu kho bạc Mỹ.
Lịch sử liệu có lặp lại?
Gần 50 năm trước, Chiến tranh Yom Kippur và lệnh cấm vận dầu thô đối với các quốc gia ủng hộ Israel đã gây ra một cú sốc giá dầu và mở ra một thập kỷ lạm phát đình trệ. Giờ đây, khi xung đột Israel - Hamas leo thang, chiến lược gia vĩ mô Henry Allen của Ngân hàng Deutsche lo sợ lịch sử sẽ tái diễn.
Theo ông Allen, điểm tương đồng rõ ràng nhất giữa hiện tại với những năm 1970 là việc giá năng lượng bật tăng mạnh mẽ, đặc biệt là giá dầu thô.
Trong thập niên 1970, thị trường từng chứng kiến hai cú sốc giá dầu lớn do chiến sự ở Trung Đông gây ra. Điều này đã khiến vấn đề lạm phát trên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn.
Giá đã dần tụt xuống mức thấp khoảng 74 USD vào tháng 6 năm nay, nhưng tình trạng mất cân bằng cung - cầu đã kéo giá đi lên lần nữa. Cuộc chiến Hamas - Israel có nguy cơ sẽ tạo ra cú sốc giá dầu thứ 2, tương tự những năm 1970.
"Các cú sốc nguồn cung này đặt ra những thách thức lớn cho nền kinh tế, cả trong những năm 1970 lẫn hiện nay, vì chúng vừa kéo lạm phát lên cao vừa đè nặng tốc độ tăng trưởng", ông Allen giải thích.
Vị chiến lược gia lưu ý rằng đà tăng của giá dầu trong thời gian gần đây đã đặt các Ngân hàng Trung ương vào thế khó bởi họ vẫn đang tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát giữa lúc tăng trưởng kinh tế yếu đi. Tuy nhiên, ông không tin cuộc xung đột mới nhất ở Trung Đông sẽ tác động mạnh đến giá dầu như các cuộc chiến trong quá khứ.
Ông Allen lưu ý rằng lạm phát hiện nay vẫn đang cao hơn nhiều mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương, giống như những gì đã xảy ra vào thập niên 1970. Chính vì vậy, ông lo ngại rằng lịch sử có nguy cơ lặp lại.
"Khi nhìn lại những sự kiện vào thập niên 1970, chúng ta sẽ thấy một số điểm tương đồng đáng ngại. Xung đột Hamas - Israel đã cho thấy rủi ro địa chính trị có thể quay trở lại một cách bất ngờ", ông Allen nhấn mạnh khi chia sẻ với Wall Stress Journal.
Khi ấy, tăng trưởng kinh tế trì trệ và lạm phát cao kéo dài. Tăng trưởng GDP giảm tốc mạnh ở nhiều quốc gia, lạm phát trung bình toàn cầu đạt 11,3%, gấp 3 lần mức trung bình của thập kỷ trước.
Ông Allen lo ngại lạm phát cao có thể tiếp tục kéo dài. Vị chiến lược gia đã nêu ra một số lý do khiến ông bất an, từ mối đe dọa về một cú sốc giá dầu khác cho đến tình trạng bất ổn công nghiệp khi công nhân đình công trên quy mô lớn.