Xuất - nhập khẩu: Trung Quốc vẫn "cầm đằng chuôi"
(Dân trí) - Cả cán cân xuất khẩu lẫn nhập khẩu của Việt Nam đều phụ thuộc lớn vào đối tác Trung Quốc.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Trong khi đó, nhập khẩu đạt gần 107,61 tỷ USD, tăng 11,6%, tương ứng tăng gần 11,16 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2014 đạt mức thặng dư gần 2,27 tỷ USD.
Đáng lưu ý, cả cán cân xuất khẩu lẫn nhập khẩu của Việt Nam đều phụ thuộc lớn vào đối tác "láng giềng" là Trung Quốc.
Xuất khẩu: Trung Quốc là đối tác lớn
Giống như nhiều năm nay trở lại đây, Trung Quốc tiếp tục là đối tác nhập khẩu lớn các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như: gạo, cao su, than đá...
Đối với mặt hàng gạo, lượng gạo xuất khẩu của cả nước tính đến hết quý III/2014 đạt 5,01 triệu tấn, giảm 5,4% và trị giá đạt 2,28 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc là đối tác lớn nhất nhập khẩu gạo của Việt Nam với 1,7 triệu tấn, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, xuất sang Philippin đạt 1,13 triệu tấn, tăng hơn 2 lần. Tính chung, lượng gạo xuất sang 2 thị trường này đạt 2,82 triệu tấn, chiếm 56% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Còn mặt hàng cao su, tính đến hết quý 3/2014, lượng xuất khẩu mặt hàng này của cả nước đạt 698 nghìn tấn, giảm 3,4% và trị giá đạt 1,23 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu tới 42% lượng xuất khẩu của Việt Nam với 292 nghìn tấn. Tiếp theo mới là Malaysia 138 nghìn tấn, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2013…
Với than đá, xuất khẩu của cả nước trong 9 tháng đạt 5,84 triệu tấn, giảm 34,9% với trị giá là 435 triệu USD, giảm 32,9% so với cùng kỳ năm 2013. Dù xuất khẩu sang Trung Quốc giảm gần 1/2 so với cùng kỳ nhưng đây vẫn tiếp tục là đối tác lớn nhất nhập khẩu than đá của Việt Nam, chiếm 61% tổng lượng than đá xuất khẩu của cả nước.
Các mặt hàng khác như dệt may, dầu thô, hàng thủy sản, cà phê... dù không phải là đối tác lớn thì Trung Quốc vẫn góp mặt với tư cách là một đại diện quan trọng trong nhóm các nhà nhập khẩu.
Nhập khẩu: Trung Quốc là đối tác chính
Trong khi xuất sang Trung Quốc chủ yếu là các mặt hàng nông nghiệp và tài nguyên thì Việt Nam nhập khẩu từ thị trường này các mặt hàng nguyên phụ liệu, máy móc phục vụ cho việc sản xuất.
Trong 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam chi tới 16,2 tỷ USD nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng. Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 9 tháng qua với trị giá là 5,69 tỷ USD, tăng 22,4%; tiếp theo là các thị trường: Nhật Bản: 2,63 tỷ USD, tăng 23,8%; Hàn Quốc: 2,23 tỷ USD, tăng 10,5%; Đài Loan: 1,06 tỷ USD, tăng mạnh 65,9%…
Sắt thép cũng là một mặt hàng nhập khẩu lớn từ Trung Quốc với 3,95 triệu tấn, tăng 50,7% và chiếm 48,6% tổng lượng sắt thép cả nước nhập về của cả nước. Sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ là nhà cung cấp sắt thép chủ yếu cho Việt Nam.
Đối với phân bón, tính đến hết 9 tháng/2014, tổng lượng phân bón các loại nhập khẩu vào Việt Nam lên đến gần 2,92 triệu tấn, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp phân bón cho Việt Nam với 1,54 triệu tấn, giảm 11,3% và chiếm 52,6% tổng lượng phân bón cả nước nhập về.
Nhóm nguyên vật liệu dệt may, da, giày, trị giá nhập khẩu trong 9 tháng đạt 12,61 tỷ USD, tăng 17%. Việt Nam nhập khẩu nhóm mặt hàng này chủ yếu từ Trung Quốc với 4,95 tỷ USD, tăng 23,3%; tiếp theo là Hàn Quốc: 2,07 tỷ USD, tăng 9,4%; Đài Loan: 1,69 tỷ USD, tăng 10%; Hoa Kỳ: 645 triệu USD, tăng 16,9%… so với cùng kỳ năm trước.