Xuất khẩu lao động “kết” quân nhân xuất ngũ

(Dân trí) - Chỉ cần chất lượng tốt thì lao động Việt Nam không sợ thiếu việc làm tại nước ngoài, thậm chí mức lương còn cao. Với môi trường rèn luyện đặc thù trong quân đội hiện những quân nhân xuất ngũ đang trở thành điểm “ngắm” của những doanh nghiệp XKLĐ.

Xuất khẩu lao động “kết” quân nhân xuất ngũ - 1
Đào tạo nguồn lao động có chất lượng tốt sẽ không sợ thiếu việc.
 
Quân nhân xuất ngũ - nghỉ hưu vẫn cần
 
Vừa qua, Công ty Vật tư Công nghiệp Quốc phòng (Gaet) đã đưa 120 lao động sang làm việc tại Libya. Đặc biệt, hầu hết những lao động này là quân nhân xuất ngũ hoặc hoặc nghỉ hưu, người cao tuổi nhất nay đã 58 tuổi.
 
Đại tá Nguyễn Ngọc Hoan, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và XKLĐ - Gaet cho biết, những lao động trên đều là thợ bậc cao trong lĩnh vực sửa chữa, lắp ráp các thiết bị chuyên dùng và ô tô đặc chủng.
 
Họ được nhận vào làm việc trong một nhà máy ngay tại thủ đô Tripli trong 2 năm với mức lương 560 USD/tháng, được chủ tuyển dụng bao ăn, ở và chi trả vé máy bay khứ hồi, trong đó 300 USD sẽ được gửi về cho gia đình lao động tại Việt Nam. Đại tá Nguyễn Ngọc Hoan cho biết, đưa lao động có tay nghề, kỹ thuật cao sang Libya làm việc trong các nhà máy luôn có công việc ổn định với thu nhập khá tốt.
 
Không chỉ Công ty Gaet, mới đây, Tổng cục kinh tế - Bộ Quốc Phòng cũng đã hợp tác Công ty CP Phát triển quốc tế Việt Thắng để đưa người lao động là quân nhân xuất ngũ đi làm việc ở nước ngoài.
 
Đại tá Đỗ Trọng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục kinh tế (Bộ Quốc Phòng) cho biết: “Trước khi quân nhân xuất ngũ trở về địa phương, chúng tôi giúp họ có thêm “kênh” XKLĐ. Những quân nhân xuất ngũ cũng được nhà nước trợ giúp 6 tháng đào tạo nghề miễn phí”.
 
Một điều quan trọng nữa là bản thân bộ đội trong thời gian tại ngũ đã được đào tạo, rèn luyện trong môi trường kỷ luật nghiêm ngặt quân đội. Sau khi xuất ngũ lại được đào tạo tại các trường dạy nghề, với ý thức, kỷ luật sẵn có, họ xác định rõ mục đích đi học nghề và luôn cố gắng.
 
“Rõ ràng, đây chính là nguồn lao động có chất lượng không chỉ đáp ứng nhu cầu XKLĐ mà cả trong nước cũng cần.” - Đại tá Trọng nói.
 
Ông Vũ Hải Việt, Giám đốc Công ty Việt Thắng bổ sung thêm, hiện nay nhu cầu sử dụng của các đối tác nước ngoài tập trung chủ yếu vào một số ngành nghề chủ yếu là: Thợ hàn công nghệ cao, thợ cơ khí, thợ xây dựng, lái máy công trình… Đây là những ngành nghề đòi hỏi năng lực chuyên môn, thể lực cũng như ý  thức kỷ luật lao động tốt, do đó nếu lao động đã qua đào tạo trong môi trường quân ngũ sẽ là một lợi thế.
 
Suy thoái kinh tế - lương, thưởng vẫn tăng
 
Vừa trở về từ Dubai, ông Nguyễn Xuân Vui, Chủ tịch HĐQT Công ty Airseco cho biết: Một số tập đoàn Xây dựng lớn tại Dubai (UAE) đã đánh giá cao khả năng làm việc của lao động Việt Nam và phía bạn đã quyết định tăng toàn bộ mức lương cơ bản và trợ cấp ăn cho LĐVN lên 150% . Với mức lương này, các đối tác hy vọng sẽ “hút” được nhiều lao động Việt Nam có chất lượng vào làm việc.
 
Thực tế, nhu cầu tuyển dụng lao động ở các thị trường truyền thống trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu có giảm sút. Tuy nhiên, mức độ giảm sút rất khác nhau và đặc biệt vẫn có nhiều thị trường cần lao động nước ngoài như Lybia, UAE, Arập-xê-út… Không ít doanh nghiệp trong nước đã công bố số lượng tuyển mỗi thị trường lên tới hàng nghìn lao động và vấn đề quan trọng vẫn là chất lượng nguồn lao động phải đáp ứng yêu cầu của thị trường.
 
Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam khẳng định: muốn đẩy mạnh XKLĐ bền vững cần phải làm tốt hai đầu: trong và ngoài nước. Có hợp đồng tốt, thị trường tốt chưa đủ, mà cần phải có cả lực lượng lao động tốt, phải có sự chuẩn bị tốt về nguồn lực thì mới thành công.
 
Hàng năm, có khoảng 15, 16 vạn quân nhân xuất ngũ. Đây là nguồn lao động tiềm năng mà nếu chúng ta biết tận dụng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề xã hội khác.
 
Lan Hương