Xuất khẩu của Việt Nam 2020: Duy trì mức thặng dư của năm 2019

(Dân trí) - Đó là dự báo của Đại học Ngân hàng TPHCM thông qua báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam – Phân tích và dự báo với chủ đề “Vượt trên trạng thái bình thường mới và giữ nhịp tăng trưởng trong năm 2020”.

Kinh tế toàn cầu tăng trưởng 2,9% và 3,4%

Trong năm 2020, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam có thể duy trì mức thặng dư của năm 2019 trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và vấn đề địa chính trị đe doạ sự ổn định của hệ thống thương mại toàn cầu.

OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) và IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế) dự báo kinh tế toàn cầu năm 2020 đạt tỷ lệ tăng trưởng lần lượt 2,9% và 3,4%.

Trong khi đó, sau khi dự báo tăng trưởng thương mại năm 2019 xuống còn một nữa, WTO giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới từ 3% xuống còn 2,7%.

Hầu hết tăng trưởng kinh tế ở các đối tác thương mại là các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều được dự báo là thấp hơn so với năm 2019. Cụ thể, thị trường xuất khẩu Mỹ ước tính đạt 2,0%-2,1%, EU là 1,4%, Trung Quốc 5,7% - 6% và Nhật Bản là 1,4%.

Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào tình hình tăng trưởng của các nền kinh tế này, nhất là xuất khẩu của khu vực FDI. Năm 2019, xuất khẩu của khu vực FDI chỉ tăng với tỉ lệ 4,2% so với năm 2018.

Bối cảnh tăng trưởng chậm của các đối tác thương mại chính khó có thể giúp nâng cao tỉ lệ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI trong năm 2020.

Ngoài ra, áp lực đối với xuất khẩu của Việt Nam còn đến từ sự tăng giá của USD so với các đồng tiền khác (chỉ số USD đã tăng 4% trong năm 2018 và khoảng 2% trong năm 2019) và sự giảm giá của CNY (đồng Nhân dân tệ - Trung Quốc) so với USD (CNY giảm khoảng 8% trong năm 2018 và giảm thêm 2% trong năm 2019).

Trong khi đó, tính theo tỉ giá trung tâm, VNĐ mới chỉ giảm giá khoảng 2% so với USD trong cả năm 2018 và khoảng 1,51% trong năm 2019.

Xuất khẩu của Việt Nam 2020: Duy trì mức thặng dư của năm 2019 - 1
Một doanh nghiệp có nhà máy tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xuất khẩu thành công 15.000 tấn tôn qua Châu Âu

Dự báo vẫn tăng trưởng

Cũng theo Đại học Ngân hàng TPHCM, mặc dù nền kinh tế thế giới còn khá bấp bênh với tốc độ tăng trưởng được dự báo là tiếp tục suy giảm, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo ở mức khá cao trong khoảng 6,8 – 71,%.

Trong 6 tháng cuối năm 2019, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước khá ngoạn mục do khai thác tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và tiếp cận các thị trường xuất khẩu các mặt hàng thô. Năm 2019, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thuỷ sản giảm 4,5% và nhóm hàng nhiên liệu, khoảng sản giảm 9,7% thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 10% so với năm 2018.

Bên cạnh đó, cơ cấu hàng nhập khẩu có khuynh hướng thiên về mặt hàng cần thiết cho sản xuất, gia công và xuất khẩu. Các yếu tố này cùng với mức tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI được duy trì như năm 2019 sẽ hỗ trợ giúp cán cân thương mại Việt Nam tiếp tục thặng dư trong năm 2020.

Trong điều kiện cán cân dịch vụ, cán cân thương mại và chuyển giao vãng lai một chiều có khuynh hướng ổn định, cán cân vãng lai được dự báo tiếp tục thặng dư trong năm 2019.

Tuy vậy, vẫn còn có các yếu tố đầy thách thức đối với cán cân thương mại như: Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sụt giảm, sản phẩm điện tử, máy vi tính, nhất là điện thoại di động không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng; nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc để dán mác Việt Nam rồi tái xuất đi Mỹ để né tranh thuế; các mặt hàng nông, thuỷ sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Ngoại thương Việt Nam còn tiếp tục thành công trong năm 2020 phụ thuộc vào khả năng tiếp tục khai thác cơ hội từ các hiệp định thương mại, quản lý nhà nước đối với hành vi gian lận xuất xứ và bảo vệ hợp lý các ngành sản xuất trong nước.

Quế Sơn