Xuất hiện những gói huy động "siêu" lãi suất, tiền gửi 999 tỷ đồng
(Dân trí) - Lãi suất huy động dài hạn được một số ngân hàng áp dụng ở 7% đến 8,2%/năm. Chuyên gia cho rằng những món lãi suất cao với điều kiện tiền gửi hàng trăm tỷ đồng có thể đã có "đơn đặt hàng" trước.
"Siêu" lãi suất
Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng áp dụng biểu lãi suất huy động kỳ hạn dài lên mức trên 7%/năm, thậm chí có ngân hàng đẩy kỳ hạn 13 tháng lên 8,2%/năm.
Tuy nhiên, để được hưởng các mức lãi suất cao ngất này, khách hàng phải gửi các khoản tiền lớn từ 30 tỷ đồng, 200 tỷ đồng, 500 tỷ đồng và thậm chí là 999 tỷ đồng cùng với các điều kiện gửi kỳ hạn dài, không được tất toán trước hạn...
Một điểm đáng lưu ý là tại một số ngân hàng, mức lãi suất trên được dùng làm cơ sở để tính lãi suất cho vay sau thời gian cố định lãi suất.
Thông tin niêm yết trên bảng lãi suất tiền gửi của OCB cho thấy, với các khoản tiền gửi tiết kiệm/tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng, kỳ hạn 13 tháng với số tiền từ 500 tỷ đồng trở lên, ngân hàng áp dụng theo biểu lãi suất cơ sở.
Trong đó, theo lý giải từ ngân hàng, lãi suất cơ sở là lãi suất tham chiếu được ngân hàng dùng để điều chỉnh lãi suất cho vay sau thời gian cố định lãi suất. Cụ thể, lãi suất cơ sở kỳ hạn 12 tháng có mức 8,1%/năm; lãi suất cơ sở kỳ hạn 12 tháng có mức 8,2%/năm.
"Tùy thuộc vào kỳ hạn gửi, số tiền gửi và mức độ thân thiết của từng khách hàng, ngân hàng có thể cân nhắc về việc áp dụng mức lãi suất khác phù hợp theo từng thời kỳ, bảo đảm thực hiện theo quy định Ngân hàng Nhà nước", ngân hàng này cho hay.
Theo biểu lãi suất niêm yết của ACB, khách hàng có thể được hưởng mức lãi suất 7,4%/năm nhưng với khoản tiền gửi từ 30 tỷ đồng trở lên. Ngoài ra, ngân hàng cũng quy định các mức tiền gửi tương ứng với mức lãi suất, ví dụ như: gửi số tiền trên 5 tỷ đồng kỳ hạn 12 tháng được hưởng mức lãi suất 6%/năm; hay như lãi suất tiền gửi tích lũy tương lai kỳ hạn 18, 14, 36, 60 tháng ở mức 6,2%/năm.
Hay như tại biểu lãi suất huy động vốn dành cho khách hàng cá nhân của Techcombank áp dụng tại quầy từ ngày 12/7, lãi suất kỳ hạn dài 12 - 35 tháng được ngân hàng áp dụng mức 5,4%/năm với khoản tiền trên 3 tỷ đồng; kỳ hạn 36 tháng lãi suất có lãi suất 5,6%/năm cũng với khoản tiền gửi trên 3 tỷ đồng.
Cũng tại ngân hàng này, với biểu lãi suất tiết kiệm thường, nhóm khách hàng ưu tiên lãi suất kỳ hạn dài 12 - 35 tháng được ngân hàng áp dụng mức 4,9%/năm; kỳ hạn 36 tháng ở mức 5,1%.
Tuy nhiên, ngân hàng lưu ý đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm thường trả lãi cuối kỳ, kỳ hạn 12 tháng, mức tiền gửi từ 999 tỷ đồng trở lên và khách hàng cam kết không được tất toán trước hạn áp dụng mức lãi suất 7,1%/năm.
Cùng với biểu lãi suất huy động, Techcombank cũng công bố lãi suất cơ sở chuẩn ở mức 7%/năm dành cho cá nhân, được áp dụng cho các khoản vay mua bất động sản được phê duyệt hoặc giải ngân từ ngày 11/1/2021 và các khoản vay điều chỉnh theo cơ chế lãi suất cơ sở chuẩn có ngày điều chỉnh lãi suất là ngày 15 hàng tháng.
Ngoài ra, ngân hàng này cũng công bố lãi suất tham chiếu bằng đồng Việt Nam ở mức 9,65 %/năm áp dụng cho các khoản vay được phê duyệt từ ngày 15/2/2019 và các khoản vay hiện tại đi theo cơ chế lãi suất tham chiếu có ngày điều chỉnh lãi suất là ngày 15 hàng tháng.
Lãi suất cho vay sẽ rất cao
Đề cập tới việc ngân hàng dùng lãi suất huy động để làm cơ sở tính lãi suất cho vay, một chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, nếu ngân hàng huy động tiền gửi với mức lãi suất từ 7% đến trên 8%/năm thì lãi suất cho vay ra hẳn rất cao.
Thông thường, các ngân hàng tính lãi suất cho vay dựa trên mức lãi suất tiết kiệm bình quân 12 tháng trả sau của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước cộng với biên độ chênh lệch 2,5-3%/năm đối với vay dài hạn và 2,-2,2%/năm với vay ngắn hạn.
Còn việc ngân hàng công bố mức lãi suất huy động trên 8%/năm để làm căn cứ áp mức lãi suất cho vay thì lãi suất cho vay dài hạn có thể lên mức trên 11%/năm.
"Với những dự án cho vay dài hạn từ 5 năm trở lên hoặc cho vay mang tính rủi ro cao, dự án chưa đáp ứng đủ điều kiện là tài sản đảm bảo, ngân hàng thường cộng hết biên độ chênh lệch, còn những khoản vay ngắn hạn dưới một năm sẽ cộng thêm từ 2-2,5%/năm", chuyên gia này chia sẻ.
Vậy có hay không việc ngân hàng huy động thành công các khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng với lãi suất 8,2%/năm hay 999 tỷ đồng để hưởng lãi suất trên 7%/năm, vị chuyên gia này khẳng định: "Chắc chắn có. Ngân hàng không dại gì mà đưa ra các gói sản phẩm "trên trời". Có thể họ đã có dự án, có khách hàng vay vốn dài hạn và mức lãi suất này, điều kiện gửi phải gửi hàng trăm tỷ đồng là để phục vụ nhu cầu giải ngân khoản vốn vay dài hạn nào đó hoặc có thể ngân hàng thiếu vốn phục vụ nhu cầu cho vay trung và dài hạn".
Khảo sát thị trường cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng theo giới chuyên gia, dư địa để các ngân hàng thương mại giảm thêm lãi suất vẫn còn. Nhiều phân tích chỉ ra rằng lãi suất cho vay không giảm mạnh như lãi suất huy động giúp các ngân hàng tiếp tục lãi lớn thời gian vừa qua, trong khi doanh nghiệp vẫn khó khăn vì dịch bệnh.
Trong dự báo mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI ước tính lợi nhuận của BIDV sẽ tăng 51% trong quý II, Vietcombank tăng 11% và các ngân hàng tư nhân như: ACB, HDBank, MB, MSB, Techcombank, VIB, VPBank... đều được dự báo tăng trên 30%. Động lực tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng, theo SSI là nhờ NIM (biên lãi ròng) mở rộng so với cùng kỳ.