1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Xuất hiện dấu hiệu sẽ dư thừa nhân lực ngành ngân hàng

(Dân trí) - Báo cáo thị trường tuyển dụng trực tuyến năm 2019 tại Việt Nam cho thấy xuất hiện dấu hiệu dư thừa nhân lực ở một số ngành nghề như: ngân hàng, quảng cáo/khuyến mãi/đối ngoại.

VietnamWorks, trang web tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Việt Nam, vừa phát hành Báo cáo thị trường tuyển dụng trực tuyến toàn năm 2019 tại Việt Nam. Số liệu thống kê được trình bày trong báo cáo được phân tích dựa trên hồ sơ ứng tuyển tại VietnamWorks, khảo sát cho cả nhà tuyển dụng và ứng viên.

Theo thống kê từ VietnamWorks, nhu cầu tuyển dụng trực tuyến trên toàn quốc từ 2015 đến 2019 đã đạt mức tăng trưởng 55% và nhu cầu tuyển dụng trong các năm tới được dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Theo đó, trong năm 2019, tỉ lệ đăng tuyển các cấp bậc vị trí có kinh nghiệm là cao nhất với 73%; cấp trưởng phòng, quản lí với 17%, mới ra trường chiếm 7% và cấp bậc từ giám đốc trở lên chiếm tỉ lệ đăng tuyển thấp nhất, chỉ 3%.

Xuất hiện dấu hiệu sẽ dư thừa nhân lực ngành ngân hàng - 1
Ngân hàng số và công nghệ Blockchain đang thay đổi ngành ngân hàng (ảnh minh họa)

Khả năng thiếu hụt lao động ở các ngành nghề có tốc độ tăng trưởng cao

Top 3 các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất lần lượt là: bán hàng, tài chính/đầu tư và hành chính/thư ký. Các ngành này cũng dẫn đầu về số lượng hồ sơ ứng tuyển trong năm 2019. Tuy nhiên có chút khác biệt về thứ tự xếp hạng khi hành chính/thư ký lại dẫn đầu so với số lượng hồ sơ, còn ngành bán hàng dẫn đầu trong số công việc đăng tuyển. Như vậy, khả năng sẽ có sự chênh lệch nhẹ giữa nhu cầu tuyển dụng và nguồn cung lao động ở hai ngành nghề này.

Bên cạnh đó, 3 ngành có tốc độ tăng trưởng cao về nhu cầu tuyển dụng như: hoạch định/dự án, chăm sóc khách hàng, sản xuất với mức tăng trưởng mạnh mẽ lần lượt là 17%, 13% và 13%. Nhưng khả năng cao sẽ thiếu hụt lao động ở các ngành chăm sóc khách hàng và sản xuất vì 2 ngành này không nằm trong top 3 các ngành nghề có tốc độ tăng trưởng về nguồn cung lao động như: ngân hàng, hoạch định/dự án, quảng cáo/khuyến mãi/đối ngoại.

Các thành phố lân cận đô thị lớn tăng mạnh về nhu cầu tuyển dụng

Theo ghi nhận của VietnamWorks, TPHCM, Hà Nội luôn là 2 thành phố dẫn đầu về số lượng công việc đăng tuyển trong nhiều năm liền. Theo sau đó là những tỉnh thành như Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai…

Vượt qua các thành phố trên, các khu vực kinh tế mới lại tăng trưởng đột biến về nhu cầu tuyển dụng trong 1 năm trở lại đây. Theo đó, tỉ lệ tăng trưởng của Bà Rịa - Vũng Tàu là 29%, Đồng Nai 20% và Bắc Ninh 14%. Điều này cho thấy mức độ lan tỏa việc làm ra các khu vực lân cận của TPHCM và Hà Nội ngày càng lớn.

Nhóm ứng viên cấp trung và cấp cao ít có xu hướng tìm kiếm công việc trực tuyến

Theo thống kê từ số liệu hồ sơ ứng tuyển VietnamWorks, nguồn cung lao động trực tuyến trên toàn quốc trong suốt 5 năm từ đầu năm 2015 đến hết năm 2019 đã đạt mức tăng 45% nhưng vẫn chưa bắt kịp tốc độ tăng trưởng về nhu cầu tuyển dụng (55%), vì vậy khả năng sẽ thiếu hụt nhân tài ở một số mảng. Tuy nhiên, có thể nhìn nhận sự việc này ở một khía cạnh tích cực như người lao động sẽ có cơ hội việc làm cao hơn và giảm tỉ lệ cạnh tranh hơn.

Khi so sánh giữa top 3 các ngành tăng trưởng vượt bậc về nguồn cung lao động năm 2019 với top 3 ngành tăng trưởng cao về nhu cầu tuyển dụng 2019, có một số dấu hiệu dư thừa và thiếu hụt nhân lực như sau:

Thứ nhất, xuất hiện dấu hiệu sẽ dư thừa nhân lực ở một số ngành nghề như: ngân hàng, quảng cáo/khuyến mãi/đối ngoại và thiếu hụt lao động ở các ngành chăm sóc khách hàng, sản xuất. Theo đó, top 3 ngành tăng trưởng vượt bậc về nhu cầu tuyển dụng 2019 lần lượt là hoạch định dự án, chăm sóc khách hàng, sản xuất và top 3 ngành tăng trưởng vượt bậc về Nguồn cung lao động lần lượt là ngân hàng, hoạch định dự án, quảng cáo/khuyến mãi/đối ngoại.

Xét về khả năng thiếu hụt nhân lực ở một số mảng, đáng kể đến là các ngành: IT, điện/ điện tử khi hai ngành này thuộc top 10 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất năm 2019 nhưng lại không thuộc trong top 10 ngành có nguồn cung lao động cao.

Khi so sánh về hành vi tìm việc, có thể thấy nhóm ứng viên quản lý cấp trung và cấp cao có ít nhu cầu tìm hiểu công việc trực tuyến hơn hẳn so với các nhóm ứng viên khác, một phần do đa số các cấp bậc từ giám đốc trở lên sẽ thực hiện việc tuyển dụng qua dịch vụ Search and Selection của Navigos Search.

An Hạ