1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Xuất 400.000 tấn gạo: “Mở" tờ khai lúc nửa đêm, doanh nghiệp "ấm ức"

(Dân trí) - Tổng cục Hải quan đã cho mở cổng đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4 vào 0h ngày 12/4. Nhiều doanh nghiệp cho biết họ hụt hẫng do không biết để đăng ký.

Xuất 400.000 tấn gạo: “Mở tờ khai lúc nửa đêm, doanh nghiệp ấm ức - 1

Tổng cục Hải quan đã cho mở cổng đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4/2020 vào 0h ngày 12/4. (Hình minh hoạ).

Doanh nghiệp hụt hẫng

Hôm 10/4, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép xuất khẩu gạo trở lại trong tháng 4 như đề xuất của Bộ Công Thương với 400.000 tấn.

Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1106/QĐ-BCT về việc công bố hạn ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng gạo trong tháng 4/2020, theo đó, áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng gạo (HS 10.06) trong tháng 4/2020 là 400.000 tấn.

Việc nối lại xuất khẩu trong bối cảnh đã có sự tính toán kỹ lưỡng từ phía Bộ Công Thương về số liệu khiến nhiều doanh nghiệp mừng khấp khởi, đặc biệt đối với những doanh nghiệp đang “mắc kẹt” gạo tại cảng sau khi hải quan dừng thông quan hôm 24/3.

Tuy nhiên, bất ngờ, sáng nay (13/4), nhiều doanh nghiệp lên tiếng phản ánh về việc “hải quan cho mở tờ khai lúc nửa đêm” khiến họ không kịp trở tay.

Xuất 400.000 tấn gạo: “Mở tờ khai lúc nửa đêm, doanh nghiệp ấm ức - 2

Gọi điện cho một lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang có hàng trăm container “mắc kẹt” tại cảng vì không được thông quan, vị này không bắt máy.

Phải đến 4 tiếng sau, vị tổng giám đốc doanh nghiệp mới gọi lại và cho biết “chúng tôi bận họp xuyên trưa để nghĩ giải pháp cho lô gạo đang “đắp chiếu” ở cảng”.

“Chúng tôi thấp thỏm “canh” để chờ đăng ký ngay sau khi biết tin Chính phủ đồng ý cho xuất khẩu trở lại. Đến đêm hôm chủ nhật, ngày 12/4, hải quan bất ngờ mở tờ khai nhưng doanh nghiệp chúng tôi không hay biết”, vị lãnh đạo này buồn bã nói với Dân trí vì hụt cơ hội xuất số gạo đang nằm chờ ở cảng.

Vị này cho rằng, họ không nhận được thông báo để được biết từ 0h ngày 12/4 sẽ mở khai báo hải quan.

“Nếu chúng tôi biết, chúng tôi không đăng ký được thì vẫn đỡ cảm thấy ấm ức, mới cảm thấy công bằng cho doanh nghiệp. Chúng tôi vào sau đó hơn 2h đã thấy hết rồi”, vị này ví von, việc này giống như đi thi nhưng không rõ lịch thi mới thấy “buồn", chứ nếu được đi thi mà trượt thì còn “đỡ".

Vị này chia sẻ thêm, với hàng nghìn tấn gạo nằm ở cảng khi hải quan bất ngờ thông báo dừng thông quan từ ngày 24/3, công ty mất khá nhiều loại chi phí: phí container, lưu kho bãi, vận chuyển từ kho tới cảng và vận chuyển về.

“Tổn thất vô cùng lớn với chúng tôi, trong khi đại dịch vốn đã đủ khiến chúng tôi vất vả lắm rồi. Giờ chúng tôi lại phải tìm cách chuyển toàn bộ số gạo về Đồng Tháp để lưu kho", ông chia sẻ.

Vị lãnh đạo nhấn mạnh thêm, cách làm việc của các cơ quan chức năng không sòng phẳng, khiến những doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhỏ chịu thiệt thòi. Không chỉ lỡ hẹn với khách hàng nước ngoài, vị tổng giám đốc này cũng cho biết họ sẽ phải đối mặt với việc giá gạo xuống thấp khi quay trở lại tiêu thụ nội địa.

Đây không phải là trường hợp cá biệt, đã có rất nhiều doanh nghiệp "hụt hẫng" trong đợt mở tờ khai này.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ trên báo chí, doanh nghiệp ông cũng không khai được tờ khai hải quan nào cho số lượng xuất khẩu 400.000 tấn gạo được Thủ tướng cho phép xuất khẩu trong tháng 4/2020.

Vị này cho rằng, việc hải quan mở cổng đăng ký tờ khai hải quan lúc tờ mờ sáng ngày chủ nhật (12/4) và chỉ khoảng 3 tiếng đồng hồ sau đóng cổng với lý do đã khai đủ số lượng là bất hợp lý.

Doanh nghiệp của vị này cũng có cả trăm container mắc kẹt ở cảng từ hôm 24/3. "Khi có thông tin được xuất khẩu gạo trở lại, chúng tôi đã rất mừng, nhưng rồi lại hụt hẫng vì cách làm việc này", ông Bình thất vọng nói.

Trong khi đó, phía Tổng cục Hải quan cho biết việc xuất khẩu khẩu gạo theo hạn ngạch được quản lý theo nguyên tắc thương nhân đăng ký tờ khai hải quan trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước.

Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan cho tới khi tổng số lượng đăng ký xuất khẩu của các tờ khai chạm mốc 400 nghìn tấn. Tờ khai hải quan có số lượng vượt mốc 400 nghìn tấn sẽ không có giá trị làm thủ tục hải quan.

Trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.

Gạo là "điểm sáng" xuất khẩu trong quý I

Trước đó, trong báo cáo quý I của Bộ Công Thương, hầu hết các ngành sản xuất đều chịu tác động bởi dịch Covid-19. Một điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh xuất khẩu 3 tháng đầu năm đó là gạo.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, “riêng gạo là một trong số ít mặt hàng không bị tác động nhiều bởi dịch Covid-19 khi cả giá trị và sản lượng xuất khẩu đều tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019”.

Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2020, sản lượng xuất khẩu gạo đạt 1,41 triệu tấn, giá trị kim ngạch 653 triệu USD, tăng 1,1% về lượng và 7,9% về giá trị (cùng kỳ giảm 18,5% về trị giá).

Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright cho rằng, trong khi sản lượng lúa gạo của Việt Nam vẫn đang ổn định, chỉ thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm ngoái, dư sức để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa đảm bảo xuất khẩu gạo thì chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu gạo với giá cao.

"Thực tế vừa qua, rất nhiều người mất việc ở đô thị quay về nông thôn nương náu. Nếu không xuất khẩu được gạo, nông thôn sẽ bị quá tải, gánh nặng chồng chất thêm lên vai người nông dân vốn đã chịu nhiều khó khăn do thời tiết cực đoan, hạn mặn vừa qua", vị chuyên gia nói.

TS. Vũ Thành Tự Anh cũng nhắc lại bài học bỏ lỡ xuất khẩu gạo giá cao từng xảy ra thời kì khủng hoảng 2008-2009.

Trước đó, trong văn bản góp ý với Bộ Công Thương về tình hình xuất khẩu gạo, Bộ Tài chính đã đề nghị tiếp tục cho xuất khẩu gạo đối với gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm.

Bộ này cũng đề nghị tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết ngày 15/6/2020 để đảm bảo mua đủ dự trữ quốc gia. Bộ Tài chính cho biết chỉ tiêu kế hoạch mua gạo dự trữ quốc gia năm 2020 do Thủ tướng giao là 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc tẻ thường.

"Trước tình hình nhu cầu xuất khẩu tăng, nên các doanh nghiệp đã trúng thầu cung cấp gạo cho quốc gia khoảng 178.000 tấn có tình trạng kéo dài thời gian ký hợp đồng, không thực hiện thương thảo hợp đồng", Bộ Tài chính cho biết.

Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến 15/6 để đảm bảo công tác mua dự trữ quốc gia. Sau khi mua đủ theo kế hoạch được giao sẽ tiếp tục điều hành xuất khẩu linh hoạt, phù hợp với thực tế.

Với đề nghị này, Bộ Tài chính cho biết Tổng cục Hải quan sẽ giám sát chặt chẽ việc xuất khẩu đối với các loại gạo. Sau ngày 15/6 khi gạo tẻ được xuất khẩu bình thường, hải quan sẽ căn cứ số lượng gạo do Bộ Công Thương công bố, giám sát thủ tục hải quan theo quy định.

Hồi đáp ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Công Thương khẳng định trước mắt chỉ cho phép xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo trong tháng 4, giảm tới 40% so với lượng xuất khẩu thông thường nên lượng tồn còn lại trong nước rất nhiều, đủ cho nhu cầu mua dự trữ của Tổng cục Dự trữ nhà nước.

Do vậy, trong văn bản gửi Thủ tướng ngày 6/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vẫn đề xuất cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo sau khi đã "tính toán kỹ để đảm bảo an ninh lương thực".

Nguyễn Mạnh