Xử lý nợ xấu: Quy trách nhiệm lãnh đạo ngân hàng trước thống đốc
(Dân trí) - Chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc các tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm trước Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trong việc chỉ đạo xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản số 6921 gửi các tổ chức tín dụng (không bao gồm Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô) về việc quán triệt các tổ chức tín dụng (TCTD) xây dựng và triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020.
Theo văn bản, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, Thống đốc NHNN quán triệt và yêu cầu các TCTD tập trung triển khai xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 theo đúng mục tiêu, định hướng của NHNN, cụ thể như sau:
Các TCTD khẩn trương xây dựng và hoàn thiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 theo đúng chỉ đạo của NHNN.
Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 phải đảm bảo chất lượng, thời hạn và theo đúng yêu cầu của NHNN. Trong đó, phải đánh giá đầy đủ các mặt hoạt động của TCTD; Thực trạng hoạt động (đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu, những tồn tại, hạn chế…) đến thời điểm xây dựng phương án; Xác định rõ mục tiêu, định hướng cơ cấu lại từng năm và đến năm 2020; Gắn xử lý nợ xấu với các giải pháp cơ cấu lại; Thực hiện xây dựng phương án theo đúng nội dung NHNN đã hướng dẫn.
Chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc các TCTD chịu trách nhiệm trước Thống đốc NHNN trong việc chỉ đạo xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu. Chất lượng, hiệu quả và ý thức chấp hành trong việc xây dựng phương án cơ cấu lại của một TCTD là một trong những tiêu chí của NHNN đánh giá khi xem xét đề nghị liên quan đến hoạt động của TCTD.
Dữ liệu từ VAMC cho thấy, từ ngày 1/1 đến hết 15/8, VAMC đã mua nợ của 11 TCTD với tổng dư nợ gốc nội bảng là 15.751 tỷ đồng, giá mua nợ là 15.477 tỷ đồng, đạt 77,4% kế hoạch năm 2017.
Như vậy, tính từ 2013 đến thời điểm 15/8/2017, VAMC đã mua được 26.049 khoản nợ của 16.154 khách hàng tại 42 TCTD, với tổng dư nợ gốc nội bảng 291.306 tỷ đồng, giá mua nợ là 261.401 tỷ đồng.
Ngoài ra, VAMC đã mua một khoản nợ theo giá thị trường với giá 9,8 tỷ đồng.
Trong tháng 9 này, VAMC dự kiến sẽ hoàn thành mua nợ theo giá trị thị trường đối với 9 khoản nợ của 9 khách hàng tại 5 TCTD với tổng dư nợ gốc nội bảng là 1.524 tỷ đồng, tổng giá trị TSBĐ tại thời điểm mua nợ bằng TPĐB là 2.813 tỷ đồng. Dự kiến, tổng giá mua nợ theo giá trị thị trường trong năm 2017 của VAMC đạt trên 2.000 tỷ đồng.
An Hạ